Các lễ hội đặc sắc của Việt Nam nổi tiếng nhất miền Bắc – Heritage Vietnam Airlines

Tạp chí Heritage tổng hợp

Mỗi lần xuân sang là thời điểm lễ hội truyền thống miền Bắc được tổ chức. Đây không chỉ là thời điểm người người nhà nhà đổ xô đi sắm đồ Tết, mà còn háo hức vì được tham gia và hòa mình chung với không khí lễ hội. Đây là các lễ hội đặc sắc của Việt Nam mang dấu ấn của từng vùng miền, thấm đậm bản sắc văn hóa và phong tục sinh hoạt của người dân sở tại. Dưới đây là top 7 lễ hội nổi tiếng tại miền Bắc đất Việt, được bảo tồn và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Xuân đến, Việt Nam lại tưng bừng những lễ hội truyền thống trứ danh
(Nguồn: Tuoi Tre News)

1. Lễ hội Bà Chúa Kho

Được tổ chức tại núi Kho thuộc thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, lễ hội thường diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Thực tế, trước và sau ngày hội chính, người dân đã nườm nượp kéo đến đền bái lễ.

Đây được coi là một trong những lễ hội Việt Nam lớn nhất tại miền Bắc, bởi đây không chỉ liên quan đến huyền tích xa xưa, mà còn gắn với tín ngưỡng của người dân Bắc Ninh. Điểm đặc biệt nhất của lễ hội là nghi lễ vay vốn Bà Chúa Kho.

Lễ hội Bà Chúa Kho ngập tràn trong biển người đến “xin vía”
(Nguồn: Focus Asia Travel)

Mỗi người dân đến dâng hương và ghi sớ để vay vốn, là những thỉnh cầu, nguyện vọng, mục đích trong một năm sắp tới và hứa hẹn ngày trả lễ. Người đã vay vốn thì phải giữ đúng lời hứa của mình và đến tạ lễ vào cuối năm, hoặc ngày hứa hẹn trong sớ để năm sau vẫn có thể được Bà phù hộ cho công việc làm ăn.

2. Lễ hội Đền Hùng

Một cái tên được gọi thông dụng hơn là “Giỗ Tổ Hùng Vương”, gắn liền với câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba. Đây là lễ hội Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lịch sử được khai sơn từ các vị vua Hùng, bắt đầu bằng nhà nước Văn Lang – cái nôi văn hóa của Việt Nam hiện tại.

Các hoạt động chính của lễ hội Đền Hùng bao gồm thi gói bánh chưng – bánh dày, rước bánh chưng – bánh dày, trình diễn văn nghệ dân gian như hát xoan, hành hương tưởng nhớ vua Hùng, rước kiệu và dâng hương vua Hùng. Đây đều là những hoạt động mang ý nghĩa tưởng niệm đến sự tích vua Lang Liêu và các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Hội rước tưởng nhớ người Vua Hùng
(Nguồn: Du lịch Today)

3. Lễ Hội Chợ Viềng

Điều đáng tiếc trong năm Tân Sửu 2021, vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khôn lường, lễ hội đã được UBND Nam Định dừng tổ chức. Thông thường hàng năm, Hội chợ Viềng tổ chức vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trong danh sách các lễ hội ở Việt Nam, đây không phải là lễ hội liên quan đến các tín ngưỡng tâm linh bái thần, mà là nơi trao đổi, buôn bán vật phẩm và giao lưu văn hóa cộng đồng. Các sản phẩm buôn bán có thể là cây cảnh, vật dụng phục vụ nhà nông hay các thực phẩm như thịt bê, thịt bò,… Hằng năm, không khí phiên chợ cực kỳ náo nhiệt khi có sự tham gia đông đảo của người dân các nơi đổ về tham gia.

Hội chợ Viềng Xuân tấp nập người tham gia
(Nguồn: Phủ dầy Nam Định)

4. Lễ hội chùa Hương

Cứ vào mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, khu thắng cảnh chùa Hương lại thu hút số lượng đông đảo các Phật tử trên cả nước.  Lễ hội chùa Hương hội tụ các hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của Việt Nam như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn trên suối Yến…

Bên cạnh đó, tham gia lễ hội, du khách không chỉ hướng đến các tín ngưỡng, cầu bình an mà còn được tận hưởng không khí trong lành và hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Khuôn viên chùa rộng lớn, bao phủ bởi các mảng xanh lớn, bao gồm các loại cây cổ thụ. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi đến đây, các du khách đều như hợp nhất với thiên nhiên, xua tan đi mọi mỏi mệt một năm gồng gánh.

