Ca sĩ Châu Việt Cường có phải chịu thêm tội “Tổ chức sử dụng ma túy”?
–
Thứ sáu, 08/03/2019 11:01 (GMT+7)
Ngày 7.3, TAND TP. Hà Nội xét xử bị cáo Châu Việt Cường (tên thật là Nguyễn Việt Cường, 41 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Phạm Đức Thế (38 tuổi, quê Yên Khánh, Ninh Bình) ra xét xử về tội Giết người, Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Cáo trạng truy tố cùng lời khai tại phiên tòa cho thấy, trong khoảng thời gian từ 24h00 ngày 4.3.2018 đến 10h30 ngày 5.3.2018, Cường cùng Đoàn Quý Nguyên (tức ca sĩ Nam Khang) đến chơi nhà Phạm Đức Thế thuê tại căn hộ ở phố Nguyễn Văn Ngọc, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cùng thời điểm, Nguyên gọi điện thoại rủ thêm bạn là Đ.P.A đến chơi cùng. Khoảng 3h00 cùng ngày, Đ.P.A đi cùng bạn là chị T.M.H đến nhà Thế.
Tại đây, cả nhóm đã sử dụng ma túy tổng hợp Ketamin. Sau đó, Nguyên đi về trước. Đến khoảng 8h00 sáng 5.3.2018, Cường và chị H bị ảo giác ma túy dẫn tới khóc lóc, ngồi vái lạy nhau.
Cường nghĩ chị H bị ma nhập nên chạy xuống sân tập thể, bốc một vốc tỏi mang lên ném về phía chị H đang ngồi. Sau đó, nhét 33 nhánh, củ tỏi vào trong khoang miệng, dẫn đến cô gái 20 tuổi này tử vong.
Sau phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội cơ bản giữ nguyên nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo theo 2 tội danh tương ứng.
Lý giải về việc chỉ truy tố Châu Việt Cường về tội “Giết người”, theo khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự, đại diện VKS cho rằng, ở thời điểm điểm phạm tội, bị cáo bị hạn chế về nhận thức dẫn đến hành vi tước đoạt mạng sống của bị hại.
Châu Việt Cường tại tòa.
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật TP Nà Nội – bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại cho rằng, cần phải truy tố, xét xử Châu Việt Cường về tội “Giết người”, quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Mặt khác cũng cần phải xem xét thêm tội danh “Tổ chức sử dụng ma túy” đối với Châu Việt Cường và bị cáo liên quan. Bởi hồ sơ vụ án cho thấy, sau khi đến nhà Thế, Cường lấy ma túy từ trong ví ra chia nhỏ để những người trong nhóm sử dụng.
Luật sư Thơm nói pháp luật đã nghiêm cấm việc sử dụng ma túy. Cá nhân nào sử dụng thì phải bị xử lý nghiêm minh. Hành vi sử dụng ma túy của 2 bị cáo trong vụ án là hành vi cố ý.
Theo luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình bị hại, việc đại diện VKS nhận định bị cáo Cường bị hạn chế nhận thức khi thực hiện hành vi phạm tội là không có căn cứ.
Và để bảo đảm tính khách quan, toàn diện và tránh bỏ lọt tội phạm, luật sư Nguyễn Anh Thơm đề nghị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đối đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS cho rằng, với ma túy, cần phải xác định hàm lượng. Nếu lớn mới xem xét hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
“Các bị cáo ít khi sử dụng ma túy, lượng ma túy thu được trong vụ án nhỏ nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội Tổ chức sử dụng” – đại diện VKS giữ quyền công tố kết luận.
Đồng phạm Phạm Đức Thế.
Và rồi sau 1 ngày xét xử vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội nhận định, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Cường bị ảo giác do sử dụng ma túy. Bị cáo phải chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội và đã phạm vào tội “Giết người”, theo khoản 2, Điều 123-BLHs. Theo HĐXX không đủ dấu hiệu xác định bị cáo tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo Cường thành khẩn khai báo, chấp nhận bồi thường nhưng vẫn cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Đối với bị cáo Thế thì thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Sau cùng, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đi đến quyết định tuyên phạt Nguyễn Việt Cường 13 năm tù về tội “Giết người”.
Với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy, tòa cũng áp dụng 7 năm tù đối với Phạm Đức Thế.