Ca cao – Cây trồng tiềm năng

Thứ Hai 19/08/2013 , 10:59 (GMT+7)

Từ vùng Tây Nguyên tới Đông Nam bộ xuôi về ĐBSCL dễ dàng nhìn thấy một bức tranh khá nghịch lý của người trồng ca cao, đó là trồng cây mới, chặt cây cũ.

Từ vùng Tây Nguyên tới Đông Nam bộ xuôi về ĐBSCL dễ dàng nhìn thấy một bức tranh khá nghịch lý của người trồng ca cao, đó là trồng cây mới, chặt cây cũ. Nên hay không nên trồng ca cao đang là câu hỏi được nhiều nông dân đặt ra lúc này.

Những năm qua, mô hình cây ca cao được trồng ghép trong tán điều, cà phê giúp nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập cả trăm triệu đồng, trở nên thoát nghèo và khá giả. Thế nhưng, loài cây này đang đối mặt với điệp khúc “trồng – chặt”. Nhiều ngày tiếp cận với các vườn ca cao, chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển là rất lớn, song cần sự quan tâm và đầu tư đúng mức.

Người trồng, kẻ chặt: Vì sao?

Tại thôn 4 và 6 xã Easar huyện Eakar (Đăk Lăk), ông Nguyễn Tiến Dân và ông Lê Văn Tuyến cho biết, họ đang thu hẹp diện tích ca cao để trồng cà phê. Ông Dân cho biết đã trồng 1 ha ca cao từ năm 2007 thông qua một dự án phát triển ca cao (được hỗ trợ cây giống và phân bón, kỹ thuật). Sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch với giá bán khoảng 50.000 – 65.000 đ/kg hạt khô. Tuy nhiên khoảng 2 năm nay giá giảm chỉ còn 38.000 – 45.000 đ/kg.

Do vườn không chăm bón, 1 ha hiện chỉ thu được trên dưới 1 tấn hạt, trừ mọi chi phí chỉ còn 25 – 30 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng 1 ha cà phê cho năng suất từ 3 – 4 tấn có giá xấp xỉ ca cao…

Ông Tuyến cho biết thêm, trồng ca cao đòi hỏi phải có tán che để tránh nắng và gió, do đó chỉ thích hợp trồng dưới tán điều hoặc cà phê. Nếu trồng thuần ca cao thì rất khó vì Tây Nguyên gió nhiều, việc che chắn rất khó dẫn đến tỷ lệ cây bị chết khá cao.

Thật đáng ngạc nhiên khi kế bên nhà ông Dân là vườn ca cao rất xanh tốt được trồng năm thứ 2 và đang bói rất nhiều trái đầu mùa của ông Nguyễn Văn Tư. Ông Tư cho biết mới đầu tư 1 ha ca cao. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông phấn khởi nói: “Cũng nghe nói một số hộ chặt ca cao đi nhưng tôi nghiên cứu kỹ thì rõ ràng là hiệu quả kinh tế của nó không nhỏ. Tôi trồng xen trong vườn điều được 2 năm nhưng cây cho nhiều trái lắm”.

Thăm vườn ca cao của ông Tư thấy nhiều cây đâm chồi, phát tán mạnh cho trái dày đặc, lúc lỉu từ gốc lên ngọn… Ông Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyện Earkar cho biết, vườn này sang năm sản lượng không dưới 3 tấn/ha. Ở khu vực này nhiều người đang tái trồng ca cao, cây phát triển rất tốt.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều vườn ca cao ở Earkar, bên cạnh những vườn trồng theo phong trào cho năng suất thấp thì cũng rất nhiều vườn cho sản lượng cao. Lý do mà người trồng ca cao không mặn mà là do giá cả không cao, trồng khó và thu hoạch lai rai cả năm nên không có ngay số tiền một cục. Không những vậy, vào mùa mưa ca cao cho trái thường bị bệnh, cùng với việc không chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân không đủ nên năng suất thấp.

Chúng tôi về thôn Eatung, xã Eana, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) thấy “bức tranh” cây ca cao rất tươi sáng. Tại đây, ông Hồ Văn Hiếu, chủ 1 ha ca cao cho biết đã trồng ổn định từ năm 2003 đến nay. Trước đây, 1 ha đất này cằn cỗi, bạc màu không trồng được cây gì nên quyết định trồng ca cao theo chủ trương của Cty Cà phê Krông Ana.

Sau 3 năm cây cho thu hoạch, đến nay hầu như năm nào vườn ca cao của anh Hiếu cũng cho năng suất 2,5 – 3 tấn. Vụ ca cao năm 2012 cho 3 tấn hạt bán với giá bình quân 45.000 đ/kg, trừ mọi chi phí cũng còn dư khoảng 90 triệu đồng.

