Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện pháp luật; Nhà nước ta còn quan tâm tới hoạt động tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật. Nghiên cứu các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính có ý nghĩa quan trọng. Vậy, có các hình thức thực hiện pháp luật hành chính nào?
Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.
Mục Lục
Thực hiện pháp luật là gì?
Từ điển Luật học năm 2006 của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cũng xác định: Thực hiện pháp luật là “hành vi của chủ thể (hành động hoặc không hành động); được tiến hành phù hợp với quy định, yêu cầu của pháp luật; tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật quy định”.
Có thể nói, thực hiện pháp luật là cách thức làm cho các quy định của pháp luật trở thành hiện thực; bằng hoạt động cụ thể với bốn cách thức là: tuân thủ pháp luật (đối với quy phạm cấm); thi hành pháp luật (đối với quy phạm bắt buộc); sử dụng pháp luật (đối với quy phạm quy định quyền, tự do pháp lý); áp dụng pháp luật (đối với chủ thể có thẩm quyền).
Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính
Sử dụng QPPLHC là gì?
Sử dụng pháp luật nói chung là “khả năng của các chủ thể pháp luật có thể sử dụng, khai thác; hay không sử dụng, khai thác, hưởng quyền mà pháp luật đã dành cho mình”. Sử dụng QPPLHC là một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi được pháp luật hành chính cho phép.
Đây là hình thức chủ thể pháp luật thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật hành chính. Nhà nước tạo khả năng cho chủ thể pháp luật hành chính có thể được hưởng những quyền nào đó; và họ đã căn cứ vào mong muốn, điều kiện của mình để thực hiện các quyền này.
Bản chất
Các chủ thể lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép. Đó có thể là “hành vi hành động” hoặc “hành vi không hành động” tùy quy định pháp luật cho phép. Các chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép tùy theo ý chí của mình; phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng chủ thể chứ không bị ép buộc phải thực hiện.
Ví dụ: QPPLHC trong khiếu nại, tố cáo quy định: Mọi người có quyền khiếu nại; tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi công dân thực hiện quyền này, tức là đang sử dụng pháp luật nói chung và sử dụng QPPLHC nói riêng.
Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính
Tuân thủ QPPLHC là gì?
Tuân thủ pháp luật là “hình thức thực hiện pháp luật một cách thụ động, thể hiện ở sự kiềm chế của chủ thể không vi phạm các quy định cấm đoán của pháp luật”. Tuân thủ QPPLHC là một hình thức thực hiện pháp luật; trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính ngăn cấm. Sự kiềm chế của các chủ thể pháp luật hành chính được hiểu là khi pháp luật quy định cấm làm một điều gì đó thì họ không tiến hành hoạt động này; mặc dù họ có cơ hội để thực hiện hành vi vị cấm.
Bản chất
Về chủ thể: mọi chủ thể. Các chủ thể tuân thủ QPPLHC tham gia vào quản lý hành chính nhà nước với tư cách là đối tượng quản lý; nhằm mục đích trước hết và chủ yếu bảo vệ lợi ích của nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Về bản chất: Thực hiện pháp luật có tính chất thụ động và thể hiện dưới dạng “hành vi không hành động”. Mọi chủ thể đều bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật hành chính mà không có sự lựa chọn.
Ví dụ: Hành vi “Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga; hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường” là hành vi bị pháp luật cấm. Việc cá nhân kiềm chế không thực hiện hành vi này được coi là tuân thủ pháp luật. Cá nhân nếu vi phạm có thể bị xử phạt VPHC theo điều 7 nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thi hành quy phạm pháp luật hành chính
Thi hành QPPLHC là gì?
Thi hành pháp luật là: “hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động. Chủ thể pháp luật phải thực hiện một thao tác nhất định mới có thể thực hiện pháp luật được”. Thi hành QPPLHC là việc các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng những hành vi theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam hiện hành. Nói cách khác, chấp hành QPPLHC là một hình thức thực hiện pháp luật; trong đó các cơ quan tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính đòi hỏi họ phải thực hiện.
Chủ thể pháp luật hành chính phải tiến hành các hoạt động bắt buộc làm khi họ ở trong điều kiện mà pháp luật quy định phải làm những việc mà nhà nước yêu cầu; họ không thể viện lý do để từ chối. Sự đòi hỏi của nhà nước đối với các chủ thể là phải tích cực tiến hành những hành động.
Bản chất
Các chủ thể chủ động, tích cực thực hiện pháp luật dưới hình thức “hành vi hành động”. Mọi chủ thể đều bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật mà không có sự lựa chọn.
Ví dụ: Luật giao thông đường bộ quy định cá nhân khi điều khiển phương tiện giao thông chuyển hướng phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Nếu cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt theo điểm c khoản 3 điều 5 nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Áp dụng QPPPLHC là gì?
Áp dụng pháp luật là “hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên các quy định của pháp luật để giải quyết, xử lý những vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của mình; không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định”. Áp dụng QPPHC là một hình thức thực hiện pháp luật; trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình QLHCNN.
Yêu cầu áp dụng QPPLHC
- Một là, áp dụng QPPLHC Việt Nam phải đúng mục đích và nội dung. Mục đích của QPPLHC là ý nghĩa xã hội của việc áp dụng QPPL; còn nội dung là yêu cầu về tính pháp lý khi áp dụng QPPLHC.
- Hai là, áp dụng QPPLHC phải được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Ba là, áp dụng QPPLHC phải được thực hiện đúng thủ tục do pháp luật quy định.
- Bốn là, phải được thực hiện trong thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định.
- Năm là, kết quả hoạt động áp dụng QPPLHC phải được trả lời, công khai, chính thức bằng văn bản; (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Quy định này buộc các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thông báo tới người khiếu nại về việc thụ lý hay không thụ lý đơn khiếu nại bằng văn bản.
Ví dụ: Trong đợt dịch Covid 19 năm 2021, riêng ngày 3-5 (tính đến 15h), lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã xử lý 22 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt 44 triệu đồng[1]. Việc lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi không đeo khẩu trang là hoạt động áp dụng pháp luật hành chính.
Đặc trưng
Hoạt động áp dụng pháp luật hành chính được biểu hiện rõ nét nhất thông qua hoạt động xử phạt vi phạm hành chính. Đây là hoạt động được áp dụng khi tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính. Khi tiến hành xử phạt, chủ thể có thẩm quyền phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đúng nguyên tắc; thủ tục và thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong thực tiễn có hoạt động này; không ít trường hợp chủ thể có thẩm quyền vi phạm các yêu cầu của hoạt động xử phạt; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hoặc vi phạm về nội dung, thủ tục xử phạt; tính khả thi của các quyết định xử phạt không cao.
Liên hệ luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính”. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Quy phạm pháp luật hành chính là gì?
Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật; được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước theo mệnh lệnh – đơn phương.
Quản lý hành chính nhà nước là gì?
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động hành chính của cơ quan thực thi quyền lực nhà nước; (quyền hành pháp) để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội theo quy định của pháp luật; đó là Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp.
Áp dụng pháp luật là gì?
Áp dụng pháp luật là loạt động thực hiện pháp luật mang tính tổ chức quyền lực nhà nước; được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà chức trách hoặc tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền; nhằm cá biệt hoá quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể, đối với cá nhân, tổ chức cụ thể
5/5 – (2 bình chọn)