Các hành tinh của Mặt Trời

Các hành tinh của Mặt Trời

Một cách tương đối dễ hiểu, hành tinh (planet) là các thiên thể dưới cấp sao, có khối lượng nhiều lần nhỏ hơn các sao. Khối lượng của chúng không đủ để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân giúp chúng phát sáng được như các ngôi sao nên hành tinh là các thiên thể tối. Đa số chúng chuyển động quanh một sao hoặc một hệ sao (gọi là sao mẹ, hay sao chủ của hành tinh), tuy nhiên cũng có một số hành tinh trôi tự do trong không gian liên sao. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

Hành tinh là gì?

Trong thiên văn học hiện đại, hành tinh trước hết là một thiên thể có quỹ đạo quanh một ngôi sao hoặc tàn dư của sao. Tuy nhiên, bản thân trong Hệ Mặt Trời, đã có rất nhiều thiên thể có quỹ đạo như vậy. Do đó, để trở thành một hành tinh của Hệ Mặt Trời, các thiên thể này cần thỏa mãn các điều kiện theo quy ước của Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU), được công bố tháng 8 năm 2006.

Các điều kiện này bao gồm:

1. Có quỹ đạo chuyển động quanh sao mẹ là Mặt Trời.
2. Có khối lượng đủ để lực hấp dẫn lớn hơn độ rắn của vật chất và tạo nên trạng thái cân bằng thuỷ tĩnh (thiên thể có dạng gần cầu).
3. Chiếm ưu thế tuyệt đối về hấp dẫn trong khu vực quỹ đạo của nó (các vật thể khác cùng quỹ đạo đều có khối lượng rất không đáng kể, trừ các vệ tinh của chính nó).

Theo qui ước trên, Hệ Mặt Trời của chúng ta có 8 hành tinh tính từ trong (gần Mặt Trời nhất) ra gồm: Sao Thuỷ (Mercury), Sao Kim (Venus), Trái Đất (Earth), Sao Hoả (Mars), Sao Mộc (Jupiter), Sao Thổ (Saturn), Sao Thiên Vương (Uranus) và Sao Hải Vương (Neptune).

Trước đây chúng ta còn biết đến một hành tinh nữa là Pluto (khi đó trong tiếng Việt gọi là Sao Diêm Vương). Tuy nhiên đến tháng 8 năm 2006, thiên thể này đã được xét lại và đã bị loại ra khỏi danh sách các hành tinh của Hệ Mặt Trời bởi qui ước như trên. Nó được đưa vào một nhóm thiên thể mới gọi là các “hành tinh lùn” (dwarf planet). Đến  nay nhóm này gồm có 5 thành viên là Pluto, Ceres – thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh, Eris, Haumea và Makemake. Đây là các thiên thể được coi là trung gian giữa hành tinh và tiểu hành tinh. Ngoài ra còn có một số ứng viên hành tinh lùn mà trong tương lai có thể sẽ được bổ sung vào nhóm hành tinh lùn.

Đọc bài : Tại sao Pluto không còn là hành tinh?

Năm 2016, các nhà thiên văn học đã xác nhận được trên lý thuyết sự tồn tại của hành tinh thứ chín trong Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên cho tới nay hành tinh này chưa được xác định qua quan sát trực tiếp, do đó bài viết này không đề cập tới.

Tám hành tinh trong hệ Mặt Trời được chia làm 2 nhóm:

– Các hành tinh nhóm trong gồm Sao Thuỷ, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hoả
– Các hành tinh nhóm ngoài gồm Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương

Các hành tinh nhóm trong có khối lượng và kích thước khá nhỏ so với các hành tinh nhóm ngoài. Bôn shanhf tinh nhóm trong đều là hành tinh đá có bề mặt rắn, còn bốn hành tinh nhóm ngoài là các hành tinh khí khổng lồ (riêng Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương còn được gọi là hành tinh băng khổng lồ – một phân nhánh riêng của hành tinh khí khổng lồ).

