Các bước chăm sóc da mụn thâm
Da mụn thâm khiến làn da của bạn trở nên kém sắc và làm mất đi vẻ đẹp vốn có. Chăm sóc da mụn đúng cách để tránh bị thâm là mối quan tâm của nhiều chị em. Nữ giới không đơn thuần chỉ dùng các sản phẩm làm mờ vết thâm mà còn phải thay đổi lối sống để chăm sóc và cải thiện làn da.
Mục Lục
1. Các yếu tố tác động đến quá trình chăm sóc da mụn thâm
1.1. Phân loại mụn
Thông thường, mụn trứng cá được chia thành 2 loại: mụn trứng cá không viêm và mụn trứng cá viêm.
- Mụn trứng cá không viêm: Đây là loại mụn nhẹ và dễ phát hiện nhất. Thực chất, mụn trứng cá không viêm được hình thành do lỗ chân lông bị tắc và xuất hiện dưới dạng mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng. Mụn đầu đen có bề ngoài sẫm màu và có thể hơi phẳng so với da. Mụn đầu trắng là những nốt mụn nhỏ có màu da.
- Mụn trứng cá gây viêm: Bất cứ mụn nào có biểu hiện đỏ và sưng là dấu hiệu của viêm. Các nốt sần thường biến thành mụn mủ. Sau đó là mụn sâu hơn, đau hơn. Những nốt mụn viêm này thường lớn hơn mụn thông thường và có cảm giác như thể chúng nằm dưới da.
1.2. Dựa vào loại da
Để có quy trình chăm sóc da mụn thâm hiệu quả, chị em cần xác định được loại da của mình. Thông thường, da dầu thường dễ bị mụn trứng cá. Tình trạng da khô cũng có thể bị mụn. Nguyên nhân được xác định do môi trường sống hoặc thói quen chăm sóc da không tốt khiến da bị kích ứng và tắc nghẽn lỗ chân lông.
Dưới đây là cách xác định loại da:
- Đầu tiên, rửa mặt bằng sữa rửa mặt có thành phần tự nhiên. Tiếp đến bạn vỗ nhẹ cho khô và không thoa bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào.
- Vài giờ sau, kiểm tra da của bạn. Nếu da bóng tức là bạn thuộc da dầu. Ngược lại, nếu da bạn xuất hiện tình trạng bong tróc thô ráp hoặc đỏ có nghĩa bạn thuộc da khô.
- Da hỗn hợp sẽ bị khô ở má và bóng dầu ở trán, mũi và cằm (vùng chữ T).
Theo các chuyên gia, mụn trứng cá có thể xuất hiện ở bất cứ loại da nào.
1.3. Tìm sản phẩm chăm sóc da an toàn và phù hợp
Các sản phẩm dưỡng da có thể được mua tại các hiệu thuốc, đại lý bán lẻ. Các chuyên gia da liễu khuyến cáo các sản phẩm càng lành tính thì sẽ càng tốt cho lỗ chân lông. Một số thành phần nên có trong sản phẩm chăm sóc da mụn thâm như:
- Axit salicylic: Có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông và giảm viêm nhiễm. Đây thành phần lý tưởng trị mụn đầu đen, mụn đầu trắng và giúp mụn mủ biến mất nhanh hơn.
- Benzoyl peroxide tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và hoạt động tốt nhất trên mụn viêm.
- Retinoids có tác dụng tẩy tế bào chết nhằm làm thông thoáng lỗ chân lông. Đồng thời, tình trạng viêm nhiễm cũng được ngăn ngừa.
XEM THÊM: Chăm sóc da mụn: Những việc nên/ không nên làm
2. Các bước chăm sóc da mụn thâm
Thói quen chăm sóc da không phù hợp với loại da hoặc mục đích sử dụng có thể làm trầm trọng hơn các các vấn đề về da. Dưới đây là các bước chăm sóc da mụn thâm có thể hữu ích với bạn.
2.1. Chăm sóc da buổi sáng
- Bước 1: Làm sạch da: Đây là bước quan trọng trong quá trình chăm sóc da mụn thâm. Bạn nên lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp với loại da của mình.