Tương tự, anh Lưu Xuân Lương và nhiều hộ khác ở buôn Sê Đăng, xã Easar trồng 1 ha ca cao cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Theo anh Lương, năm đầu cây cho bói thì chỉ đạt khoảng 7 tạ hạt/ha, tuy nhiên nhờ biết chăm sóc từ năm thứ 3 trở đi vườn ca cao trồng xen điều của anh liên tục cho năng suất từ 1,7 – 2 tấn/ha đem lại thu nhập khoảng 80 triệu đồng.


Do biết kỹ thuật canh tác, ca cao của anh Lương cho thu hoạch khoảng 3 tấn/ha

Chưa tương xứng tiềm năng?

Trao đổi với PV NNVN, ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, ca cao là cây mới được đưa vào trồng và phát triển mạnh khoảng 5 – 7 năm trở lại đây. Nhận thấy đây là cây có tiềm năng kinh tế, Sở đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn bà con về kỹ thuật canh tác, vun trồng nhằm giúp họ đạt được năng suất và hiệu quả cao nhất. Theo lộ trình phát triển cây ca cao tới năm 2015, Đăk Lăk sẽ trồng khoảng 6.000 ha nhưng hiện mới đạt 2.000 ha.

Ông Bộ nhận định, nếu đánh giá cây ca cao với cây trồng khác như cà phê vào thời điểm hiện nay thì hiệu quả không bằng do giá cà phê ngang ngửa ca cao trong khi năng suất cao hơn. Tuy nhiên ca cao lại trồng được và cho năng suất cao ở những vùng đất không trồng được cà phê nếu canh tác tốt.

Nói về lý do vì sao cây ca cao vẫn chưa được người dân quan tâm thì ông Bộ cho rằng, kỹ thuật trồng ca cao là không khó tuy nhiên giá cả chưa kích thích được người dân. Hơn nữa, ca cao đòi hỏi sự đầu tư dài hạn (3 năm đầu tư mới cho thu hoạch), do đó người trồng phải có điều kiện để đeo bám, nếu không sẽ khó. Chính vì thế, tỉnh Đăk Lăk đã đưa ca cao vào nghị quyết về cây trồng phát triển bền vững đến năm 2015.

Theo đó, những vùng đất không có điều kiện trồng cây trồng hiệu quả thì sẽ trồng ca cao. Về lâu dài chúng tôi nhận định ca cao sẽ có hiệu quả nhưng đồng thời cũng cần phải có những cải tiến về giống để cho năng suất cao hơn.

Theo ghi nhận, ở Việt Nam đã có nhiều hộ trồng ca cao đạt năng suất tới 3 tấn/ha như ở huyện Krông Ana (Đăk Lăk), huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), huyện Châu Thành (Bến Tre)… Tuy nhiên, cũng dễ dàng tìm thấy nhiều hộ trồng ca cao ngay tại những khu vực này với năng suất thấp chưa đến 1 tấn/ha. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia về ca cao, chủ yếu là do các hộ này chưa đầu tư phân bón, nước tưới đầy đủ hoặc chưa áp dụng đúng kỹ thuật canh tác.

Ông Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyện Eakar cho biết, hầu hết các vườn ca cao bị chết nhiều do không có nước tưới mà thời tiết lại hạn hán ngay lúc trồng. Sau đó, vì số cây còn sống ít nông dân không bỏ công chăm sóc nên những cây còn sống hầu như cho rất ít trái.

Ông Kiên nhận định, cây ca cao có nhiềm tiềm năng để trồng xen và tăng thu nhập cho các hộ đang trồng điều, cà phê ở những khu vực có nước tưới. Đặc điểm thuận lợi của mô hình kết hợp này là cây điều, cà phê có thể che bóng cho ca cao trong giai đoạn ban đầu và chủ vườn có thu nhập từ cả 2 loại cây khi ca cao trưởng thành. Do vậy, theo tôi ca cao trồng xen cây công nghiệp sẽ là mô hình lý tưởng cần được nhân rộng để tăng hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích.

Một chuyên gia về ca cao khẳng định, nông dân không nên coi ca cao là cây dễ trồng, dễ chăm sóc mà vẫn cho năng suất cao. Cây ca cao chỉ cho năng suất cao khi được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật và đầu tư phân bón, nước tưới đầy đủ.

Ngoài ra, cần chọn đúng giống tốt, đã được cơ quan chức năng cho phép để đảm bảo cây trưởng thành sau này có khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh và cho năng suất cao, ổn định. Hiện năng suất ca cao ở Việt Nam cao hơn từ 3 – 4 lần so với ở “vương quốc ca cao” Indonesia và một số nước châu Phi.