CSR là gì? 10 ví dụ điển hình về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Theo một khảo sát từ công ty PR Edelman thì có tới 70% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những doanh nghiệp có uy tín về CSR. Vậy CSR là gì? Vì sao CSR lại có sức mạnh lớn như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về CSR trong bài viết này.
Ở các nước phát triển, CSR từ lâu đã trở thành một phong trào thực thụ. Người tiêu dùng tại các nước ở Âu – Mỹ không chỉ quan tâm tới chất lượng sản phẩm mà họ còn coi trọng sản phẩm đó có thân thiện môi trường, có nhân đạo, lành mạnh hay không.
Thậm chí, nhiều phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được phát triển mạnh. Ví dụ như phong trào tẩy chay fringe foods – thực phẩm gây béo phì, phong trào tẩy chay sản phẩm làm từ lông thú, phong trào tẩy chay sản phẩm bóc lột sức lao động trẻ em…
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR là gì?
CSR là viết tắt của cụm từ Corporate Social Responsibility nghĩa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là thuật ngữ được sử dụng trong pháp luật cũng như trong kinh doanh. Nó chỉ các chủ thể kinh tế duy trì hoạt động kinh doanh nhưng vẫn giữ được đạo đức nghề nghiệp.
Nói cách dễ hiểu hơn thì doanh nghiệp sẽ vẫn kiếm được lợi nhuận mà không làm ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của xã hội. Doanh nghiệp đặt chữ tâm lên trước và phát triển nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội.
Mỗi một doanh nghiệp có thể lựa chọn cách thức triển khai các hoạt động CSR khác nhau. Tuy nhiên, tất cả sẽ cùng hướng về mục đích theo hướng tích cho cộng đồng và xã hội.
Vai trò của CSR đối với sự phát triển của doanh nghiệp
Mục Lục
1. Tăng lợi thế cạnh tranh
Như đã nói ở phần mở đầu, có tới 70% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những công ty uy tín về CSR. Khi doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh tốt trong cộng đồng thì việc thu hút họ mua sản phẩm của bạn sẽ dễ dàng hơn.
Nhận được sự ủng hộ của đông đảo xã hội, doanh nghiệp có thể tạo được chỗ đứng vững chắc. Sự tự tin và được ủng hộ này giúp doanh nghiệp khai thác tối đa ưu thế của mình, đẩy mạnh sản xuất, phát triển và gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
2. Thu hút hợp tác đầu tư
“Buôn có bạn, bán có phường”, việc liên kết làm ăn đã trở nên quen thuộc ở thời điểm hiện tại. Khi doanh nghiệp đã có uy tín, được người dân ủng hộ thì bạn rất dễ nhận được những lời mời hợp tác, hỗ trợ vốn. Chắc chắn ai cũng sẽ muốn hợp tác với những doanh nghiệp vừa có tâm, vừa có tầm.
3. Hạn chế các sự cố liên quan đến pháp luật
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan mật thiết với luật kinh doanh và các quy chuẩn xã hội khác. Vì thế, khi doanh nghiệp đảm bảo các hoạt động về CSR thì sẽ hạn chế được những rắc rối có thể mắc phải.
Nó là một vòng tròn lặp lại, doanh nghiệp không có rắc rối, uy tín sẽ được nâng cao, khách hàng sẽ tin tưởng, đối tác sẵn sàng hợp tác. Điều này chỉ có lợi hơn cho doanh nghiệp.
4. Tăng kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên
Các hoạt động CSR có vai trò giúp các cấp lãnh đạo và nhân viên thu hẹp khoảng cách. Các cấp nhân viên đoàn kết hơn khi cùng tham gia các hoạt động có ích cho xã hội.
5. Khẳng định văn hóa doanh nghiệp
CSR đóng vai trò một đòn bẩy giúp văn hóa doanh nghiệp được khẳng định. Văn hóa doanh nghiệp là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Nó chính là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp có thể trường tồn, tăng độ trung thành của nhân viên và khách hàng với doanh nghiệp.
Các loại trách nhiệm xã hội CSR doanh nghiệp cần thực hiện
Trên thực tế, trách nhiệm xã hội sẽ có rất nhiều khía cạnh mà doanh nghiệp cần đảm bảo. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về 4 loại trách nhiệm then chốt giúp doanh nghiệp phát triển bền vững đi cùng với việc duy trì lợi ích của xã hội.
1. CSR về môi trường
Môi trường sống là điều kiện tiên quyết để cuộc sống nhân loại được duy trì. Bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động mà không bảo vệ môi trường thì sớm hay muộn đều sẽ bị tước đi “đặc ân” từ “mẹ thiên nhiên”.
Trách nhiệm xã hội về môi trường là một trách nhiệm dài lâu và cần sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp, nhà máy đang vướng phải. Hậu quả là sản phẩm của họ bị người dân lên án, tẩy chay kịch liệt khi không đảm bảo được môi trường sống xung quanh.
