Cả nước thiếu gần 95.000 giáo viên

Đây là con số được Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung trong giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2021, bộ đề xuất bổ sung 30.000 biên chế cho giáo viên các cấp.

Ngày 25/8, Bộ GD&ĐT công bố báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành giáo dục.

Dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19, toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020-2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, tình trạng thiếu hụt giáo viên được đề cập trong báo cáo.

ca nuoc thieu hut 95.000 giao vien anh 1

Cả nước thiếu gần 95.000 giáo viên. Ảnh: Chí Hùng.

Cần bổ sung gần 95.000 giáo viên biên chế

Hiện nay, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên các cấp học. Con số phản ánh tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, riêng năm 2021, bộ đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Con số này không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019.

Báo cáo cho thấy, hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77.8%, tiểu học là 69.4%, THCS là 83.3%, THPT là 99.9%.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cũng không đồng đều, tạo khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (2020-2025), đồng thời tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã ban hành.

Các cơ sở đào tạo giáo viên cũng được giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, mở mã ngành đào tạo cho các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các địa phương chủ động rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để xác định số lượng biên chế giáo viên cần bổ sung cho từng cấp học; xây dựng lộ trình, các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên gắn với nâng cao hiệu quả việc tinh giản biên chế.

Căn cứ Luật Giáo dục 2019, các địa phương sẽ tính toán nhu cầu đào tạo nâng chuẩn trình độ đội ngũ giáo viên mầm non, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng.

Năm 2021, các địa phương sẽ cử 37.389 giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ, bao gồm: 9,859 giáo viên mầm non (chiếm tỷ lệ 10,96% giáo viên chưa đạt chuẩn); 17,822 giáo viên tiểu học (chiếm tỷ lệ 6,36% giáo viên chưa đạt chuẩn); 9,708 giáo viên THCS (chiếm tỷ lệ 3,86% giáo viên chưa đạt chuẩn).

Chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng do Covid-19

Bên cạnh tình trạng thiếu hụt giáo viên, các cơ sở giáo dục trên cả nước vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Cụ thể, trong năm học vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, trẻ mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi.

Các cơ sở giáo dục phổ thông phải dạy học trực tuyến, trên truyền hình, qua mạng khi thực hiện giãn cách, dẫn đến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng.

Chưa kể, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc sắp xếp lại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa được quy hoạch tổng thể và lâu dài, thiếu khả năng liên kết vùng để tạo sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương.

Theo thống kê, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17.3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.

Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường; nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương.

Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải học trực tuyến. Nhiều nơi điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền Internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Ngoài ra, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức. Việc kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng.

Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một bộ phận giáo viên còn vi phạm đạo đức nhà giáo, ngại thay đổi, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.