Dưới đây là một vài thông số cơ bản về các hành tinh trong Hệ Mặt Trời

(Độc giả có thể kết hợp tham khảo thông số và xem thêm trong clip về từng hành tinh được đặt ngay phía dưới)

 

Sao Thuỷ – Mercury

Hành tinh này được đặt tên theo thần Mercurius – vị thần truyền tin có thể bay nhanh như gió tới khắp mọi nơi trong thần thoại La Mã (tương ứng với Hermes trong thần thoại Hy Lạp). Quả đúng như vậy, Sao Thuỷ là hành tinh gần Mặt Trời nhất và có chu kì quỹ đạo nhỏ nhất trong số các hành tinh. Khi quan sát từ Trái Đất, chúng ta thấy nó rất nhanh chóng trở lại vị trí tương ứng cũ so với Mặt Trời. Trong văn hóa phương Đông, hành tinh này được đặt tên theo hành Thủy trong ngũ hành.

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 0,39 AU (57,9 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 87,96 ngày (ngày Trái Đất)
– Chu kì tự quay : 58,7 ngày
– Khối lượng : 3,3 x 10­23 kg
– Đường kính: 4.878km
– Nhiệt độ bề mặt: đêm khoảng 100K còn ngày là khoảng 700K (độ C = K – 273)
– Số vệ tinh: không

 

Sao Kim – Venus

Mỗi năm sẽ có vài tháng bạn thấy Sao Mai mọc lên buổi sớm ở chân trời Đông và vài tháng khác lại thấy Sao Hôm lúc Mặt rời lặn ở chân trời Tây. Chúng rất đẹp và rất sáng, cả hai, thật ra đều là một hành tinh duy nhất – Sao Kim. Nó là thiên thể sáng nhất bầu trời đêm của chúng ta (không tính Mặt Trăng), vẻ đẹp của nó làm người thời xưa đặt tên nó là Venus – nữ thần tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại La Mã (tương ứng với Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp). Ở phương Đông, nó được gọi tên theo hành Kim trong ngũ hành do màu trắng/vàng sáng của nó.

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 0,723 AU (108,2 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 224,68 ngày
– Chu kì tự quay: 243 ngày
– Khối lượng : 4,87×1024 kg
– Đường kính: 12.104 km
– Nhiệt độ bề mặt: 726K
– Số vệ tinh: không

 

Trái Đất – Earth

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 1 AU (149,6 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 365,26 ngày
– Chu kì tự quay: 24 giờ (thực tế Trái Đất quay một vòng 360 độ chỉ mất 23 giờ 56 phút 4 giây)
– Khối lượng : 5,98×1024 kg
– Đường kính: 12.756km
– Nhiệt độ bề mặt: 260 – 310K
– Số vệ tinh: 1 – Mặt Trăng

Các thông tin khác, đọc bài: Trái Đất – hành tinh của chúng ta

 

Sao Hoả – Mars

Hành tinh có màu đỏ như lửa, trong khi người phương Đông gọi nó là “Hoả” thì ở phương Tây, nó được gắn cho cái tên Mars – tên của thần chiến tranh vị thần hiếu chiến mà mỗi nơi thần đi qua thì luôn để lại một màu đỏ của lửa và máu (tương ứng với Ares trong thần thoại Hy Lạp).

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 1,524 AU (227,9 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 686,98 ngày
– Chu kì tự quay: 24,6 giờ
– Khối lượng : 6,42×1023 kg
– Đường kính: 6.787km
– Nhiệt độ bề mặt: 150 – 310K
– Số vệ tinh: 2 – Phobos và Deimos

Sao Hỏa cũng là hành tinh duy nhất trong số 7 hành tinh của Hệ Mặt Trời (không tính Trái Đất) mà con người có thể có cơ hội đặt chân lên trong tương lai gần (Sao Thủy quá nóng và không có khí quyển, Sao Kim quá độc lại còn nhóm ngoài là các hành tinh khí)

 

 

Sao Mộc – Jupiter

Là hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời, Sao Mộc hoàn toàn xứng đáng với cái tên Jupiter – vị thần tối cao của thần thoại La Mã (tương ứng với Zeus trong thần thoại Hy Lạp). Sao Mộc cũng là hành tinh có nhiều vệ tinh nhất cũng như nhiều hiện tượng được quan tâm trong số 8 hành tinh của Hệ Mặt Trời.

