Cả nước thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên
Báo cáo tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức sáng 25.2 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên.
Cụ thể, thống kê trên cả nước thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT; thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT.
Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán… thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật…
Toàn cảnh phiên giải trình.
Bố trí giáo viên chưa sát nhu cầu thực tế
Nguyên nhân của việc thừa giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra là do việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương (đặc biệt là ở cấp huyện), nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vị toàn tỉnh (do giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thuộc quyền quản lý của từng quận/huyện/thị xã) cũng như chưa giải quyết tốt vấn đề sắp xếp, điều chuyển giáo viên dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục.
Việc dồn dịch, sáp nhập trường lớp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa thực hiện triệt để. Đối với cấp THCS và THPT, do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học cũng dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên ở một số môn học, nhất là đối với các tỉnh vùng khó khăn, các trường có quy mô nhỏ, số lớp ít.
Còn thiếu giáo viên là do tăng quy mô dân số hàng năm theo tỷ lệ tăng tự nhiên và bên cạnh đó tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và các tỉnh Tây Nguyên thì di dân tự do cũng là nguyên nhân dẫn đến tính trạng thiếu giáo viên. Việc huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông ra lớp tăng cao để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương chưa sát với thực tế hoặc chưa kịp thời. Những năm qua, hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế trong bối cảnh quy mô học sinh tăng. Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan và ngành Giáo dục ở một số địa phương trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên chưa chặt chẽ, thống nhất.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới (Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trước đây là môn tự chọn, môn Nghệ thuật cấp THPT là môn học mới) nên thiếu toàn bộ giáo viên để dạy các môn học này.
Các quy định về định mức học sinh/lớp và các định mức giáo viên/lớp của các bậc học đang thực hiện còn có những bất hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, vùng, miền và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một số địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên do chưa chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo; thông tin tuyển sinh chưa đầy đủ; chưa có chính sách thu hút trong tuyển dụng… nên dẫn tới thiếu nguồn khi tổ chức tuyển dụng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã thống nhất tham mưu trình Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trong năm học 2021 – 2022.
Năm học 2021 – 2022 xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên
Để giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh/thành phố có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành theo thẩm quyền các quy định về định mức giáo viên/lớp làm căn cứ để các địa phương bố trí, sắp xếp giáo viên; ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương về rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên; quan tâm dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng theo đề xuất của các địa phương. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương hàng năm.
Ngày 6.8.2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc và thống nhất tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 – 2026), trong đó năm học 2021 – 2022 xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị UBND các tỉnh/thành phố tập trung giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông; đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông./.
Theo daibieunhandan.vn