Lễ hội chùa Hương đón du khách khắp nơi về
(Nguồn: Hà Nội TV)

5. Lễ Hội Đền Gióng

Vào năm 2010, UNESCO công nhận lễ hội tưởng nhớ người anh hùng đánh giặc Ân là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Địa điểm mở hội là nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, là chân núi Sóc Sơn ngày nay.

Vui nhất là thời gian chuẩn bị hội, đã nhộn nhịp và rục rịch từ 2-3 tuần trước ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch ở mỗi thôn. Mỗi thôn tham gia sẽ được phân công theo từng thứ tự rước của 3 ngày lễ hội, được in rõ trong mặt bia thứ 6 tại đền thờ Sóc Sơn, Hà Nội. Hội Gióng thể hiện tinh thần yêu nước to lớn và truyền đạt được ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và tự do của dân tộc.

Lễ hội tôn thờ một trong các “Tứ Bất Tử” ở Việt Nam
(Nguồn: Vietnam Discovery)

6. Lễ hội Cổ Loa

Đầu xuân, người dân Đông Anh, Hà Nội và các du khách khắp nơi đổ về để khai hội tại đền thờ An Dương Vương. Đây là một trong các lễ hội đặc sắc của Việt Nam tưởng nhớ đến vị vua sáng lập ra nhà nước Âu Lạc của dân tộc ta.

Thời gian bắt đầu diễn ra từ rất sớm, tờ mờ sáng, đền thờ đã được bao phủ bởi dòng người đón chờ lễ hội. Ai nấy đa phần đều mặc áo dài, áo the với ba màu sắc đặc trưng như đỏ (dành cho các cụ trên 80 tuổi), xanh (dành cho người từ 70 xuân xanh) và vàng (người ít tuổi hơn).

Người tham gia sẽ được tham gia nhiều nghi thức truyền thống như: Lễ khai quang, lễ rước dâng hương, rước khám đường, rước năm khuôn bỏng Chủ, lễ rước của Bát xá,… Để hoàn thành mùa lễ hội long trọng, lãng xã cần phải chuẩn bị 120 nam thanh niên lực lưỡng và chuẩn bị trong vòng một tháng trước đó.

Lễ hội Cổ Loa diễn ra trình tự và nghiêm trang
(Nguồn: Hà Nội Times)

7. Hội Lim

Thuộc các lễ hội đặc sắc của Việt Nam, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nghệ thuật truyền thống miền Bắc, đây thực chất là hội chùa Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Cứ vào ngày 12-14 tháng Giêng hàng năm, tại Bắc Ninh, chúng ta sẽ được nghe những câu ca dao, tiếng hát quan họ như rót mật vào tai. Mở đầu bằng một lễ rước hoành tráng.

Bên cạnh đó, hội Lim còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đấu võ, đấu cờ, thi dệt cửi, đu tiên, nấu cơm,… cùng nhiều nghi lễ để du khách nơi xa và các làng quan họ có thể nhập cuộc và thi đua với nhau. Những cử chỉ tinh tế của người dân Kinh Bắc cùng những chiếc áo, khăn đóng, áo mớ ba, mớ bảy khiến du khách thương nhớ không nguôi, đến cả khi ra về.

Các nghệ sĩ hát Quan họ đang trình diễn tài năng
(Nguồn: VN Economy)

Chẳng phải tự nhiên Việt Nam là một đất nước giàu văn hóa. Đó là nhờ vào các lễ hội đặc sắc của Việt Nam được cha ông ta kiến thiết và các thế hệ đời sau bảo tồn, lưu truyền. Mỗi lễ hội tại miền Bắc đều mang đậm dấu ấn lịch sử hay thể hiện một loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc khó phai mờ tại Việt Nam. Cứ khi xuân sang, ta lại được chứng kiến một mùa lễ hội giàu văn hóa đến vậy. Hãy lên kế hoạch du xuân và tìm hiểu những lễ hội ở các tỉnh miền Bắc từ hôm nay!

Bài viết liên quan: