Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong quan hệ với trẻ mầm non – 123docz.net
trong quan hệ với trẻ mầm non
Mối quan hệ giữa GVMN với trẻ mầm non là quan hệ cơ bản nhất, chi
phối các quan hệ khác của người giáo viên với tư cách là nhà giáo dục và
cũng trong mối quan hệ này các chuẩn mực ĐĐNN của người GVMN được
thể hiện rõ nét nhất.
Thứ nhất, GVMN phải như “người mẹ hiền” hết lòng chăm sóc, thương
yêu trẻ, tôn trọng đối xử công bằng với trẻ, đồng thời luôn thiết tha với nghề
dạy học.
Có hai khái niệm trong đặc thù lao động và có liên quan đến bản chất
nhân cách của người GVMN là: “Mẫu dưỡng” và “Mẫu giáo” [76, tr.38].
“Mẫu dưỡng”: có nghĩa là chăm sóc trẻ như mẹ chăm sóc con: bồng bế, vuốt
ve, cho ăn, cho uống, tắm rửa… tạo nên mối quan hệ ruột thịt âu yếm, yêu
thương. “Mẫu giáo”: là dạy dỗ, chăm sóc trẻ như mẹ dạy dỗ, chăm sóc con.
Dạy trẻ những thói quen tốt và kĩ năng sống gần gũi, cần thiết. Mỗi GVMN
hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc và dạy dỗ trên dưới 40 trẻ. Ngày làm việc của
các cô thường từ 8 tiếng đến 10 tiếng. Hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm
non là công việc cực nhọc và vất vả. Mỗi trẻ một cá tính, đặc điểm tâm sinh lí
khác nhau. Các cô không chỉ có nhiệm vụ dạy học như các cấp học khác mà
còn phải chăm sóc mọi mặt từ ăn uống, sinh hoạt cá nhân đến theo dõi diễn
biến tâm sinh lý, thái độ, tình cảm và sức khỏe của trẻ. Quan tâm đến các mối
quan hệ của trẻ: cách chơi đùa, ứng xử với bạn, thể hiện thái độ với người lớn,
với môi trường; lắng nghe trẻ để các con thực sự cảm thấy thoải mái khi trò
chuyện mà không tỏ ra e dè, khép nép, sợ hãi; tìm hiểu đến sở thích, khả năng
để tạo điều kiện tốt nhất cho các con phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm
yếu… Để giáo dục hiệu quả, GVMN phải hiểu sâu sắc học sinh của mình như
nhà sư phạm người Xô Viết V.A. Xukhômlinxki đã nhận xét: “Nếu không nắm
vững đối tượng trẻ em – học sinh của mình, nếu không tìm ra con đường đi
vào tâm hồn các em, nếu không hiến cả trái tim mình cho các em thì sẽ không
thể thành công được” [18, tr.68].
Trẻ mầm non là lứa tuổi đang có sự phát triển đời sống tâm lý mạnh mẽ.
Trẻ thèm khát sự trìu mến yêu thương và cũng rất sợ thái độ thờ ơ lạnh nhạt
của những người xung quanh đối với mình. Đồng thời, trẻ bộc lộ tình cảm của
mình đối với những người xung quanh cũng rất mạnh mẽ: yêu quý, nhường
nhịn, thân thiện với bạn bè… Điều này đòi hỏi người giáo viên mầm non phải
có lòng thương người, đức tính nhân văn, coi trẻ mầm non như những người
ruột thịt, người con, người em trong gia đình mình; tự nguyện chia sẻ tình
cảm một cách công bằng, tình yêu thương cho tất cả học sinh trong lớp học.
Coi lớp học của mình như ngôi nhà thứ hai, thiết lập mối quan hệ gắn bó máu
thịt với tất cả học sinh trong lớp. Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
từng căn dặn rằng: “Ở tiểu học, mẫu giáo người thầy phải dành cho học trò
một tình thương đặc biệt như tình cảm của cha mẹ đối với người con, phải yêu
thương các cháu như con ruột của mình” [63, tr.36]. Để thành công, hiệu quả
trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ, cô giáo luôn phải gần gũi, quan tâm,
thấu hiểu từng trẻ. Giáo viên mầm non phải có được phẩm chất của một người
mẹ hiền, biết yêu thương, bao dung, vị tha và độ lượng, luôn nhìn thấy điểm
tích cực, đáng yêu của trẻ, dành cho trẻ mọi điều tốt đẹp. Coi sự lớn lên của
trẻ là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính mình. Để làm được điều đó, động
cơ thúc đẩy mỗi người giáo viên phải hiến dâng cả đời mình cho công tác giáo
dục mầm non, đó chính là tình thương yêu trẻ em và nhu cầu quan tâm đến
thế hệ đang lớn lên.
