Các địa điểm du lịch ở Bắc Giang (Cập nhật 06/2022)

Các địa điểm du lịch ở Bắc Giang

Bắc Giang

Các địa điểm du lịch ở Bắc Giang

(Cập nhật 06/2022)

Cùng Phượt – Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với đất và người vùng Kinh Bắc. Nơi đây từng ghi những dấu ấn đậm nét về các cuộc đấu tranh chống quân giặc xâm lược như chiến thắng Cần Trạm, Hố Cát, Xương Giang; cuộc khởi nghĩa Yên Thế…cùng với một số di tích tiêu biểu như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, Lăng Dinh Hương, Lăng Họ Ngọ…Hơn nữa còn có khá nhiều địa điểm du lịch ở Bắc Giang rất hấp dẫn  như: Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, Hồ Cấm Sơn… Với du lịch, đó thực sự là những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực du lịch văn hoá, lịch sử và du lịch sinh thái.

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Nghiêm Phú Lâm, Hồ Khiêm, dukhach.net, Mạnh Bùi Văn, Thanh Sơn HP, Giang_famj, ducva83, Nguyễn Hoài Sơn, Lune’s Kitchen, Hạnh Lâm, Ngoc Bao Nguyen, Thuan Pham Van, Huy Nguyễn Tuấn, Thang Pham Xuan, Nguyễn Thị Huệ, FB Du lịch Hồ Cấm Sơn, Thiện Cơ Trần, haidavh, KTS Nguyen Phu Duc và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Đồng Cao

Đồng Cao có khí hậu mát mẻ, khá phù hợp cho việc cắm trại (Ảnh – Nghiêm Phú Lâm)

Khoảng hai năm trở lại đây, du khách biết nhiều đến điểm du lịch Đồng Cao, thuộc xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) qua các phương tiện thông tin đại chúng. Không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ ưa thích du lịch khám phá theo hình thức “phượt” đã đặt chân đến đây.

Điểm ấn tượng với du khách khi đến Đồng Cao là được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, thiên nhiên hoang sơ cộng thêm sự chất phác, thật thà và nhiều tập quán truyền thống của đồng bào vùng cao. Đây còn được ví như “Mẫu Sơn” hay “Sapa” của Bắc Giang. Ngoài ra, sự mới lạ, mong muốn chinh phục những con đường gập ghềnh, khó đi cũng là lý do để không ít các nhóm trẻ hướng lên Đồng Cao.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Đồng Cao (Cập nhật 6/2022)

Khu bảo tồn Tây Yên Tử

Yên Tử là dãy núi cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đây là dãy núi chính của vòng cung Đông Triều (từ Quảng Ninh qua Hải Dương – Bắc Giang và dừng ở bờ tả sông Lục Nam).

Yên Tử là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang và của vùng Đông Bắc, nằm trên diện tích của các xã An Lạc, Thanh Sơn, Thanh Luận (huyện Sơn Động) và xã Lục Sơn (huyện Lục Nam). Đây là khu rừng phân bố ở độ cao từ 200m đến hơn 1.000m so với mặt biển và có địa hình cao dốc phức tạp.

Rừng Yên Tử có vị trí vô cùng quan trọng đối với việc phòng hộ, môi trường và điều tiết khí hậu cho vùng Đông Bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, rừng Yên Tử còn có nguồn tài nguyên rừng khá lớn, đủ điều kiện để xây dựng thành một khu dự trữ thiên nhiên với diện tích trên 17.000 ha và tổng trữ lượng gỗ gần 1.000.000 m3. Mặt khác, do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc, hiểm trở nên rừng tự nhiên Yên Tử còn giữ được những khu vực tương đối nguyên vẹn với một quần thể sinh vật phong phú, đa dạng, đặc trưng tiêu biểu cho vùng Đông Bắc Việt Nam.

Khu bảo tồn Tây Yên Tử (Ảnh – Hồ Khiêm)

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử có nhiều nguồn gien động, thực vật rừng quý hiếm, đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam mà nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác không có.

