Các chương trình hài nhảm, video, clip phản cảm trên mạng: Quá nhiều “sạn” (kỳ 1)

(CATP) Thời gian qua, các video, clip mang tính hài hước được đưa lên mạng xã hội, với nội dung nhảm nhí, giật gân với mục đích lôi kéo nhiều người hiếu kỳ vào xem để thu lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, gameshow hài phát trên tivi cũng mang đến không ít “sạn” cho người xem. Điều đáng nói là các video, clip có nội dung càng nhảm nhí, càng độc hại lại càng thu hút đông người xem nhất là đối với trẻ em. Những chuyện nhạt phèo, dung tục, thậm chí cố tình “chém gió” khiến không ít người xem đỏ mặt, tía tai phải chuyển kênh vì chương trình hài nhảm, bợt cỡn… vô duyên. Trước thực trạng các chương trình game show, video, clip có nội dung vô bổ, nhảm nhí, phản cảm, độc hại… xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng với tốc độ lan truyền nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến tâm lý, ý thức và đạo đức xã hội, cần phải làm gì để ngăn chặn, xử lý triệt để?

Thật phát hoảng một khi chỉ cần mở tivi, máy tính có kết nối internet là hàng loạt chương trình nhảm, hài dung tục xuất hiện tràn ngập. Không chỉ những chương trình đã từng chiếm sóng truyền hình hiện vẫn tồn tại trên không gian mạng, mà còn rất nhiều clip hài mới “sản xuất” xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Những clip này khá độc hại, vô bổ nhất là với giới trẻ lẫn người xem thiếu chọn lọc về các chương trình hài hước.

Nhảm, dung tục chiếm sóng truyền hình, tràn ngập không gian mạng

Mặc dù đã phát sóng trên truyền hình một thời gian, chương trình “Thách thức danh hài” hiện vẫn tràn ngập trên không gian mạng, với nhiều kiểu mời chào vào xem, khiến sự tò mò không ít người nhấn vào để thưởng thức. Điều đáng nói là không biết BTC chương trình “Thách thức danh hài” có chọn lọc gì không khi để khá nhiều tiết mục hài nhảm, vô nghĩa lọt vào các vòng trong. Như tiết mục của cô gái được mạng mệnh danh là “Thánh đà đá đa…”, không có kịch bản gì hay ho, thậm chí mang tính vô bổ, thiếu hẳn tính nghệ thuật lẫn thẩm mỹ, nhưng cả 3 vòng thi, “Thánh đà đá đa…” chỉ “đà đá đa” vậy mà hai cây hài Trường Giang, Trấn Thành khi làm giám khảo vẫn… cười được! Có lẽ tính quá dễ dãi của những cây hài làm giám khảo, khiến khán giả thất vọng?

Rất nhiều “sạn” của nhiều chương trình vẫn tồn tại lâu dài trên mạng internet, càng cho thấy sự hài hước bị “châm biếm”. Những nội dung dung tục, vô bổ mang lên sân khấu chương trình diễn để cố chọc cười ban giám khảo, khiến khán giả xem những video, clip này phải ngao ngán vì thất vọng.

Càng ngao ngán hơn khi có những chương trình thực tế mang tính giáo dục cũng bị làm cho thô tục, chưa nói là “khiêu dâm” khiến người xem phải quay đi hay mở âm thanh nhỏ lại. Thời gian qua, dư luận vẫn chưa hết ái ngại khi trong một tiệc cưới, nghệ sĩ hài Hoài Tâm và Việt Hương đã có tiết mục biểu diễn khá thô tục, khiến một số khách ngượng, thậm chí phải bỏ về. Danh ca Hương Lan đã phải lên tiếng phê phán.

Ba ngày sau, chính nghệ sĩ Việt Hương đã viết thư xin lỗi khán giả và người hâm mộ: “Mình đã sai thì phải sửa. Việt Hương tự phạt bản thân 2 năm không tham gia các buổi tiệc và kỹ lưỡng trong lời ăn tiếng nói…”. Rồi khán giả cũng dễ thấy những gương mặt quen thuộc của làng hài TPHCM quanh quẩn có: Trường Giang, Trấn Thành, Việt Hương… xuất hiện ở hầu hết các chương trình. Bởi thế khi họ diễn xuất thì dễ bị lặp lại chính mình, còn nếu làm giám khảo thì nhận xét rất nhạt và chung chung, không có nhiều giá trị chuyên môn.

Quá nhiều “sạn”… thậm chí nội dung nhảm nhí, tào lao!

Ngao và… ngán!

Một khán giả chia sẻ, thời gian qua, các chương trình giải trí có yếu tố hài nhảm xuất hiện quá nhiều trên sóng truyền hình và tràn ngập trên mạng xã hội. Có thể vì quá nhiều chương trình nên không được đầu tư sâu, có phần dễ dãi, và vẫn chỉ là những gương mặt cũ nên người ta cố tình chọc cười bằng cách tung ra những chiêu thô tục. Mở tivi, mở mạng internet là những “Cặp đôi hài”, “Thách thức danh hài”, “Đấu trường tiếu lâm”, “Làng hài mở hội”, “Siêu hài nhí”… rồi có cả “Cười xuyên Việt”, “Hội ngộ danh hài”.