- Bước 2: Sử dụng toner: Toner giúp loại bỏ dầu thừa – đây là yếu tố góp phần gây ra mụn. Ngoài ra, toner có thể làm sáng da.
- Bước 3: Kem dưỡng ẩm: Cho dù, bạn thuộc da khô hay da dầu thì kem dưỡng ẩm đều rất cần thiết, bởi chúng có tác dụng cấp ẩm cho làn da.
- Bước 4: Kem chống nắng: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một chút có thể cải thiện mụn trứng cá. Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc trong buồng nhuộm da sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da. Mặt khác, một số phương pháp điều trị mụn có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Do đó, sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF 30 sẽ giúp bảo vệ da.
- Bước 5:Trang điểm: Da mụn thường không được khuyến khích trang điểm nhưng đây là cách giúp chị em nhanh chóng che đi mụn và vết đỏ.
2.2. Buổi tối
- Bước 1: Tẩy trang: Nếu bạn là một người thường xuyên trang điểm hoặc phải làm việc trong môi trường bụi bẩn thì việc tẩy trang là điều cần thiết. Tẩy trang đúng cách sẽ giúp lỗ chân lông thông thoáng, nhằm mục đích làm dịu da. Một số loại sản phẩm tẩy trang còn có tác dụng dưỡng ẩm.
- Bước 2:Sữa rửa mặt: Sau một ngày dài, trên bề mặt da sẽ có rất nhiều bụi bẩn. Sữa rửa mặt sẽ giúp nhẹ nhàng loại bỏ bụi bẩn, chất nhờn.
- Bước 3: Điều trị tại chỗ: Sau khi rửa mặt, bạn cần thực hiện điều trị tại chỗ giúp các thành phần đi sâu vào trong da giúp trị mụn, mờ sẹo…
- Bước 4: Tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết một hoặc hai lần mỗi tuần để loại bỏ các tế bào da chết có thể làm tắc lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn.
- Bước 5: Đắp mặt nạ: Mặt nạ có thể giúp ngăn ngừa dầu, dưỡng ẩm cho da khô và giảm mẩn đỏ. Sử dụng tối đa 3/tuần để có kết quả tối ưu.
Nếu đã thực hiện đầy đủ các bước trên nhưng tình trạng mụn của bạn không được cải thiện thì bạn hãy đến gặp bác sĩ da liễu. Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định được loại mụn và tình trạng mụn. Theo đó, các bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc điều trị mụn như:
- Thuốc kháng sinh theo toa
- Một đợt kháng sinh uống ngắn ngày
- Retinoids tại chỗ
- Thuốc tránh thai (thuốc kết hợp) hoặc spironolactone dạng uống (được kê đơn ngoài nhãn).
XEM THÊM: Trang điểm và chăm sóc da bị mụn trứng cá
3. Ngăn ngừa mụn thâm bằng cách nào?
Một số cách ngăn ngừa mụn thâm được các chuyên gia da liễu hướng dẫn như sau:
- Không tự ý nặn, gãi, ngoáy hoặc chà xát lên mụn. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng da cũng như để lại sẹo và vết thương chậm lành.
- Tránh đeo băng đô quá chặt, mũ bóng chày và các loại mũ khác.
- Hạn chế chạm tay bẩn vào mặt
- Tránh các loại mỹ phẩm hoặc kem dưỡng không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không phù hợp với da bạn
- Không để lại lớp trang điểm qua đêm.
- Không có bằng chứng nhất quán cho thấy sôcôla, sữa,… có thể gây mụn. Tuy nhiên, nên tránh bất kỳ loại thực phẩm nào mà bạn thấy việc ăn chúng khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Tóm lại để ngăn ngừa và điều trị mụn thâm, bạn cần có sự kiên nhẫn. Bởi khi sử dụng sản phẩm trị mụn, bạn cần ít nhất 1 tháng trước khi nghĩ đến việc thử một sản phẩm mới. Để thấy được kết quả, chị em phụ nữ cần đợt thêm ít nhất 3 tháng nữa.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: ericlinic.vn, medlineplus.gov, healthline.com