Cá nhân là gì? So sánh cá nhân với pháp nhân và tổ chức?
Cá nhân là một khái niệm rộng, được đề cập đến trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được xem như một chủ thể chính của các quan hệ xã hội. Trong bài viết này, Luật Minh Khuê phân tích khái niệm này dưới nhiều góc nhìn pháp lý cụ thể như sau:
Mục Lục
1. Khái niệm cá nhân được hiểu như thế nào?
Cá nhân là con người cụ thể từ khi sinh ra cho đến khi chết đi và tồn tại trong một tập thể hoặc trong một cộng đồng xã hội.
Cá nhân là chủ thể phổ biến của các giao dịch dân sự. Khi tham gia giao dịch dân sự cá nhân phải là người thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người không có năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự muốn tham gia giao dịch dân sự phải thông qua hành vì của người đại diện hợp pháp mới có giá trị pháp lí.
Trong pháp luật dân sự, cá nhân – với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự – là công dân Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch hoặc không có quốc tịch.
Như vậy, dưới góc độ pháp lý cá nhân được xem như một thực thể, một chủ thể của quan hệ pháp luật.
Dưới góc độ xã hội, theo trang wikipedia thì: Cá nhân (tiếng Anh: person) là một sinh vật (cơ thể sống), ví dụ như con người, có các năng lực và thuộc tính tạo thành nhân vị tính (personhood). Khái niệm nhân vị tính được các tác giả định nghĩa khác nhau trong các chuyên ngành và các nền văn hóa khác nhau theo không gian và thời gian.
Ngoài vấn đề nhân vị tính về việc khi nào thì một sinh vật được tính là một cá nhân, thì còn có các vấn đề khác về bản sắc cá nhân (personal identity) và tự ngã (bản thân, self). Cả hai khái niệm này đều nói về thứ mà làm cho bất cứ một cá nhân cụ thể nào là cá nhân đó chứ không phải là cá nhân khác, và nói về thứ làm cho một cá nhân tại một thời điểm sẽ chính là cá nhân đó tại thời điểm khác (trong tương lai hay trong quá khứ) dù cho có bất cứ thay đổi nào xảy ra.
2. So sánh khái niệm cá nhân, pháp nhân và tổ chức?
Khái niệm cá nhân: Như phân tích ở trên thì cá nhân là một thực thể sống được đánh dấu bằng sự kiện sinh ra (đăng ký khai sinh) và kết thúc bằng sự kiện chế đi (đăng ký khai tử. Việc hình thành nên cá nhân do nhu cầu tự nhiên (sinh con, đẻ cái), ít nhiều không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người (trừ trường hợp bị cưỡng bức, ép buộc), pháp luật các quốc gia thường nghiêm cấm, trừng trị việc hình thành cá nhân theo cách phi tự nhiên (VD: Nhân bản con người…);
Đặc tính cá nhân: Mỗi một cá nhân có những đặc tính riêng biệt, không trùng lặp và có khả năng phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác như: Vân tay, nhóm máu, họ tên, nguyên quán, trình độ học vấn, ưu nhược điểm trong tính cách, mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng. Mỗi cá nhân có những đặc điểm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản riêng biệt. Giá trị cá nhân là yếu tố cốt lõi để hình thành giá trị con người, yếu tố sinh học (khả năng nhân thức, điều kiển hành vi) là điểm tạo ra giá trị pháp lý (tư cách chủ thể của cá nhân trong các quan hệ pháp luật).
Khái niệm pháp nhân thì theo quy định tại điều 74, bộ luật dân sự năm 2015 cụ thể:
Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, pháp nhân được hình thành theo ý chí chủ quan của con người và phải đáp ứng được các điều kiện quy định trong bộ luật dân sự và các văn bản luật chuyên ngành cụ thể cho từng lĩnh vực riêng biệt. Mục đích của các pháp nhân được thành lập thường hướng đến các quan hệ tài sản. Lĩnh vực hoạt động, kinh doanh hoặc phương trâm kinh doanh là dấu hiệu nhận biết quan trọng của pháp nhân. Quyết định thành lập được đăng ký hợp pháp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là căn cứ quan trọng hình thành pháp nhân và tư cách chủ thể của pháp nhân trong các quan hệ pháp luật.
Khái niệm tổ chức được hiểu đơn giản là khi thiếu 1 trong 4 yếu tố để hình thành pháp nhân thì thường được gọi là tổ chức. Tổ chức cũng được phân loại thành nhiều dạng khác nhau căn cứ vào mục đích thành lập. Ví dụ: Tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn, tổ chức đoàn viên … Mục đích của tổ chức thường hướng đến những quan hệ phi tài sản.
Cá nhân (thuế thu nhập cá nhân) và pháp nhân (thuế thu nhập doanh nghiệp) phải nộp thuế, còn tổ chức thì thường không phải chịu thuế hoặc không phải là đối tượng chính để thu thuế.
Khi tham gia các quan hệ pháp luật thì căn cứ xác lập quan hệ pháp luật của cá nhân là chữ ký (điểm chỉ), còn đối với pháp nhân thì thường sử dụng con dấu hoặc các yếu tố khác theo quy định của pháp luật để thể hiện ý chí của mình.
3. Một số khái niệm liên quan đến cá nhân dưới góc độ pháp lý?
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
4. Năng lực dân sự của cá nhân quy định như thế nào?
Điều 16. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Điều 17. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.
2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.
3. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
Điều 18. Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.
Điều 21. Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
5. Cá nhân không tự thực hiện được giao dịch trong trường hợp nào?
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.