Trên hệ thống núi Yên Tử có nhiều thắng tích nổi tiếng đã được sử sách xưa ghi nhận, đó là: khu thắng tích Am Vãi; khu thắng tích Suối Mỡ – Hồ Bấc; khu thắng tích Huyền Sơn; khu di tích Khám Lạng; khu di tích Hòn Tháp – Yên Mã… Các khu thắng tích này là một quần thể rộng gồm danh sơn và cổ tích hợp lại. Hầu hết, những khu di tích nằm trên sơn phận Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang là những khu di tích cổ, có từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI đến thế kỷ XIV). Đó là những di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua là Trần Nhân Tông sáng lập.

Khu du lịch sinh thái Đồng Thông

Khu du lịch sinh thái Đồng Thông thuộc tuyến du lịch Tây Yên Tử – một tuyến du lịch trọng điểm đang được tỉnh Bắc Giang tập trung quy hoạch và xây dựng. Khu du lịch Đồng Thông cũng là nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, ngoài ra, đây còn là điểm dừng chân cho bạn trước khi chinh phục đỉnh Phù Vân Yên Tử từ phía Tây.

Đến với Đồng Thông, bạn có thể ghé thăm chợ Nòn để thưởng thức hương vị mật ong rừng Yên Tử, đặc sản rượu men lá đặc trưng nơi đây; hoặc tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa, lễ nghi dân gian của bà con dân tộc như: Lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ cấp sắc của người dao ở bản Mậu và Đồng Thông. Cũng tại Đồng Thông, bạn có thể dã ngoại xuyên rừng lên đến Chùa Đồng và các chùa khác trong quần thể chùa trên dãy núi Yên Tử.

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Bắc Giang

KHÁCH SẠN
Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang

Địa chỉ: Quảng trường 3/2, đường Hoàng Văn Thụ, Tp Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang

Điện thoại:
0204 3542 888
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Ravatel Inn Hotel

Địa chỉ: 1B Thanh Niên, Phường Lê Lợi, Tp Bắc Giang, Bắc Giang

Điện thoại:
094 868 29 68
Xem giá phòng ưu đãi từ:

Rừng nguyên sinh Khe Rỗ

Khu rừng nguyên sinh thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động có diện tích 7.153ha trong đó có 5.092ha là rừng tự nhiên. Khu rừng có 236 loài thực vật, cây lấy gỗ, 255 loài liệu dược quý. Trong khu rừng còn có 37 loài thú, 73 loài chim, 18 loài bò sát, đặc biệt có 7 loài thuộc loại động vật quý hiếm. Đây là cánh rừng nguyên sinh tiêu biểu của khu vực Đông Bắc Việt Namnằm gọn trong hai khe suối khe Rỗ và khe Din. Phía Đông và Đông Bắc giáp với huyện Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn, phía Nam và Đông Nam giáp với huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh, phía Bắc và Tây Bắc thuộc địa phận của xã An Lạc. Sống xung quang khu bảo tồn rừng nguyên sinh là dân cư của hai bản dân tộc Dao: Pác Duốc và Khe Din.

Hiện nay rừng nguyên sinh Khe Rỗ nói riêng và toàn bộ khu rừng Tây Yên Tử nói chung còn giữ được vẻ nguyên sơ rất thích hợp cho các tour du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu các hệ động thực vật rừng nhiệt đới của du khách.

Làng Thổ Hà

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính. Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.

Thổ Hà ba mặt là sông như một hòn đảo, ra khỏi làng là phải đi đò. Làng có hai bến đò: bến Chùa ở trước cửa đình, bến đò dưới nằm ở xóm Ba. Trước kia đò do người chèo trông rất thơ mộng, nhưng ngày nay đều được gắn máy nên đò chở khách nhanh hơn. Dọc bờ sông của làng là thuyền bè của dân vạn chài sinh sống.

Làng có một trục đường chính chạy theo bờ Bắc dòng sông Cầu, theo chiều dòng chảy lần lượt là Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3 và Xóm 4. Vuông góc với trục đường chính là các ngõ xóm sâu và hẹp. Cách đây vài chục năm dấu tích của nghề gốm vang bóng một thời là những bức tường ngõ cổ và bức tường nhà xây toàn bằng những mảnh gốm vỡ hay tiểu sành phế phẩm mà không dùng chút vôi vữa nào, chỉ dùng bùn của sông Cầu để kết dính. Khi dân làng giàu lên các bức tường này đã xây lại bằng gạch và xi măng, hiện nay chỉ còn rất ít đoạn tường cổ. Có hai đường vào làng: đường thủy qua bến đò từ phía Nam, đường bộ qua cổng làng từ phía Bắc làng, bến đò và cổng làng chỉ cách nhau 100 mét.

