Các bài tập cần tránh tuyệt đối khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Người bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng cần tuyệt đối tránh xa các bài tập mang tính gia tăng áp lực cho cột sống. Ngoài ra, với những người bệnh thường xuyên tập yoga, thì cần tránh và điều chỉnh một số tư thế ở các bài tập để phù hợp cho quá trình phục hồi bệnh.
Mục Lục
5 bài tập bạn nên tránh để cải thiện tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là tình trạng nhân nhầy ở đĩa đệm bị thoát ra ngoài, gây chèn ép dây thần kinh và khiến người bệnh gặp nhiều đau đớn. Với tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng, ngoài chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, người bệnh cần phải tránh một số bài tập sau đây để dễ dàng kiểm soát căn bệnh của mình và sớm hồi phục sức khỏe.
1. Bài tập co giãn cơ gân kheo khi đứng
Các bài tập co giãn cơ gân kheo thường được thực hiện trong quá trình tập yoga. Khi tập yoga, đối với người bị thoát vị đĩa đệm thì động tác đứng và chạm tay đến chân trong bài tập này, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Người bệnh sẽ rất dễ bị chấn thương ở vùng đĩa đệm hoặc khiến cho chất dịch trong đĩa đệm nhanh chóng bị thoát ra ngoài, gây chèn ép rễ thần kinh tủy sống. Tình trạng này xảy ra trong khoảng thời gian dài sẽ khiến người bệnh gặp phải một số tổn thương ở đĩa đệm như teo cơ, rối loạn cảm giác, đau dây thần kinh,…
Do khi thực hiện động tác, bắt buộc người tập phải cố gắng kéo dãn cơ tay chân và lưng cong. Nên vô tình đã tạo một áp lực không cần thiết lên nửa trước của đĩa đệm, gây căng cơ và tổn thương cột sống thắt lưng. Vì thế, người bị thoát vị đĩa đệm nên tránh xa bài tập này để không tạo thêm những tổn thương cho cột sống.
2. Bài tập gập lưng dưới với tạ đòn
Đối với người bị thoát vị đĩa đệm, khi thực hiện các động tác gập lưng dưới bằng tạ đòn, vùng lưng của bạn có thể sẽ tiếp tục bị tổn thương nghiêm trọng. Thậm chí ở những người không mắc bệnh thì bài tập này cũng có thể gây ra chấn thương hoặc đau cột sống.
Bài tập gập lưng thường được thực hiện bằng những thao tác cơ bản sau: Đầu tiên, bạn phải đặt tạ lên vai giống như kiểu tập squat (bài tập gánh tạ, đứng lên ngồi xuống). Sau đó, bạn phải cong người về phía hông đồng thời vai hướng về sàn nhà trong tư thế cột sống và chân vẫn duỗi thẳng.
Bởi áp lực áp đặt lên phần thắt lưng và mông quá lớn nên bài tập này thực sự không tốt cho cột sống thắt lưng. Chính vì vậy, bài tập gập lưng dưới tạ đòn không được khuyến cáo cho những người bị thoát vị đĩa đệm ở vùng lưng.
3. Bài tập deadlift
Deadlift là một dạng bài tập giúp phát triển cơ một cách toàn diện như: mông, đùi, lưng dưới, tay, cầu vai,…Đây là một bài tập không thể bỏ qua đối với những người tập thể hình, bởi nó giúp tăng cường sức khỏe và có một thể lực tốt. Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng thì hoàn toàn ngược lại.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những bài tập Deadlift đều có một lực tác động lớn đến các cơ của cơ thể. Với những người bị thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng, các bài tập này sẽ gây tác động xấu đến vùng thắt lưng. Thực tế, khi người bệnh uốn cong cơ thể về phía trước hoặc sử dụng lực để nâng một vật gì đó sẽ khiến cho vùng thắt lưng chịu một áp lực lớn. Điều này vô tình khiến cho nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài và gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.
Hơn nữa, bài tập Deadlift còn đòi hỏi người thực hiện phải áp dụng đúng cách, thực hiện đúng các kỹ thuật mới cho kết quả tốt. Nếu người bệnh cố gắng luyện tập theo các yêu cầu của bài tập thì không những bệnh không khỏi mà còn trầm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân nên thận trọng với bài tập này.
4. Tránh các tư thế uốn cong cột sống
Trong các bài tập yoga, tư thế uốn cong về phía trước được thực hiện khá phổ biến và áp dụng nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, khi bị thoát vị đĩa đệm, bạn cần tránh thực hiện tư thế này nếu muốn phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Một giáo viên yoga Iyengar cho biết, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cần tránh gập người về phía trước hông dù đứng hay ngồi. Khi thực hiện động tác này sẽ khiến cho vòng xoay của cột sống nghiêng các đốt sống về phía nhau. Điều này sẽ khiến cho hai đốt sống xung quanh đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép dây thần kinh và khiến bệnh nhân gặp nhiều đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống và khả năng phục hồi sau này.
5. Tránh các bài tập gây áp lực cho bụng
Nhà trị liệu vật lý Julie Gudmestad cùng giáo viên yoga Iyengar đã chỉ ra rằng, với những người bình thường khi luyện tập cơ bụng thì sức mạnh cơ bụng sẽ giúp bảo vệ phần lưng, giúp xương khớp dẻo dai, chắc khỏe hơn. Thế nhưng, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm chỉ tập trung vào các bài tập ở bụng có thể gây tăng chấn thương ở vùng lưng.
Thực tế, khi cơ bụng được kéo căng, cơ lưng sẽ nhanh chóng yếu dần và khối thoát vị đĩa đệm sẽ có cơ hội gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm khác cho người bệnh. Do đó, bệnh nhân nên tránh luyện tập các tư thế như bò, uốn cong phần bụng vì rất dễ gây cong vẹo cột sống.
Lời khuyên:
Mặc dù có rất nhiều bài tập không tốt cho sức khỏe của bệnh nhân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn “tẩy chay” và không luyện tập. Thực tế, có một số bài tập có thể mang lại những hữu ích thiết thực cho bệnh nhân như giúp người bệnh thoải mái, thư giãn, dễ chịu hơn. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho người bệnh.
– Áp dụng bài tập Yoga cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trong quá trình phục hồi.
– Tùy thuộc vào vị trí thoát vị đĩa đệm, bạn nên áp dụng các bài tập phù hợp nhất.
– Hãy cho giáo viên hướng dẫn của bạn biết, bạn đang mắc bệnh để họ có phương pháp hoặc bài tập riêng nhằm hỗ trợ bạn phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
– Không nên cố gắng luyện tập quá sức, điều này sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.
Trên đây là những bài tập cần tránh khi bệnh nhân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Ngoài việc tuân thủ đúng các nguyên tắc trên, người bệnh nên chú ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, luyện tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng và thường xuyên tái khám theo chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh chóng khỏi. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống gây nguy hiểm đến sức khỏe, khiến bệnh càng nặng hơn.