Cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp và đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trong giai đoạn 2021-2025.
Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng năm 2021, Bộ đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế, trong đó 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT và 10.000 biến chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số (không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019).
Dù cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đưa ra con số thừa hơn 10.300 giáo viên các cấp khi việc sắp xếp, bố trí giáo viên được phân cấp cho chính quyền cấp quận, huyện. Trong đó, cấp tiểu học thừa hơn 5.300, THCS gần 4.700, THPT hơn 3.100. Điều này cho thấy tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết.
Nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.
Cô Chu Thị Huyền, trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) trong tiết đọc truyện cho học sinh ở thư viện trường, sáng 19/1. Ảnh: Dương Tâm
Hôm 11/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn về việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Bộ yêu cầu địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí và có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng đủ, điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu nhằm bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Bộ cũng đưa ra một số phương án như đặt hàng các trường sư phạm để đào tạo văn bằng hai cho những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực và nguyện vọng phù hợp với nhu cầu; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp.
Những giáo viên do sức khỏe, độ tuổi hoặc do nguyên nhân khác không bảo đảm yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí việc làm từ giáo viên sang nhân viên trường học (thiết bị, thí nghiệm, thư viện,…) hoặc cho nghỉ hưu sớm theo quy định.
Ngoài vấn đề thừa, thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên không đồng đều giữa các vùng cũng là đáng quan tâm. Hiện, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 cấp mầm non là 77,8%, tiểu học 69,4%, THCS 83,3%, THPT 99,9%.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, mở mã ngành đào tạo cho môn học mới trong chương trình mới.