Các nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ và cách xử trí đúng
Mục Lục
1. Nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ
Nôn ói là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của cơ bụng và thành ngực. Nôn ói ở trẻ do nhiều nguyên nhân. Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh và chỉ nôn một lượng nhỏ thức ăn thì có thể do trẻ đã ăn hoặc uống quá nhiều và nôn phần thức ăn thừa ra. Trẻ quá căng thẳng ở trường học hay tại nhà đôi khi cũng có thể nôn.
Nôn ói ở trẻ do nhiều nguyên nhân.
Một số nguyên nhân bệnh lý
Viêm dạ dày ruột do virus (phổ biến nhất), ngộ độc thức ăn (thức ăn bị nhiễm khuẩn do bảo quản không tốt), viêm dạ dày ruột do vi khuẩn (thường không quá nặng), ho, cảm, nhiễm trùng đường hô hấp (trẻ thường nôn sau cơn ho nặng), viêm tai, viêm ruột thừa, nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm trùng bàng quang), tắc ruột, lồng ruột, hẹp môn vị… sẽ gây ra tình trạng nôn ói ở trẻ.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà có các nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng nôn ói.
– Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi (<12 tháng tuổi) đa số cha mẹ khó phân biệt trẻ trớ sữa do trào ngược hay ói, vì một số trường hợp trẻ trớ sữa nhiều và mạnh.
Trẻ ói mạnh có thể là biểu hiện của bệnh nặng, cần được thăm khám ngay. Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn hoặc hẹp dạ dày (hẹp môn vị) hay tắc ruột.
Trẻ cũng có thể ói do nhiễm trùng tại ruột hay các nơi khác của cơ thể. Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, nếu sốt 38º C hoặc hơn, có hoặc không kèm ói, cần được thăm khám ngay.
– Ở trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi, nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng hệ tiêu hóa, thường do virus. Ói thường xảy ra đột ngột và hết nhanh trong vòng 24 giờ. Bệnh thường kèm các triệu chứng khác như: Nôn, tiêu chảy, sốt và đau bụng.
Nhiễm trùng hệ tiêu hóa có thể xảy ra sau khi ăn thức ăn nhiễm trùng hoặc do trẻ ngậm các đồ vật bị nhiễm khuẩn. Bệnh lây lan nhanh, giữ vệ sinh, đặc biệt là rửa tay sẽ giúp phòng bệnh.
Một số bệnh khác gây nôn ói ở trẻ nhỏ như: Trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh loét, tắc ruột, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi khó phân biệt trẻ trớ sữa do trào ngược hay ói.
2. Dấu hiệu nhận biết một số bệnh gây nôn ở trẻ
– Nôn ói do viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn
Rất khó phân biệt các bệnh viêm dạ dày ruột do virus/vi khuẩn với ngộ độc thức ăn, vì khởi phát bệnh khá giống nhau: Trẻ có thể nôn ồ ạt 5 – 30 phút/lần trong 1 – 12 giờ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu để phân biệt:
- Trong nhiễm virus, bệnh khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng. Tình trạng nôn có thể kéo dài 12 – 72 giờ (3 ngày). Tiêu chảy thường xuất hiện trong ngày đầu hoặc ngày thứ hai.
- Trong ngộ độc thức ăn, bệnh khởi phát 2 – 12 giờ sau khi ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Trẻ thường không sốt. Nôn xuất hiện vài giờ sau khi ăn tại nhà hàng hay khi đi dã ngoại và thường không kéo dài quá 12 giờ. Có thể có hoặc không có tiêu chảy.
- Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn kéo dài hơn 12 giờ thì ít khả năng là ngộ độc thực phẩm.
– Nôn ói do nhiễm trùng tiết niệu
Nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn, đi tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu có mùi khó chịu thì cần cân nhắc nguyên nhân này.
– Nôn ói do tắc ruột
Bệnh lý này xuất hiện khi ruột bị xoắn, tuy hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu. Triệu chứng then chốt là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều tới tắc ruột. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau bụng đột ngột. Nôn ra mật xanh vàng. Thường là nôn vọt (không bắt buộc). Đau bụng dữ dội liên tục hoặc từng cơn. Không đại tiện. Trẻ nhợt nhạt, vã mồi hôi. Tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
– Nôn ói do lồng ruột
Nôn ở trẻ dưới 4 tuổi có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. Trẻ thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt. Có thể có máu trong phân, phân lỏng.
– Nôn ói do hẹp phì đại môn vị
Trong một số ít trường hợp, nếu trẻ 3 – 5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội nhiều lần thì cần cảnh giác với bệnh hẹp phì đại môn vị (môn vị là phần cuối của dạ dày, nơi nối với tá tràng). Những trẻ này lặp đi lặp lại chu kỳ bú – nôn – đói. Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Hẹp phì đại môn vị cần được phẫu thuật điều trị, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn.
Khi thấy trẻ có biểu hiện bị nôn ói, cha mẹ cần theo dõi sát sao.
3. Chăm sóc trẻ nôn ói tại nhà
Bình thường trẻ nôn ói có thể cha mẹ chưa phân biệt trẻ trớ sữa do trào ngược hay ói, vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện nôn cần theo dõi sát sao. Theo dõi xem có tình trạng mất nước ở trẻ.
Vì mất nước có thể xảy ra khi trẻ nôn và ói. Các dấu hiệu mất nước nhẹ bao gồm: Môi khô nhẹ, khát nước. Trẻ mất nước nhẹ không cần đến khám ngay nhưng cần theo dõi các dấu hiệu mất nước nặng hơn. Các dấu hiệu mất nước nặng hơn bao gồm: Môi khô, khóc không có nước mắt, không tiểu trong vòng 6 giờ, mắt trũng. Trẻ có các dấu hiệu này cần đến khám ngay.
Chế độ ăn: Cần tiếp tục cho trẻ ăn chế độ ăn dễ tiêu, tiếp tục cho bú mẹ nếu trẻ đang bú.
Bù nước: Dùng dung dịch Oresol, vì an toàn, rẻ, hiệu quả, dễ sử dụng.
Dung dịch Oresol không gây ói, nhưng giúp phòng ngừa và điều trị mất nước do các bệnh lý gây ói. Nếu trẻ không chịu uống hay ói ngay sau khi uống dung dịch Oresol, phụ huynh cần theo dõi sát các triệu chứng mất nước nặng hơn.
Trẻ ói thường do virus, vi trùng dễ lây nhiễm nên cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ, tránh lây lan cho bản thân người chăm sóc, gia đình và bạn bè. Rửa tay thường xuyên và giữ trẻ ở nhà cho đến khi trẻ hết nôn ói 24 giờ.
4.Cho trẻ đến khám ngay, nếu có bất kì dấu hiệu nào sau đây
Trẻ nôn ói dịch mật (xanh) hoặc máu (đỏ hoặc nâu), nôn ói ở trẻ sơ sinh cũng cần khám ngay.
Ngoài ra, trẻ nhỏ nôn ói kéo dài hơn 24 giờ. Trẻ không ăn hoặc uống được trong vài giờ. Trẻ có mất nước: Môi khô, khóc không có nước mắt, không tiểu trong vòng 6 giờ. Đau bụng nhiều kèm sốt > 38.4ºC hơn 3 ngày hoặc ngay khi trẻ sốt > 39ºC, trẻ mệt mỏi, lừ đừ, ngủ gà hoặc quấy khóc bất thường…
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh viêm gan bí ẩn: Các chuyên gia nhận định có thể liên quan đến SARS-CoV-2