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 5,203 AU (778,3 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 11,86 năm
– Chu kì tự quay: 9,84 giờ
– Khối lượng : 1,9×1027 kg
– Đường kính: 142.796km
– Nhiệt độ bề mặt: 120K (nhiệt độ lớp khí bề mặt)
– Số vệ tinh: 92 vệ tinh đã được đặt tên và nhiều vật thể nhỏ chuyển động xung quanh. Đặc biệt nhất là 4 vệ tinh Galileo do Galileo Galilei phát hiện bằng chiếc kính thiên văn đầu tiên của thế giới. Vệ tinh lớn nhất Ganymede cũng là vệ tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời.

 

 

Sao Thổ – Saturn

Nhiều người coi đây là hành tinh đẹp nhất trong số 7 hành tinh của Hệ Mặt Trời (không tính Trái Đất) do hệ vành đai (Saturn’s ring) đặc biệt của nó. Sao Thổ được đặt tên theo Saturn – cha của Jupiter (tương ứng trong thần thoại Hy Lạp là Cronus – cha của thần Zeus, người bị thần Zeus lật đổ khỏi vị trí cai quản các vị thần).

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 9,536 AU (1.427 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 29,45 năm
– Chu kì tự quay: 10,2 giờ
– Khối lượng : 5,69×1026 kg
– Đường kính: 120.660km
– Nhiệt độ bề mặt: 88K
– Số vệ tinh: 83 vệ tinh đã đặt tên và rất nhiều thiên thạch lớn nhỏ trong vành đai bao quanh.

 

 

Sao Thiên Vương – Uranus

Hành tinh này được phát hiện ra vào ngày 13/3/1781 bởi nhà thiên văn William Herschel. Nó được đặt tên theo tên của Ouranos – thần bầu trời, cha của Cronus, tức là ông nội của thần Zeus, người từng bị Cronus giết chết để cướp ngôi. Đây cũng là hành tinh duy nhất được đặt tên trực tiếp theo thần thoại Hy Lạp, không phải thần thoại La Mã.

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 19,18 AU (2.871 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 84,07 năm
– Chu kì tự quay: 17,9 giờ
– Khối lượng : 8,68×1025 kg
– Đường kính: 51.118km
– Nhiệt độ bề mặt: 59K
– Số vệ tinh: 27

 

Sao Hải Vương – Neptune

Được phát hiện ngày 23 tháng 9 năm 1846, hành tinh này được đặt tên là Neptune do nó có màu xanh như nước biển. Neptune là tên vị thần cai quản tất cả các đại dương trên thế giới (tương ứng trong thần thoại Hy Lạp là Poseidon – anh trai của Zeus).

*Các số liệu:
– Khoảng cách từ Mặt Trời : 30,06 AU (4.497,1 triệu km)
– Chu kì quĩ đạo: 164,81 năm
– Chu kì tự quay: 19,1 giờ
– Khối lượng : 1,02×1026 kg
– Đường kính: 48.600km
– Nhiệt độ bề mặt: 48K
– Số vệ tinh: 14

 

(So sánh tỷ lệ kích thước của 8 hành tinh và hành tinh lùn Pluto. Sao Mộc lớn nhất rồi tới Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương gần bằng nhau, Trái Đất và Sao Kim gần bằng nhau, rồi tới Sao Hỏa và cuối cùng là Sao Thủy. Pluto nhỏ hơn Sao Thủy khá nhiều)

Lưu ý:
– Bài viết thực hiện năm 2007, được bổ sung và đính chính thông tin cho phù hợp hơn vào năm 2013 và 2020.
– Tên các hành tinh trong tiếng Việt (Sao Thủy, Sao Kim, …) được viết hoa chữ cái đầu cả hai tiếng để tránh nhầm lẫn với khái niệm “sao” theo thiên văn học hiện đại.

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn khi bạn sử dụng thông tin từ bài viết này.