Các khoản trích theo lương là gì? Quy định thế nào?
Các khoản trích theo lương là gì? Quy định thế nào?
Tiền lương không còn là khái niệm xa lạ đặc biệt là trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Khi tham gia quan hệ lao động ngoài việc nhận – trả lương người lao động và người sử dụng lao động còn phải trích một phần tiền từ lương của mình để phục vụ cho các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Vậy các khoản trích đó là gì? Quý khách có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây:
1. Lương là gì?
Theo quy định tại Bộ luật lao động thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Từ khái niệm nêu trên có thể thấy tiền lương về bản chất chính là giá cả của sức lao động mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Tiền lương hiện nay bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp, khoản bổ sung khác theo lương tương ứng với từng loại công việc.
Theo quy định của pháp luật, tiền lương được chi trả trong các quan hệ lao động được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật. Mức lương tối thiểu vùng được xác định tùy từng thời kỳ khác nhau, là căn cứ để người sử dụng lao động và người lao động xác định mức lương thấp nhất được chi trả cho công việc nhất định.
Như vậy, có thể thấy tiền lương có vai trò quan trọng giúp duy trì mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tiền lương làm thỏa mãn nhu cầu của người lao động bởi mục đích chính của người lao động là đi làm kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Đối với doanh nghiệp tiền lương là chi phí mà doanh nghiệp chi trả cho những đóng góp của người lao động đối với sự phát triển của doanh nghiệp mình. Từ đó có thể hiểu tiền lương chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
2. Các khoản trích theo lương là gì?
Hiện nay không có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về khái niệm các khoản trích theo lương là gì, tuy nhiên có thể hiểu các khoản trích theo lương là các khoản được trích từ lương của người lao động và từ quỹ tiền lương của người sử dụng lao động để tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho người lao động trong quá trình thực hiện công việc của người lao động theo hợp đồng lao động.
Các khoản trích theo lương hiện nay bao gồm các khoản sau:
– Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Khi tham gia quan hệ lao động, việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động là bắt buộc đối với cả người lao động và người sử dụng lao động.
– Bảo hiểm thất nghiệp: Bảo hiểm thất nghiệp là khoản tiền mà người lao động và người sử dụng lao động cùng tham gia nhằm đảm bảo người lao động có thu nhập trong thời gian người lao động không có việc làm.
– Bảo hiểm y tế: Là khoản tiền mà người lao động và người sử dụng lao động cùng tham gia nhằm đảm bảo người lao động được hỗ trợ chi trả các chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, bệnh tật và tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có thẩm quyền.
– Kinh phí công đoàn: là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trích đóng cho công đoàn cấp trên trực tiếp và người lao động.
Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế với các mức như sau:
+ Mức đóng bảo hiểm xã hội với người lao động: quỹ hưu trí, tử tuất 8%; quỹ bảo hiểm thất nghiệp 1%, quỹ bảo hiểm y tế 1,5%, tổng mức đóng bảo hiểm của người lao động là 10,5%, được trích từ tiền lương phải tham gia bảo hiểm của người lao động.
+ Mức đóng của người sử dụng lao động: quỹ hưu trí, tử tuất 14%; quỹ ốm đau, thai sản 3%; quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp 0,5%; quỹ bảo hiểm thất nghiệp 1%; quỹ bảo hiểm y tế 3%, tổng mức tham gia bảo hiểm của người sử dụng lao động là 21,5% được trích từ quỹ lương của người sử dụng lao động.
Lưu ý: Mức đóng trên là mức đóng được áp dụng từ 01/10/2022 trở đi.
Như vậy, có thể thấy khi tham gia quan hệ lao động ngoài việc hưởng lương người lao động có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… và chi phí tham gia của người lao động được trích từ chính tiền lương của người lao động và nguồn lương của người sử dụng lao động.