Xuất phát từ tình cảm yêu mến trẻ em, mà người GVMN luôn nhận thấy
trách nhiệm với nghề mình đã chọn, yêu nghề, tận tụy với nghề, đây là phẩm
chất đặc trưng của người giáo viên. Mỗi cô GVMN yêu nghề bằng niềm say
mê nghề nghiệp, lòng yêu thương trẻ em, tận tụy hi sinh với công việc, tác
phong làm việc cần cù, trách nhiệm, lối sống giản dị và thân tình. Chính lòng
yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất đạo đức khác. Phải có lòng
yêu nghề mới có động lực thực sự để nâng cao trình độ chuyên môn. Yêu
nghề mới luôn khát vọng tìm kiếm biện pháp cải tiến phương pháp giảng dạy,
cải tiến quá trình công tác của mình, không tự thỏa mãn với chính kiến thức
mình đang có; tìm thấy niềm vui khi được giao tiếp với trẻ em. Sự giao tiếp
này làm phong phú cuộc đời nhà giáo, khích lệ niềm say mê, cảm xúc tích cực
trong tâm hồn người thầy. Như A.M. Goocki đã viết: “Những người giáo dục
trẻ em phải là những người sẵn có nhiệt tình với công việc đó, một công việc
đòi hỏi có tình yêu vĩ đại đối với các em, hết sức chịu khó và rất cẩn thận
trong cách đối xử với những người xây dựng thế giới mới” [59, tr.18].
Thứ hai, GVMN phải là “nhà sư phạm mẫu mực”, tấm gương sáng cho
học sinh noi theo.
Nhấn mạnh về vai trò này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn cho học
sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm, mà
giáo viên thì trưa mới dậy… thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối
với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng” [115, tr.492]. Trong
trường mầm non, giáo viên có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Trẻ em luôn nhìn
GVMN giống như “thần tượng” của mình. Để hình thành nên những thói
quen, nhân cách mẫu mực cho trẻ thì cô giáo phải có đạo đức, lối sống chuẩn
mực ở thái độ, lời ăn tiếng nói và phong cách…
K.D.Usixki đã nói: chỉ có nhân cách mới có thể tác động đến sự phát triển và
sự xác định của nhân cách. Chỉ có bằng tính cách mới hình thành nên tính
cách.
Ở trường mầm non, thời gian học tập, vui chơi, ăn ngủ của trẻ phần lớn
gắn bó với cô giáo. Vì vậy, cô giáo mầm non đặc biệt quan trọng với trẻ mầm
non. Những thói quen, tính cách của trẻ được hình thành và phát triển trong
giai đoạn này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường giáo dục mầm non
thông qua bạn bè, các đồ dùng, đồ chơi, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp từ người
chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ dễ trở thành “bản sao” của cô giáo: giọng nói của
cô nhẹ nhàng, tình cảm trẻ sẽ học theo, cô dịu dàng hay mạnh bạo, vui tươi
hay sầu não đều ảnh hưởng đến trẻ. Bản thân các hành vi, thái độ, cách ứng
xử và ngôn ngữ hàng ngày của GVMN phải trở thành nội dung, phương tiện
sinh động đóng vai trò quan trọng trong giáo dục thường xuyên cho trẻ. Cô
giáo phải làm gương cho trẻ từ lời nói, dáng đi, cử chỉ, hành vi ở mọi lúc, mọi
nơi. Sự mẫu mực của GVMN phải được thể hiện rõ nét trong mọi hoạt động,
không chỉ mẫu mực về trí thức, mà còn đẹp cả nếp sống, hơn cả là bổn phận,
trách nhiệm, danh dự, đạo đức nghề nghiệp. Cô giáo làm gương cho trẻ từ lời
nói, dáng đi, cử chỉ, hành vi không chỉ trong giờ học mà ở mọi lúc, mọi nơi vì
trẻ có thể bắt chước bất cứ lúc nào, bất kì nơi đâu. Mỗi GVMN cần thấy rõ
trách nhiệm của mình luôn phải là tấm gương tự học, tự sáng tạo, thể hiện tâm
hồn, đạo đức, nhân cách sáng ngời. Rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề
nghiệp, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ cốt lõi để đội ngũ này
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang là “ươm mầm” những chủ nhân tương
lai của đất nước.
Thứ ba, giáo viên mầm non phải là “người bác sĩ” tận tâm vì cuộc sống
và sự tiến bộ của trẻ mầm non.