2. CSR về đạo đức kinh doanh
Trách nhiệm này chính là trách nhiệm nộp thuế của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đóng thuế thì nguồn tiền này sẽ được Nhà nước sử dụng cho các quỹ hỗ trợ. Đây là hoạt động bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Và hơn hết, điều này cũng được quy định cụ thể trong pháp luật. Việc không thực hiện trách nhiệm nộp thuế sẽ khiến doanh nghiệp gặp rắc rối về luật pháp và rất dễ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp.
Đạo đức kinh doanh cũng là những vấn đề về chất lượng của sản phẩm hay độ uy tín của thương hiệu. Sự hài lòng của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Khi thực hiện trách nhiệm về đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ đang thực hiện nghĩa vụ của mình mà còn đang mang tới một xã hội tốt hơn.
3. CSR về nhân công lao động
Trách nhiệm xã hội về nhân công lao động chính là việc doanh nghiệp đảm bảo đội ngũ được làm việc trong một môi trường làm việc an toàn. Ngoài ra, đó còn là mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo và đội ngũ, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp.
Vấn đề CSR này cũng là mối quan hệ của nhiều quốc gia bởi họ luôn đặt yếu tố nhân quyền làm trọng tâm trong quá trình phát triển.
4. CSR về sự tương trợ
Đây chính là những đóng góp, hỗ trợ cho cộng đồng. Không chỉ là lúc nền kinh tế suy yếu hoặc phát sinh những khó khăn như dịch bệnh, thiên tai… mà doanh nghiệp có thể đóng góp thường niên cho các quỹ phúc lợi. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể tổ chức những chương trình, sự kiện, chiến dịch mang lại những lợi ích nhất định cho xã hội.
Gợi ý một số cách truyền thông CSR hiệu quả
Việc thực hiện CSR của doanh nghiệp cần được truyền thông mạnh mẽ để cộng đồng có thể biết các giá trị đó. Một số cách thức sau được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao và các doanh nghiệp, tổ chức có thể áp dụng khi truyền thông CSR để đạt hiệu quả cao nhất.
Học tập những thương hiệu đi trước
Rất nhiều thương hiệu đã thực hiện CSR thành công và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Hãy tham khảo, nghiên cứu những case-study đó để áp dụng vào cho chính doanh nghiệp của mình.
Tất nhiên, do đặc điểm của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên bạn không thể “bê y nguyên” cách thức của người khác. Hãy dựa vào điểm mạnh, điểm yếu của mình để thay đổi các chiến lược một cách đúng đắn nhất.
Truyền tải kiến thức đến cộng đồng
Đây là cách thức được rất nhiều thương hiệu áp dụng. Cách làm này giúp gắn kết doanh nghiệp với các đối tượng khách hàng. Những kiến thức hữu ích giúp người tiêu dùng có cách sử dụng hoặc lựa chọn sản phẩm đúng đắn. Họ sẽ cảm thấy tin tưởng thương hiệu của bản và có thể ưu tiên khi có nhu cầu phát sinh.
Ví dụ: Thương hiệu của bạn kinh doanh về mỹ phẩm, bạn nên chia sẻ về cách chọn mỹ phẩm hoặc sử dụng mỹ phẩm cho đúng. Thương hiệu của bạn kinh doanh về thiết bị y tế thì có thể chia sẻ về các bài tập sức khỏe, nguyên tắc giữ sức khỏe…
Xây dựng các chính sách đãi ngộ tốt cho đội ngũ nhân viên
Để việc thực hiện CSR tốt thì cốt lõi vẫn đến từ bên trong của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng các chính sách đãi ngộ tốt cho đội ngũ nhân viên không chỉ tạo sự kết nối với nhân viên mà còn tạo được cảm tình của xã hội về chính doanh nghiệp.
Hơn nữa, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, một chia sẻ tốt từ nhân viên cũng có thể trở thành làn gió tốt lành cho doanh nghiệp và ngược lại.
Công bố CSR Report
Chính là công bố báo cáo việc thực hiện CSR của doanh nghiệp. Việc thông báo những báo cáo này sẽ giúp tạo được ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng, thúc đẩy tư duy kinh doanh hướng tới CSR. Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp duy trì lòng trung thành của khách hàng.
10 ví dụ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR ở Việt Nam và Thế giới
1. Vinamilk xây dựng Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam
Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam được thành lập từ năm 2018. Đây là một chương trình vì cộng đồng, cụ thể là hướng tới trẻ em vô cùng ý nghĩa của Vinamilk. Quỹ sữa đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trao tặng Bằng khen trong năm 2020 vì những đóng góp hiệu quả cho sức khỏe trẻ em Việt Nam.
Không chỉ vậy, Vinamilk cũng được The Global CSR Awards 2020 trao tặng giải thưởng – Doanh nghiệp có hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất tại Việt Nam.
Vinamilk đã mang tới hơn 37 triệu ly sữa cho hơn 460 ngàn trẻ em trên khắp Việt Nam, từ địa đầu Tổ quốc Hà Giang cho tới đất mũi Cà Mau. Khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm 2020, Vinamilk đã tổ chức chiến dịch online với tên gọi “Triệu ly sữa yêu thương, triệu nụ cười hạnh phúc”. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ và chia sẻ to lớn của cộng đồng.