Kiến trúc cổ của Thổ Hà gồm: ba di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận là Đình, Chùa, Văn Chỉ, trong đó có gần hai chục tấm bia đá ghi chữ nho ở cả hai mặt; Cổng làng, bốn ngôi Điếm của bốn xóm, các ngôi nhà cổ. Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, là một trong những chiếc cổng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Quanh khu vực cổng làng, đình và chùa có rất nhiều cây đa đều hàng trăm năm tuổi. Trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Đình Thổ Hà

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Đình thờ Thân Cảnh Phúc,là Tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống, dân tộc Tày, tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn-Lạng Sơn), được vua Lý gả công chúa và phong chức tri châu. Đó là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000 m², một nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Đình đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Đình được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1960. Đình xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính – Hòa năm thứ 7. Đến năm 1807 (Gia Long năm thứ 5) xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu. Thời kỳ kháng chiến chông Pháp, đình bị rỡ ngói, phá sàn và chấn song. Mặt khác hàng năm thường bị lụt, có năm nước ngập đến mái ngói, nên đình bị xuống cấp nhiều.

Trong suốt thời gian từ lúc được xây dựng tới bây giờ, ngôi đình đã được sửa sang và nâng cấp rất nhiều lần. Năm 1977 – 1979 nhà nước đã đầu tư kinh phí và cử cán bộ về trùng tu, nâng ngôi đình cao thêm 1,8m, nhưng ngôi tiền tế vẫn chưa nâng. Năm 1988 dân Thổ Hà với tinh thần tự lực cánh sinh đã tôn tạo ngôi tiền tế và nâng cao bằng ngôi đình.

Đình được dựng theo kiểu chữ công, toà bái đường dài 27m, rộng 16m, dựng trên nền cao 0,5m xung quanh bó đá tảng xanh chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài to bản, bốn góc là những đầu đao cong vút. Đầu bờ nóc uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Có tất cả 22 đầu bẩy lực lưỡng, chạm rồng, mây, nghê, thú rất trau chuốt. Bái đường chia làm 7 gian, 48 cột lim, bộ khung mái chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Lòng bái đường lát đá xanh nhẵn bóng. Bức cửa võng thếp vàng chạm trổ lộng lẫy làm cho bái đường càng thêm trang nghiêm cổ kính.

Trong đình có ba tấm bia to: Thủy tạo đình miếu bi nói về việc xây dựng đình, Cung sao sự tích thánh (Lão Tử) nói về sự tích thành hoàng Thái thượng lão quân, Bia sao sắc phong sao các đạo sắc của các triều đại trước phong tặng. Ngoài ra còn có các bia khác quy tập tại đình nói về những điều lệ trong dân đã quy định.

Năm 2006 được sự trợ giúp kinh phí của Vương quốc Bỉ đình Thổ Hà lại được dỡ hết để làm lại, dự định cuối 2009 sẽ xây dựng xong. Trong lần trùng tu này đình được phục chế theo các ảnh chụp còn lưu trữ bên Pháp. Sau khi làm xong đình thì Chùa Thổ Hà và Văn chỉ cũng sẽ xây dựng lại.

Thành cổ Xương Giang

Xương Giang là một thành cổ hiện chỉ còn lại tàn tích tại tỉnh Bắc Giang, đây là một trong những nơi đã diễn ra trận chiến giữa quân của Lê Lợi và quân Minh.

[su_youtube_advanced url=”https://www.youtube.com/watch?v=1vQ7BBOQyYo” width=”660″ height=”560″ fs=”no” theme=”light”][/su_youtube_advanced]

Thành Xương Giang do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15, năm 1407, trong thời gian nhà Minh đô hộ Việt Nam. Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.

