Các mạng xã hội Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển khi hiểu về người dùng
Trao đổi về kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, đến nay, Việt Nam đã có gần 1.000 mạng xã hội trong nước. Ngay từ khi ra đời, các mạng xã hội “nội” này đã xác định không cạnh tranh trực diện với những nền tảng xuyên biên giới, mà chọn đi vào các thị trường ngách, tạo ra diễn đàn cho người dùng trong nước.
Phân tích về nhu cầu dùng mạng xã hội của Việt Nam, với hơn 72 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội, “các mạng xã hội của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển và trở thành hệ sinh thái bổ sung và thậm chí có thể thay thế những nền tảng mạng xã hội lớn khác” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhận định, thời gian tới, những mạng xã hội thực sự biết người dùng là ai, có tương tác trao đổi với người thật, đảm bảo tính chính danh trên mạng xã hội sẽ phát triển, vì có chính danh thì giao dịch mới có giá trị.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, năm 2022, Bộ TT&TT đã thực hiện được rất nhiều việc, mang lại tác động rất tích cực trong việc quản lý ngày càng tốt hơn về thông tin điện tử.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay, ông Lợi nêu ý kiến không nên đặt nặng vấn đề quản lý, “mà hãy tạo không gian cho sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu phát triển của các DN. Nếu chúng ta không tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo thì chúng ta không có tiềm lực, không có sức mạnh” – ông Hồ Quang Lợi nói.
Nhắc đến Đại hội nhiệm kỳ III của Hội Truyền thông số Việt Nam, sự ra mắt của Liên minh Sáng tạo Nội dung số và Tổng đài Tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Hồ Quang Lợi bày tỏ đây là những việc làm thiết thực của Hội Truyền thông số Việt Nam với mong muốn kết nối các lực lượng sản xuất số. Các nhà sáng tạo nội dung sẽ có diễn đàn để gặp gỡ, bàn bạc để đưa ra các kế hoạch phát triển, hướng tới chuyển đổi số thành công.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 956 giấy phép, giảm 11% so cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện có 72 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội (tăng 7% so với năm 2021), có xu hướng đọc tin tức và tương tác trên mạng xã hội phổ biến hơn là đọc trên các ứng dụng chuyên cung cấp tin tức.
Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và có xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các kênh truyền thông không chính thống. Đây là một thách thức không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn, xuyên biên giới như Facebook, Youtube, TikTok,… đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Năm 2020, Google thống kê Việt Nam đứng top 10 các nước có số lượng thông tin vi phạm chính sách bị yêu cầu xử lý./.