Các hình thức đầu theo Luật Đầu tư năm 2020 – Nghiên cứu, trao đổi – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Hiện nay, nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư đối với các cá nhân, tổ chức người Việt Nam cũng như nước ngoài dưới những hình thức đầu tư đa dạng.

Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Hiện nay, nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư đối với các cá nhân, tổ chức người Việt Nam cũng như nước ngoài dưới những hình thức đầu tư đa dạng. Vậy pháp luật đầu tư năm 2020 quy định có những hình thức đầu tư nào nó có gì khác so với Luật Đầu tư năm 2014. Để làm rõ hơn vấn đề này, trong bài viết này, tác giả sẽ đi phân tích làm rõ với quý bạn đọc những hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

1. Khái niệm về đầu tư

Đầu tư được định nghĩa là những hoạt động sử dụng vốn, sử dụng các nguồn lực nhằm mang đến hiệu quả kinh tế cũng như giá trị sử dụng tốt hơn trong tương lai so với nguồn lực đang sử dụng. Theo khoản 8 điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”. thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. Hiểu theo nghĩa rộng, đầu tư là việc sử dụng các nguồn lực tài chính, vật chất, lao động, trí tuệ, nhân công trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội… để đạt được mục đích kinh tế xã hội và lợi nhuận trong tương lai. Hoạt động đầu tư có thể mang tính chất thương mại hoặc phi thương mại. Đầu tư thường được mọi người ví như một canh bạc may rủi bằng cách nhà đầu tư bỏ ra một số tiền và thu lại một số tiền lớn hơn gấp nhiều lần hoặc sẽ mất số vốn bỏ ra đầu tư. Đây là nhận định sai lầm không đúng với bản chất thực của đầu tư. Đầu tư không phải là đánh bạc, nếu như một canh bạc chủ yếu dựa vào may rủi còn đầu tư thì không. Để tiến hành đầu tư, nhà đầu tư bao giờ cũng nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về lĩnh vực mà mình đầu tư cũng như cân bằng tính toán về tiềm lực kinh tế cũng mình. Không chỉ vậy, họ còn phải tính toán rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc đầu tư. Một trong các yếu tố quan trong tác động đến đầu tư đó là các chính sách pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên hiện nay các chính sách pháp luật về đầu tư của nước ta ngày càng hoàn thiện và minh bạch và có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư. Do vậy, đầu từ không phải mang yếu tố may rủi như canh bạc. Đầu tư cần rất nhiều thời gian, một nhà đầu tư sẽ không ném tiền vào sự may rủi, họ bỏ rất nhiều thời gian, công sức để đánh giá một dự án là mang lại lợi ích kinh tế cũng như đo lường rủi ro của dự án. Việc này đòi hỏi cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, tất nhiên không phải dự án đầu tư nào cũng thành công, nhưng những việc này chắc chắn là rất cần thiết, không phải vô nghĩa. Dưới góc độ pháp lí, đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn, tài sản theo các hình thức và cách thức do pháp luật quy định để thực hiện hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế, xã hội khác.

2. Các hình thức đầu tư

Hiện nay, hình thức đầu tư đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư rất da dạng. Nếu như Luật Đầu tư năm 2014 chỉ giới hạn bởi 04 hình thức đầu tư thì đến Luật đầu tư số 61/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2020 đã có sự điều chỉnh so với Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, trong đó có quy định về hình thức đầu tư, cụ thể như sau: Khác với Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 dành hẳn Điều 21 liệt kê các hình thức đầu tư, bao gồm các hình thức như sau:

“Điều 21. Hình thức đầu tư

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

3. Thực hiện dự án đầu tư.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”.

2.1. Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế:

Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế được quy định tại điều 22 Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:

“1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:

a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Theo quy định trên thì nhà đầu tư được thực hiện hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thủ tục để thành lập tổ chức kinh tế theo pháp luật hiện hành. Trong đó, nhà đầu tư trong nước đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư 2020, bao gồm: 

–  Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

–  Hình thức đầu tư;

–  Phạm vi hoạt động đầu tư;

– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
– Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Như vậy, Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung thêm trường hợp ngoại lệ không cần phải có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là: trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Luật Đầu tư năm 2020 cũng bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây được xem là sự ghi nhận cụ thể của luật đầu tư khi nhà nước ta ngày càng quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ ngày càng đa dạng và tập trung hơn, cả về mục tiêu, cách thức triển khai lẫn quy mô hỗ trợ.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp được quy định tại điều 24 Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:

“1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

2. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;

c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển”.