Khán giả vẫn còn băn khoăn, trước đây chương trình “Thách thức danh hài” làm người xem thất vọng, khi trao giải 150 triệu đồng cho “nụ cười” nhảm và tục. Thí sinh L, sau khi chọc cười giám khảo Trấn Thành bằng một câu thô tục đã được trao ngay 150 triệu. Từ bao giờ hài lại trở nên “rẻ” đến vậy. Nói tục lại được trao giải thưởng?

Phải nhìn nhận, không phải chương trình nào cũng nhảm và thô tục, nhưng tần suất của các chương trình kém chất lượng, tung ra những tình huống diễn viên chua ngoa, đanh đá, đánh chửi nhau, gái giả trai… khiến khán giả cảm thấy mình đang xem chương trình quá nhiều “rác và sạn”. Một nghiên cứu sinh ngành văn hóa, cho rằng: “Xem hài là để được cười sảng khoái. Nụ cười ở đó phải sâu cay, thấm thía và có tính chất giải trí, chứ không phải bắt khán giả vừa xem vừa ức chế, rồi chuyển kênh khác. Tôi không hiểu vì sao các diễn viên ấy có thể lấy danh là nghệ sĩ, rồi diễn đi diễn lại mấy trò nhạt nhẽo, tầm thường đó”.

Nhìn nhận về vấn đề này, nghệ sĩ hài Xuân Hương từng cho rằng, làng hài ở phía Nam đang đi vào ngõ cụt, khi thủ pháp tạo hài chỉ là những cử chỉ và lời nói thô tục. Trong khi khán giả có người thì hưởng ứng, người lên án, nhưng diễn viên thì mặc kệ, và thế là hài nhảm nhí tràn lan. Khán giả chỉ cười theo kiểu cơ học, tức là thấy vậy thì cười, hoặc một số khán giả coi nó chỉ là trò giải trí nên không quan tâm đến chất lượng chương trình. Nhưng với khán giả nhỏ tuổi thì điều đó thật sự tai hại.

Một thực trạng đáng lo lắng, đó là nhiều vở kịch, bộ phim từng nổi tiếng, hoặc các chương trình mua bản quyền từ nước ngoài về đã bị đưa ra cải biên, biến thành tiết mục hài phát trên mạng xã hội và truyền hình, gây ảnh hưởng lớn đến các tác giả trước đó. Đa phần các tiết mục cải biên đều thiếu tính nhân văn, thẩm mỹ, làm méo mó tinh thần ban đầu của tác phẩm. Tình trạng này đã diễn ra phổ biến nhưng chưa thấy mấy người bị xử lý.

Chúng ta phải sòng phẳng mà nhìn nhận, các show diễn ngày nay cần phải làm quá nhiều là để lấp sóng. Với lợi thế ấy, cộng với tài ăn nói, thì đương nhiên các diễn viên hài sẽ “làm ăn được”. Điều đó rất dễ dẫn đến thực trạng, là nhiều người chẳng cần phải nỗ lực cũng có thể trở thành ngôi sao, bởi chương trình nào cũng xuất hiện khiến khán giả quen mặt.

Một chương trình nhiều khán giả cho là có quá nhiều “hài nhảm”

Một khía cạnh khác khiến hài được “mở” cho bùng phát, là lợi nhuận mà nó mang lại từ các hoạt động bắt tay quảng cáo, tài trợ của các nhãn hàng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân là vì chưa có quy định chặt chẽ để kiểm soát, cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, nên chưa “trói” được hài nhảm nhí.

Theo tìm hiểu, tất cả chương trình phát sóng của các đơn vị truyền hình hiện nay đều do các đơn vị tự chịu trách nhiệm và không được cơ quan quản lý kiểm duyệt trước khi phát sóng. Chỉ khi có vấn đề sai phạm, dư luận lên án thì cơ quan chức năng mới xem xét và yêu cầu giải trình. Đây là kẽ hở rất lớn, đang thả nổi và là nguyên nhân chính để làng hài và các video, clip xấu, độc hại nhan nhản trên mạng. Bởi vậy để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa cần xốc lại công tác quản lý, có chế tài mạnh tay hạn chế hài nhảm hướng tới làm trong sạch làng giải trí, cũng như văn minh hơn trên không gian mạng.

Cùng với đó là ý thức của mỗi khán giả nên là những người hưởng thụ nghệ thuật có văn hóa, miễn dịch với những sản phẩm hài hời hợt, dung tục. Hãy trở thành cư dân mạng thông minh, tỉnh táo, theo dõi có chọn lọc các nội dung lành mạnh, hữu ích, đồng thời kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại. Song sẽ khó thành công nếu không có sự kết hợp của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ cần có thái độ nghiêm túc và tiết chế hơn trong nghề nghiệp, biết nói “không” với những chương trình thiếu tính nghệ thuật, nhân văn, dẫn đến làm suy giảm thị hiếu khán giả cũng như uy tín chính mình.

Tiếng cười là miễn phí, song cũng là vô giá nếu gắn với cuộc sống và mang lại những phút giây thư giãn thật sự cho người xem. Chung tay xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh từ chính các chương trình truyền hình giải trí nói chung, chương trình hài nói riêng, đòi hỏi những nỗ lực trong quản lý, kiểm soát và nhận thức từ chính những người làm chương trình, các nghệ sĩ và các chủ kênh trên mạng. Chỉ khi nào giá trị văn hóa, thẩm mỹ được nêu cao, thì khi đó tốc độ lao dốc của chất lượng chương trình hài mới được hạn chế.