Các doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa, thoái vốn thế nào từ năm 2022 – 2025?

Chính phủ đặt mục tiêu thoái vốn tại 141 doanh nghiệp và cổ phần hoá 19 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có vốn nhà nước trong giai đoạn 2022 – 2025. Đây là kế hoạch vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký quyết định phê duyệt.

Bên cạnh đó, có 5 DNNN được thực hiện sắp xếp lại; 21 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng.

Các ông lớn nhà nước sẽ cổ phần hoá, thoái vốn thế nào từ năm 2022 - 2025? - Ảnh 1.

Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ của VNPT trong giai đoạn 2022 – 2025. Ảnh: Minh Chiến

Quyết định của Chính phủ đã công bố danh sách duy trì các doanh nghiệp mà nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ của: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).

Bên cạnh đó, còn có một số doanh nghiệp khác như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost); Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM); Nhà máy In tiền Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Công ty TNHH một thành viên Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…

Chính phủ cũng phê duyệt 19 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa, 5 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Với quyết định này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trong danh sách thực hiện cổ phần hóa, với tỉ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% trở lên.

Các ông lớn nhà nước sẽ cổ phần hoá, thoái vốn thế nào từ năm 2022 - 2025? - Ảnh 2.

Agribank nằm trong danh sách cổ phần hoá giai đoạn 2022 – 2025. Ảnh: Minh Chiến

Bên cạnh đó, thực hiện thoái vốn tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2025, trong đó, bán toàn bộ 90,45% tại CTCP Tư vấu đầu tư và Phát triển rau hoa quả; bán toàn bộ 49,04% vốn tại Tổng CTCP Sông Hồng; bán toàn bộ 38,58% vốn tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC); bán toàn bộ 20,91% vốn tại CTCP Dịch vụ Truyền hình viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom); bán toàn bộ 70,05% vốn tại CTCP Truyền hình cáp Hà Nội; bán toàn bộ 65,21% vốn tại CTCP Điện tử Giảng Võ…

Giữ nguyên vốn góp nhà nước tại 126 doanh nghiệp. Trong đó, giữ nguyên 87% vốn tại CTCP Phim hoạt hình Việt Nam; 50% vốn tại Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV); 64,46% vốn tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTG); 75,87% vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX); 95,4% vốn tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) …

Chính phủ “chốt” 21 doanh nghiệp sẽ thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn năm 2022 đến năm 2025 gồm: Tập đoàn Bảo Việt – CTCP; vốn tại Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện; Tổng Công ty Phát triển phát thanh Truyền hình; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng Công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam….

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tháng 11 và 11 tháng năm 2022, đến hết tháng 11-2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỉ đồng.

Về tình hình thoái vốn, Bộ Tài chính cho biết trong 11 tháng năm 2022, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp thu về 3.671,4 tỉ đồng. Riêng SCIC trong 11 tháng năm 2022 đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỉ đồng, thu về 1.100 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.