Thành Xương Giang xưa tuy đặt ở vùng bằng phẳng nhưng lợi thế ở chỗ hiểm yếu. Thành này án ngữ con đường “Thiên Lý Bắc – Nam” xưa. Xung quanh thành địa hình cũ có hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh rất khó tấn công. Năm 1407, giặc Minh cho đắp thành này, trấn giữ ở đó được 20 năm thì bị Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vây đánh vào năm 1427. Do địa thế hiểm yếu, nghĩa quân Lam Sơn phải 9 tháng mới hạ được thành, trong khi đó các thành Thị Cầu, Chi Lăng, Đoàn Thành nghĩa quân triệt hạ nhanh chóng.

Khu di tích Suối Mỡ

Suối Mỡ là tên một con suối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh – Yên Tử, tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Cảnh đẹp nhất nơi đây là đoạn suối có năm bậc thác mẹ con từ đền Thượng xuống đền Trung. Theo các tài liệu, đền Suối Mỡ là nơi thờ Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương, người có công mở dòng Suối Mỡ, dạy nhân dân làm ruộng, làm nương.

Tại khu vực Suối Mỡ, các công trình tạo thành một khu liên hoàn: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng (có từ thời nhà Lê, thế kỷ XV – XVI). Với nhiều loại hình du lịch để du khách có thể lựa chọn như: Tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, tắm suối, cắm trại, leo núi, khám phá thiên nhiên hoặc mua sắm, ẩm thực… Du khách có thể lựa chọn điểm du lịch sinh thái tại thác Suối Mỡ; thác Thùm Thùm; vọng Ngắm Trăng; đỉnh Rông Khế; hồ Suối Mỡ hoặc du lịch tâm linh tại đền Suối Mỡ (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng); đền Trần; đền Quan; đền Cô Bé Cây Xanh.

Đền Hạ

Điểm đầu tiên trong chuỗi thắng cảnh là đền Hạ, ngôi đền nằm kề bên đường tỉnh 293. Đây là một trong 3 ngôi đền có quy mô và diện tích lớn nhất trong hệ thống đền Suối Mỡ. Đền tọa lạc trên thế đất “hoàng long”. Trước cửa đền có núi Tai Voi làm án có tác dụng ngăn không cho tà khí bay vào đền và giữ lại những tài lộc do long mạch bên trong thúc ra.

Ngày nay, dưới bóng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, đền Hạ vẫn giữ được nét uy nghi, rêu phong cổ kính. Đền Hạ hiện còn giữ được 3 pho tượng đồng quý hiếm, bên ngoài được phủ một lớp sơn bóng quang điện trông càng rực rỡ uy nghi.

Đền Trung

Nằm tách biệt với khu dân cư, từ xa nhìn lại, đền Trung tọa lạc trên mảnh đất có vị trí như một hòn đảo được bao bọc bởi suối và cây xanh tạo nên vẻ tĩnh mịch, huyền bí và linh thiêng cho ngôi đền. Với điểm tựa gối đầu là núi Bà Bô; án là rừng Thông và sườn Giông Khế, theo thuyết phong thủy đây là mảnh đất tụ linh và ngôi đền nằm trên thế đất “tựa Sơn đạp Thuỷ”. Lối đi duy nhất vào đền là cây cầu bán nguyệt được coi như nối cõi trần với nơi đất thánh. Trong đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương – Thượng Ngàn Thánh Mẫu và một số bệ thờ theo tín ngưỡng thờ mẫu.

Đền Trung có cả thảy 5 thác nước, trong những nét nguyên sơ của đá và nước, cùng cỏ cây xung quanh tạo nên nét kì bí và thú vị cho những du khách đến đây.

Đền Thượng

Ngôi đền nằm giữa lưng chừng núi có kiến trúc khá đơn sơ, hầu như giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu từ thuở mới tạo dựng. Đền chỉ có một gian rộng lấy một tảng đá lớn bên trên làm mái, lấy vách đá xung quanh làm tường, ba bề trên dưới là đá, cả điện thờ cũng nguyên khối đá. Tại đền Thượng, bên dòng Suối Mỡ thơ mộng, còn được thưởng thức những điệu hát chầu văn mượt mà, say đắm lòng người.

