Các khái niệm về giá trị – Phần I
I/ Khái niệm giá trị
1/ Các quan niệm về giá trị
Quan niệm về giá trị là quan niệm đã có từ lâu. Theo F. Engels khi giới thiệu tập III bộ Tư bản của K. Marx năm 1894, loài người đã có uqan niệm về giá trị từ 5000 – 7000 năm trước, từ khi có trao đổi thực phẩm, hàng mỹ nghệ thủ công, khoáng sản… Như vậy là sau hơn 4 triệu năm tồn tại và phát triển, loài người đã nhận ra các vật dụng hàng ngày (đáp ứng nhu cầu sống của con người) chứa đựng những thứ có ích cho con người, là thứ con người mong muốn có, có ý nghĩa với cuộc sống của người và sự tồn tại của cộng đồng, xã hội – cái đó là giá trị (chú ý về nội hàm của thuật ngữ “giá trị”: ngày nay tương ứng với thuật ngữ “giá trị sử dụng”, còn gọi là “giá trị tự nhiên” vốn có trong vật thể, cũng còn gọi là “giá trị nội tại” của vật thể).
Đến thời kỳ Hy Lạp cổ đại (văn minh cổ đại nói chung thường tính từ thế kỷ thứ VII – VI trước Công nguyên đến thế kỷ thứ V sau Công nguyên), Protagoras đưa ra mệnh đề: Con người là giá trị cao quý nhất – viên gạch đầu tiên của khoa học về giá trị. Platon, Aristote đã nói tới giá trị – phẩm chất của thành viên chế độ cộng hòa, của các kỹ năng lao động, sức tiêu hao lao động, và tính tiện ích của hàng hóa đối với con người, quy định giá trị của hàng hóa, mở đầu cho lý thuyết lao động về giá trị.
Trong thời kỳ trung cổ (từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên đến thế kỷ XIV – XV sau Công nguyên) ít nói tới quan niệm về giá trị.
Đến thời kỳ phục hưng (thế kỷ XIV – XVI) và thời hiện đại (thường tính từ thế kỷ XVII), nhất là từ khi kinh tế thị trường phát triển, vấn đề ngày càng trở nên phong phú: mọi thứ đều được xét theo giá trị quan, ít nhất dưới bốn góc độ: 1) Lượng lao động tiêu hao để làm ra sản phẩm – giá trị của bản thân lao động; 2) Tính tiện ích của sản vật (hàng hóa) đối với con người và cộng đồng; 3) Giá trị gắn với khả năng trao đổi: giá trị là sức mạnh trao đổi giữa hàng hóa này với hàng hóa khác, tạo ra thị trường (mua – bán), kích thích sản xuất, tác động tới quản trị, thậm chí tới cả nhà nước; 4) Ngoài ra, “giá trị” trong giá trị học nói lên nghĩa và ý của khách thể với chủ thể, sự thích thú, mong ước, muốn có, đánh giá hơn – kém, thước đo chuẩn mực, cho và nhận, nhận và cho, lựa chọn giá trị, sắp xếp ưu tiên theo hoàn cảnh và thời điểm, suy nghĩ, hành động, cảm xúc theo thang giá trị, thước đo giá trị, định hướng giá trị, khi đó chủ thể xác định mức độ quan trọng của giá trị này hay giá trị kia, có khi quan trọng đến mức không thể thiếu được gọi là giá trị thiết yếu – cái đó vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan. Vấn đề chủ quan và khách quan trong giá trị học cũng như trong xã hội và đời sống của từng người là vấn đề hết sức phức tạp. Giải thích lý luận cũng như vận dụng vào thực tiễn thường tương đối (relativism), tránh tuyệt đối hóa (absolutism). Trước hết, phải thừa nhận cái tạo ra giá trị tồn tại trong thế giới khách quan (tự nhiên và xã hội, cả tư duy con người), nhưng để trở thành giá trị đối với con người, cộng đồng và con người, cộng đồng có thái độ giá trị thì cần có sự trải nghiệm, có thể bằng con đường duy lý hay trực giác, có khi từ đời sống bản năng rồi qua ý thức, có khi ngược lại, qua các lứa tuổi. Giá trị học quan tâm cả các góc độ này, ở đây rõ ràng mang tính chất chủ quan của con người, còn đối với cộng đồng, xã hội ta gọi là ý thức cộng đồng, xã hội.