Luật đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau:

– Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài;

– Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;

– Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Ngoài ra quy định về các trường hợp Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế cũng có sự thay đổi so với luật cũ. Nếu như trường hợp tại khoản 2 điều 26 Luật đầu tư năm 2014 quy định “Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế” thì nay tại điều 26 Luật đầu tư năm 2020 quy định như sau “Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế”. Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã điều chỉnh tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào việc nắm giữ vốn điều lệ từ 51% trở lên thành việc nắm giữ vốn điều lệ trên 50% trở lên để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (Điểm b Khoản 2 Điều 26). Luật mới cũng bổ sung thêm trường hợp “Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”. Như vậy, Luật đầu tư mới đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

Tóm lại, các chủ thể thực hiện việc đầu tư có thể thực hiện hình thức góp vốn vào công ty, tổ chức kinh tế hay là có thể mua lại phần vốn góp mà tổ chức kinh tế bán ra, tùy theo nhu cầu cũng như là tổ chức kinh tế huy động thời điểm đó. Chủ thể đầu tư nước ngoài thực hiện hình thức góp vốn vào các tổ chức kinh tế bằng việc mua lại cổ phần phát hành lần đầu hoặc là  phát hành thêm cổ phần đã có của công ty cổ phần bán ra. Ngoài ra, họ cũng có thể lựa chọn hình thức đầu tư như là góp vốn vào công ty hợp danh hay là công ty trách nhiệm hữu hạn tùy theo mực đích và nhu cầu của chủ thể đầu tư hay cũng có thể thực hiện góp vốn vào tổ chức kinh tế khác mà chủ thể mong muốn đầu tư thấy phù hợp. Đầu tư theo hình thức mua cổ phần hay phần vốn góp của tổ chức kinh tế sẽ được thực hiện theo những hình thức sau mua lại cổ phần của cổ đông trong công ty cổ phân hoặc cổ phần từ công ty cổ phần hoặc là mua lại phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữ hạn, thành viên góp vốn thuộc công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn hay là phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác. Chủ thể đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện thủ tục theo điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cụ thể như sau:

1. Trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

2. Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);

b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

c) Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;

d) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 Nghị định này).

3. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều 26 của Luật Đầu tư, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 65 của Nghị định này và thông báo cho nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

4. Trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 của Nghị định này;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 65 của Nghị định này và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

5. Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là thành viên, cổ đông của tổ chức kinh tế được xác lập khi hoàn tất thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông”.

2.3. Thực hiện dự án đầu tư.

Hình thức đầu tư bằng việc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại điều 23 Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:

“1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều “.

Như vậy, các quy định về đầu tư theo hình thức thực hiện dự án đầu tư hầu như giữ nguyên, kế thừa lại quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 chỉ khác về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như Luật Đầu tư năm 2014 quy định tỉ lệ năm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài là từ 51% thì đến Luật Đầu tư năm 2020 quy định tỉ lệ đó là trên 50% là tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước. Điều này để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020

2.4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Hình thức đầu tư bằng việc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại điều 27 Luật Đầu tư năm 2020 cụ thể như sau:

“1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận”.

Từ quy định trên có thế thấy rằng, hợp đồng BCC là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư 2020.

Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Nội dung của hợp đồng BBC được quy định cụ thể tại điều 28 Luật Đầu tư năm 2020. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật. Trong hợp đồng BCC, các nhà đầu tư thường thỏa thuận những nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án

– Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh

– Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

– Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

– Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Như vậy, quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC theo Luật Đầu tư năm 2020 về cơ bản giữ nguyên quy định tại Luật đầu tư 2014: Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.

2.5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Nếu như Luật Đầu tư năm 2014 quy định cụ thể về bốn hình thức đầu tư như trước đây thì đến Luật đầu tư năm 2020 dự liệu thêm “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, các quy định pháp luật đưa ra cũng không còn mang tính rập khuôn, bó hẹp nữa mà luôn là quy định mở cho thấy chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng cởi mở chào đón các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới xuất hiện trong tương lai. Nhìn chung quy định đầu tư của Việt Nam rất thông thoáng, nhiều ưu đãi và ngày càng hoàn thiện là cơ hội tốt cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam .

Đầu tư kinh doanh là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Khi thực hiện hoạt động đầu tư, nhà đầu tư được quyền tự do lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của mình. Việc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện hoạt động dự án đầu tư hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, việc nắm rõ các quy định của pháp luật về đặc điểm và điều kiện của từng hình thức đầu tư trước khi tiến hành hoạt động đầu tư  là rất cần thiết./.

Dương Thắm