Trẻ em trong lứa tuổi mầm non đang trong giai đoạn phát triển về mọi
mặt tâm lý và sinh lý. Trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện,
sức đề kháng con yếu, các hệ cơ quan trong cơ thể dễ bị tổn thương, dễ mắc
bệnh: cảm cúm, tiêu chảy, ho, viêm họng, nôn trớ… Là lứa tuổi rất hiếu động,
trong quá trình học tập và vui chơi rất hay bị trầy xước, chảy máu, thậm chí
có thể nặng là bị tổn thương hệ xương cơ…Đặc biệt ở các lớp đông học sinh,
bên cạnh những điểm chung, mỗi cháu lại có những biểu hiện khác nhau. Vì
vậy, GVMN phải như người bác sĩ, có phương pháp chăm sóc sức khỏe, hiểu
biết về một số bệnh thường gặp ở trẻ em, biết cách sơ, cấp cứu khi cần thiết.
Quan trọng hơn đó là sự chăm sóc, thăm hỏi ân cần chu đáo, nhạy cảm để
nhận biết và phát hiện ra những dấu hiệu mệt mỏi ốm đau, những biến đổi bất
thường ở mỗi trẻ và giúp đỡ các con trong những trường hợp cần thiết, đồng
thời họ phải có sức khỏe tốt để luôn hết mình với nhiệm vụ chăm sóc đảm bảo
an toàn về sức khỏe cho trẻ em.
Thứ tư, giáo viên mầm non phải là “người nghệ sĩ” tài hoa trong giáo dục
đạo đức cho trẻ mầm non.
Công việc của người GVMN yêu cầu họ phải như một người nghệ sĩ thực
sự. Cô giáo phải có một loạt kỹ xảo, kỹ năng thực hành cần thiết. Các cô
có thể biến hóa thành những nhân vật khác nhau với sự đa dạng về tài năng, là
nghệ sĩ múa, ca sĩ, nhà biên đạo tài ba khi tổ chức các lễ hội cho các bé. Nhận
xét về đặc điểm này, A.X.Makarencô viết: “Cái mà chúng ta gọi là trình độ
cao, tri thức chắc chắn và rõ ràng, kỹ năng, nghệ thuật, sự khéo tay, ít lời và
không nói dài dòng, luôn sẵn sang làm việc đó là những cái vô cùng lôi cuốn
các em” [108, tr.189].
Để cho trẻ say sưa, bị lôi cuốn vào các câu chuyện hấp dẫn có tính giáo
dục cao, các cô phải nhập vai vào các nhân vật khác nhau trong các câu
chuyện đó – lúc này cô giáo lại trở thành người diễn viên đa tài. Giáo viên
mầm non phải là người nghệ sĩ, “là con người sinh động sống giữa những con
người sinh động…” (M.A.Ruphicova). Các cô là những người mang lại hứng
thú và phát triển cảm xúc cho trẻ. Để làm được điều đó, đòi hỏi người giáo
viên phải có những năng lực chuyên biệt như: múa, hát, vẽ, đóng kịch, kể
chuyện… đặc biệt quan trọng hơn đó là tình yêu trẻ, niềm hăng say cống hiến
với nghề. Các cô cần yêu trẻ, từ tình yêu con trẻ sinh ra tình yêu lao động sư
phạm, tình yêu đó tạo ra tài nghệ trong công tác.
Thứ năm, giáo viên mầm non phải là “người cấp dưỡng” cần cù, tận tụy,
chăm sóc trẻ mầm non.
Lao động của người GVMN không chỉ chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn có
chức năng nuôi dưỡng trẻ. Mỗi GVMN phải là một người cấp dưỡng cần cù, tận
tụy, có trách nhiệm chăm lo cho trẻ từng bữa ăn ngon, đảm bảo chế độ dinh
dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để chuẩn bị những bữa ăn đảm bảo đa
dạng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bắt mắt, hấp dẫn với các cháu, đòi hỏi các cô
phải có kiến thức về dinh dưỡng, có kỹ năng trong chế biến các món ăn, có hiểu
biết về đặc điểm thể chất, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Yêu trò như yêu con là
động lực để cô giáo – người cấp dưỡng đem tất cả niềm vui, tình thương yêu gửi
gắm vào trong từng bữa cơm, món ăn dành cho trẻ. Đó là sự cống hiến không vụ
lợi. Các cô giáo đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em
hôm nay và tầm vóc con người lao động trong tương lai.
(Trang 51 -57 )
Một phần của tài liệu
LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ THỦY