Thác Thùm Thùm

Nằm trong quần thể khu du lịch Suối Mỡ, thác Thùm Thùm, còn gọi là thác Chúa, từ đền Trần đến đây mất khoảng 30 phút. Thác Thùm Thùm mang một vẻ đẹp kì bí, Đây là thác cao nhất trong hệ thống thác Suối Mỡ. Thác được khoác trên mình một tấm áo choàng bằng nước từ trên cao đổ xuống tạo ra những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Bây giờ, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa tên thác bởi thác nước đổ xuống tạo nên những âm thanh thùng thình, ùm ùm, nghe như tiếng trống trận của quân sĩ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Hồ Suối Mỡ

Công trình khởi công xây dựng năm 2009 gồm 4 hạng mục: Đập chính, tràn xả lũ, cống nước, kênh dẫn nước. Với diện tích mặt hồ hơn 30 ha, công trình hồ Suối Mỡ góp phần tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho khu vực đồng thời giúp điều hòa khí hậu và thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch như: bơi thuyền, câu cá, nghỉ dưỡng và dịch vụ khách sạn, nhà hàng, công viên thú. Trong tương lai không xa, khi hoàn thiện, nơi đây sẽ tôn thêm vẻ đẹp của Suối Mỡ – miền đất thiêng.

Hồ Khuôn Thần

Khuôn Thần là một hồ nước rộng rộng 240 ha, bao quanh bởi những đồi vải, đồi thông bạt ngàn và xanh mướt. Đây là một khu du lịch còn nhiều tiềm năng của xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Từ thành phố Bắc Giang theo quốc lộ 31 đi khoảng 40 km lên đến trung tâm ngã tư Đài Phát thanh -Truyền hình Lục Ngạn, sau đó rẽ trái 9 km, du khách sẽ tới khu du lịch Khuôn Thần. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình với hồ nước trong xanh, không khí thoáng đãng, bao quanh là những đồi vải, đồi thông ngút ngàn.

Núi Dành

Cách TP Bắc Giang hơn 15 km, trên núi Dành có nhiều thông, keo vi vu. Đây là địa danh từng được nhắc tới trong sách “Đại Nam nhất thống chí”, trong đó có đoạn: “Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm Nam và cỏ Thi”. Quần thể khu du lịch này gồm nhiều công trình như: Đền Trình, đền Hạ, đền Thượng, chùa Không Bụt, đình Vường và hơn 30 ha rừng thông, keo, bạch đàn có độ tuổi trên chục năm, tạo thành một không gian văn hóa tâm linh, sinh thái thu hút đông đảo người dân đến hành hương, thưởng ngoạn.

Bản Đá Húc

Bản Đá Húc cách trung tâm xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) khoảng 8 km. Từ con đường liên xã chạy qua bản nhìn lên là màu xanh thẫm của khu rừng nguyên sinh – rừng lim xanh. Ngay bìa rừng là ngôi đình cổ kính nhìn ra khu định cư của đồng bào Cao Lan.

Không xa nữa khi tuyến đường tâm linh 293 sườn Tây Yên Tử hoàn thành, đường về bản Đá Húc sẽ rất thuận tiện. Khi đó rừng lim xanh và ngôi đình cổ sẽ là điểm tham quan du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách gần xa.

Thác nước Hang Chiêng – Khe Nương Dâu

Có một địa chỉ du lịch sinh thái lý thú khá quen thuộc với người dân bản địa nhưng lại mới mẻ và ít người nơi khác biết đến tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), đó là thác nước Hang Chiêng – Khe Nương Dâu. Những ngày hè dát bỏng, đây thực sự là điểm đến cuốn hút giải nhiệt của người dân.

Nằm giữa khe núi hun hút, xung quanh bao phủ bởi những thảm thực vật của rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Tuấn, sở dĩ có tên gọi Hang Chiêng bởi trong thời kỳ chống Pháp du kích địa phương đã giấu nhiều chiếc chiêng làm hiệu lệnh mỗi khi hoạt động tại đây, xung quanh là những bãi dâu tươi tốt.

Hồ Cấm Sơn

Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn thì bị chặn lại thành hồ. Hồ Cấm Sơn là nguồn cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang.

Bình thường mặt hồ rộng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 3.000 ha. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc. Cư dân sống gần hồ là những bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh. Nhân dân vùng chung quanh hồ chủ yếu là dân tộc. Người dân ở đây đi lại chủ yếu bằng thuyền, và giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo tạo những cảnh quan sơn thủy hữu tình.