2/ Các thuật ngữ, khái niệm chỉ “giá trị”
Trong tác phẩm vĩ đại Tư bản (năm 1867), K. Marx dùng hai từ tiếng Đức chỉ “giá trị”, dịch sang tiếng Anh là “worth” và “value”; trong đó, chữ “worth” được dùng từ trước thế kỷ XIX, chỉ tiền tài, phúc lợi; còn chữ “value” nghĩa là “giá trị” (như “giá trị một áng văn chương), và cũng có nghĩa chỉ phẩm giá con người. Cũng có khi “worth” đồng nghĩa với “value”. Ngày nay, phần lớn chỉ dùng một chữ “value” dịch sang tiếng Việt là “giá trị”, như chúng ta thấy ở một số từ điển. Ví dụ, Nguyễn Lân định nghĩa thuật ngữ giá trị là: 1) Phạm trù kinh tế, biểu hiện số lao động trừu tượng của xã hội hao phí vào việc sản xuất ra hàng hóa; 2) Phẩm chất tốt hay xấu, tác dụng lớn hay nhỏ của sự vật hay con người; 3) Tính chất quy ra thành tiền trong quan hệ trao đổi; 4) Hiệu lực của một văn bản; 5) Độ lớn của một đại lượng. Nhận thấy có rất nhiều cách quan niệm khác nhau về giá trị cũng như khái niệm giá trị có nội hàm rất rộng; vì vậy, chúng tôi có tập trung vào một số tri thức có liên quan tới khái niệm “giá trị” với tư cách là đối tượng của giá trị học.
Có thể liệt kê các loại giá trị – các thuật ngữ về giá trị như sau:
+ Giá trị chung nhất: giá trị vật chất, giá trị tinh thần; ở con người còn có giá trị sinh thể (cơ thể). Giá trị vật chất; giá trị vật hể; giá trị tự nhiên (trong thế giới tự nhiên); giá trị tinh thần; giá trị phi vật thể; hai loại giá trị này gắn bó với nhau.
+ Giá trị cụ thể: giá trị kinh tế (giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, giá trị thặng dư) và giá trị tâm lý (giá trị tinh thần: văn hóa, lịch sử).
Giá trị học nghiên cứu các giá trị tinh thần, tâm lý, tất nhiên, trong mối quan hệ với các giá trị kinh tế. Ở đây, chúng tôi trình bày theo một cách phân loại khác, quan tâm đến các giá trị sau:
+ Giá trị loài người (và thế giới) và giá trị cá thể;
+ Giá trị dân tộc và giá trị cá nhân;
+ Giá trị bản thân – giá trị nhân cách.
Trong khoa học về giá trị nói chung thường nói tới 13 loại giá trị: giá trị thẩm mỹ, giá trị môi trường, giá trị cá thể, giá trị sức khỏe, giá trị chính trị, giá trị tôn giáo, giá trị xã hội, giá trị văn hóa, giá trị giáo dục, giá trị đạo đức – luân lý, giá trị luật lệ, giá trị giải trí, giá trị khoa học.
Ở đây chúng ta sẽ bàn luận về một số nét lớn các nội hàm của các thuật ngữ – khái niệm này, tập trung vào cách phân loại ra hai nhóm lớn: 1 – Giá trị vật chất, trong đó có khái niệm giá trị trong kinh tế học; 2 – Giá trị tinh thần trong khoa học về giá trị (giá trị học). Nhưng với cả hai nh1om có cùng một xuất phát là ý nghĩa, tính ích lợi của vật thể hay khách thể nào đó nói chung đối với sự tồn tại và phát triển (đáp ứng nhu cầu) của con người, nhóm người hay cộng đồng xã hội, suy rộng ra là toàn thể loài người. Nói cách khác, khởi nguồn thuật ngữ “giá trị” chỉ những thứ có thể đáp ứng nhu cầu, lợi ích của con người hay cộng đồng, xã hội – ta gọi là “giá trị tự nhiên”, giá trị vốn nằm trong sự vật hay khách thể nào đấy. Đặc điểm này quy định tính khách quan của các giá trị. Việc nhận ra ý nghĩa của vật thể đối với cá nhân hay cộng đồng, trong đó có việc nhận ra giá trị của giá trị, quy định tính chủ quan của giá trị, dần dần hình thành nên giá trị tinh thần. Hai nhóm giá trị có quan hệ gắn bó với nhau. Vấn đề “giá trị” của con người bình thường khởi nguồn gắn với việc mưu sinh, và với dân tộc gắn với sự tồn vong, phồn thịnh của cộng đồng dân tộc. Từ đây mới nảy sinh ra sự thích thú, nhận ra ý nghĩa của bản thân hay cộng đồng… Đặc điểm này quy định tính chủ quan của giá trị hay hệ giá trị. Nhu cầu, lợi ích mà tâm lý học chỉ ra là cốt lõi của động cơ, mục đích của hành động, hành vi (nói tổng quát là của từng hoạt động cụ thể cũng như của hoạt động nói chung của một đoạn đường đời của con người hay cả cuộc đời con người). Xem xét các giá trị nói chung cần bắt đầu từ giá trị vật chất, trong đó có giá trị kinh tế.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Phạm Minh Hạc – Tìm hiểu các giá trị dân tộc Việt Nam với tâm lý học và giáo dục học – NXB CTQG 2015.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…