2. Honda với chiến dịch I Love Vietnam
Chiến dịch Tôi yêu Việt Nam – I Love Vietnam đã được Honda triển khai rất thành công từ năm 2003 đến nay. Chiến dịch hướng tới mục tiêu Lái Xe An Toàn. Loạt video được Honda thực hiện và phát sóng trên đài truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực. Vào năm 2021, Honda tiếp tục khởi động chương trình Tôi yêu Việt Nam phiên bản Vui giao thông mùa 2 dành cho các bé mầm non với độ tuổi từ 3-5 tuổi.
3. Tập đoàn Tôn Hoa Sen tặng tôn cho người thiệt hại vì bão
Vào năm 2017, cơn bão số 12 – Damrey đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã quyết định trao tặng 6.100 mét tôn cho các hộ dân bị ảnh hưởng sau bão để có điều kiện sửa chữa, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.
4. OMO với chiến dịch “Lời chúc hóa hành động – Lấm bẩn mang điều hay”
Đầu năm 2021, OMO đã thực hiện chiến dịch “Lời chúc hóa hành động – Lấm bẩn mang điều hay” với những thông điệp tích cực liên quan tới môi trường và cộng đồng.
OMO cũng bắt tay với Suboi và Rhymastic tung MV Cả ngàn lời chúc để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, trồng cây xanh thay vì trao nhau lời chúc.
5. Grab với chiến dịch “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa”
Cuối tháng 7/2021, đại dịch Covid ảnh hưởng mạnh mẽ tới TP.HCM. Grab phối hợp cùng quỹ từ thiện Bông Sen triển khai một chương trình với tên “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa”. Chương trình trao tặng bữa ăn miễn phí đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn và những người lao động nghèo tại các địa điểm phong tỏa.
Giai đoạn đầu của chương trình, Grab đã trao tặng được 11.500 bữa ăn miễn phí, giúp giảm bớt gánh nặng mưu sinh cho nhiều người.
6. OCB với chiến dịch “Tiếp niềm tin nơi tuyến đầu chống dịch”
Chiến dịch Tiếp niềm tin nơi tuyến đầu chống dịch của OCB diễn ra vào tháng 7/2021. Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm ủng hộ cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Với mỗi người dùng facebook thay khung ảnh đại diện thì OCB sẽ thay người dùng đó đóng 25.000 đồng vào Quỹ Hy vọng để ủng hộ vật tư y tế cho tuyến đầu chống dịch.
Chiến dịch đã thu hút hơn 20.000 người tham gia trong chưa đầy 1 tháng. Đồng nghĩa với việc OCB đã ủng hộ 500 triệu đồng vào Quỹ Hy vọng. 500 triệu đồng này được quy đổi thành 3.000 bộ đồ bảo hộ cấp 4 và gần 8.000 khẩu trang N95.
7. Coca-Cola và CSR về bảo vệ môi trường
Nhằm bảo vệ môi trường, Coca-Cola đã thực hiện 1 phần cam kết rằng bao bì của họ có thể tái chế 100% vào năm 2025. Các chiến dịch quảng cáo ngoài trời của Coca-Cola diễn ra tại khắp Trung Âu và Đông Âu với thông điệp nhắc nhở người dân uống nước xong nhớ vứt rác đúng nơi quy định.
Kết quả nhận lại được vô cùng khả quan. Năm 2021, 85% vỏ Coke đã được thu hồi sau khi sử dụng.
8. Starbucks với chiến dịch loại bỏ ống hút nhựa
Vào năm 2018, Starbucks đã đưa ra tuyên bố loại đến năm 2020 sẽ chấm dứt việc sử dụng ống hút nhựa. Các loại ống hút nhựa sẽ được thay thế bằng ống hút giấy hoặc gỗ để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.
Không chỉ vậy, các loại ly nắp phẳng cần dùng ống hút cũng được Starbucks thay thế bằng loại nắp mà người dùng có thể uống trực tiếp mà không cần ống hút.
9. Toyota với nỗ lực trở thành “Doanh nghiệp xanh”
Toyota Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp môi trường toàn diện. Từ ước mơ xe xanh cho người Việt tới “chu trình xanh” khép kín toàn hệ thống.
Tháng 8/2020, Toyota Việt Nam đã ra mắt mẫu xe sử dụng công nghệ xăng lai điện vừa tiết kiệm nhiên liệu lại giảm thiểu mức khí xả thấp. Tại nhà máy Toyota, tất cả rác thải đều được xử lý trước khi thải ra môi trường. Năm 2021, Toyota Việt Nam đã thực hiện chương trình trồng cây xanh để hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường. 400 cây xanh và 20 thùng rác đã được Toyota cung cấp cho công viên Chu Văn An, Hà Nội.
Lời kết
Quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được các chuyên gia nhận định sẽ mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp. Trong tương lai, chắc chắn CSR sẽ còn phát triển hơn nữa. Hy vọng rằng với những thông tin này bạn đã hiểu hơn về CSR là gì và tầm quan trọng của CSR đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
– ActionCOACH CBD Firm