Để đến được hồ Cấm Sơn du khách có khá nhiều đường khác nhau, song thuận lợi hơn cả là con đường từ thị trấn Chũ, ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến Tân Sơn đi theo con đường đất đỏ với những khúc cua tay áo liên tiếp, men theo những bản làng người Nùng, người Sán Chí, người Dao là đến Cấm Sơn, hoặc từ thành phố Bắc Giang ngược theo quốc lộ 1A qua huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn rồi rẽ phải khoảng gần 5km thì đến đập Cấm Sơn.

Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, một viên ngọc sáng trong các chùa cổ Việt Nam.

Trước kia, chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, nay là thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nên còn gọi là chùa Đức La và lễ hội ở đây được gọi là lễ hội La. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.

Văn bia chùa thời Trần viết: “Đức Tổ Điều Ngự Pháp Loa khi mở tùng lâm này, còn mở cái chợ Đức La. Các vị vương thân quốc thích và thập phương đàn Việt, phát tâm tậu ruộng đất ở tại bản xã và các hạt khác các nơi, để cúng hương dâng tam bảo muôn đời. Chùa này và chùa Sùng Nghiêm cả thảy 72 chốn tùng lâm, công đức sáng tạo, hợp khắc vào bia ở chùa Hoa Nghiêm núi Yên tử”. Một tấm bia chùa dựng khác viết: “Ðức tổ Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) khi mở Tùng lâm này (tức chùa Vĩnh Nghiêm), mở cả chợ chùa. Các vị vương thân quốc thích và khách thập phương đã phát tâm tậu nhiều ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác nữa”.

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự (永嚴寺). Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (陳仁宗; 1258-1308), từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa (法螺), Huyền Quang (玄光) sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam tổ.

Chùa cổ Bồ Đà

Chùa Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự , là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh xưa). Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ.

Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử… Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).

Lăng Dinh Hương

Lăng Dinh Hương thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê, được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ 1965. Lăng Dinh Hương xây dựng từ năm 1727 (xuất hiện trước tất cả các lăng mộ vua Nguyễn ở Cố đô Huế). Trong lăng lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu, tên húy là La Đoan Trực.

Lăng nằm trên một quả đồi hình tròn rộng khoảng một ha có tường gạch bao quanh (ngày xưa là tường đá ong bao quanh). Vào cổng là hai tượng quan hầu cầm dùi đồng. Quần thể lăng đá Dinh Hương chia làm ba phần chính: phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia ở bên phải. Tượng người và vật tại lăng làm bằng đá xanh được chạm khắc rất sống động, tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa công phu.

Phần mộ rộng khoảng 100 mét vuông có tường đá ong dày bao quanh là nơi lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu, có hai võ quan dắt ngựa đứng canh. Cặp tượng quan hầu dắt ngựa được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá, tượng chú trọng vào cách tạo khối trên thân, khiến con vật trở nên đậm chất hiện thực. Một số mảng chạm tỷ mỷ và mang tính cách điệu cao như phần yên cương, bờm con ngựa. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên phải có mặt to, hàm rộng. Võ quan đeo gươm dắt ngựa phía bên trái có râu dài, mặt nhỏ.

Khu thờ tự gồm hai voi nằm chầu, bàn thờ có hai con nghê to há mồm ngồi chầu, tiếp theo là ngai thờ làm từ hai khối đá lớn cùng hai quan hầu nữ và hai con nghê nhỏ trạm khắc tinh tế, sinh động. Quan hầu nữ bên trái bưng chiếc tráp khối hộp chữ nhật ngang bụng, bàn tay trái đỡ dưới hộp tráp, tay phải giữ ngang đầu hộp, để hở nửa bàn tay với những ngón thon dài. Quan hầu nữ bên phải ngai thờ tay cầm quạt, đầu đội mũ ni có chóp nhọn như một chiếc nón nhỏ, nửa phía sau mũ có bốn lớp vải trùm kín chân tóc, phủ xuống kín tai và gáy.

Tìm trên Google

  • các địa điểm du lịch ở bắc giang
  • chơi gì khi đến Bắc Giang
  • phượt Bắc Giang có gì
  • cảnh đẹp Bắc Giang
  • danh lam thắng cảnh Bắc Giang
  • địa điểm du lịch tâm linh Bắc Giang
  • đến Bắc Giang nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Bắc Giang

4.2/5 – (4 đánh giá)