COVID-19 và quá trình thai sản


Cập nhật: 18:24 – 21/02/2022 | Lần xem: 9971

COVID-19 và quá trình thai sản

Một trong những mối quan tâm hiện nay ở phụ nữ có thai chính là nỗi lo về COVID-19 và những ảnh hưởng của nó đến thai kỳ. Những nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên, dựa theo những dữ liệu có sẵn, dịch tễ học, virut học, lây truyền, các triệu chứng và dấu hiệu của COVID-19 trên phụ nữ có thai gần như không có gì khác biệt so với những bệnh nhân không mang thai.

Nguy cơ mắc COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy dường như COVID-19 không làm tăng nguy cơ tiến triển nặng ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, những tai biến sản khoa (sinh non, thai suy…) có thể tăng lên nếu như thai phụ nhiễm COVID-19 vào thời điểm gần cuối thai kỳ. Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trước khi sinh và lây truyền qua sữa mẹ rất thấp, có thể khoảng 1%. Mặc dù vậy, việc phòng ngừa lây nhiễm vẫn cần đặt lên hàng đầu khi chưa biết COVID-19 có ảnh hưởng gì khác đối với sức khỏe thai nhi và thai phụ hay không. Thực hiện 5K và tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tốt nhất hiện nay.

Trẻ được da kề da với mẹ (nhiễm COVID-19) sau khi chào đời. Nguồn ảnh: Vietnamnet

 

 

Tính an toàn và hiệu quả của tiêm chủng COVID-19 trong thai kỳ?

Mặc dù còn hạn chế, tuy nhiên bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của vaccine COVID-19 trong suốt thai kỳ hiện tại ngày càng nhiều (trừ Sputnik V vì theo hướng dẫn vaccine này chống chỉ định phụ nữ mang thai và cho con bú).

– Vaccine phòng COVID-19 không làm lây nhiễm COVID-19 (kể cả ở phụ nữ có thai và thai nhi). Vì không có bất kỳ vaccine phòng COVID-19 nào có chứa virus SARS-CoV-2 còn sống; do đó không có khả năng nhân lên và gây bệnh.

– Vaccine ngừa COVID-19 không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như khả năng thụ thai của phụ nữ và khả năng sinh tinh của nam giới.

– Chưa nhận thấy có nguy cơ gia tăng sẩy thai khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay trước và trong giai đoạn đầu thai kỳ (trước 20 tuần). Bên cạnh đó, sau khoảng 13 tuần đầu thai kỳ, thai nhi đã có sự định hình và phát triển các cơ quan trong cơ thể nên việc tiêm vaccine gần như sẽ không có ảnh hưởng đến thai nhi.

– Chưa nhận thấy có sự nguy hại của vaccine cho thai phụ và thai nhi trong những tháng cuối thai kỳ.

– Tiêm chủng trong thai kỳ có thể tạo kháng thể để bảo vệ cả bà mẹ lẫn trẻ sơ sinh (kháng thể được tìm thấy trong máu dây rốn và sữa mẹ). Việc tiêm vaccine đủ liều sẽ giảm cả nguy cơ mắc COVID-19 lẫn nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19.

– Hiện tại vẫn không có dữ liệu nào về ảnh hưởng của vaccine đến phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ sơ sinh cũng như khả năng tạo sữa của mẹ.

Điều trị sản phụ và thai nhi mắc COVID-19

Hiện nay, việc điều trị cho điều trị cho sản phụ nhiễm COVID-19 chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ. Acetaminophen (Paracetamol) vẫn được khuyến cáo cho điều trị sốt và đau từ nhẹ đến trung bình và tốt nhất cần giữ độ bão hòa oxy (SpO2) ở mức trên 95%.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu vẫn đang được phát triển, tuy nhiên theo thực tiễn lâm sàng sơ bộ cho kết quả tương tự những dữ liệu quốc tế. Theo bác sĩ Hồ Viết Thắng, bệnh viện Hùng Vương, điều lo lắng nhất chính là tâm lý lo lắng, căng thẳng của sản phụ khi nhiễm COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh con. Trên thực tế, tại bệnh viện Hùng Vương, gần như tất cả những trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 đều xuất hiện rất ít các triệu chứng lâm sàng cũng như không cần chăm sóc đặc biệt, trẻ được da kề da với mẹ ngay sau khi chào đời. Những sản phụ mắc COVID-19, nếu có tình trạng sức khỏe tốt, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn có thể thực hiện chăm sóc em bé an toàn.

Bên cạnh đó, người mẹ cần thực hiện đầy đủ những phương pháp phòng ngừa trong quá trình chăm sóc bé, cụ thể:

– Người mẹ phải thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng, nước rửa tay có cồn hoặc dung dịnh rửa tay. Khi hắt hơi, lấy tay che miệng sau đó rửa sạch tay. Trước khi cho bé bú, phải rửa tay sạch sẽ, rửa núm vú bằng xà phòng và lau khô.

– Người mẹ luôn đeo khẩu trang khi chăm sóc bé, thay mới ít nhất 1 lần/ngày hoặc khi khẩu trang bị ướt, bẩn.

– Ngoài thời gian cho bé bú, hoặc dỗ dành khi bé khóc, người mẹ nên cho con nằm riêng. Có thể đặt trẻ trong nôi cách giường của mẹ 2m. “Đây là điều kiện tương đối, nhằm hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

 

Bs. Phúc Nguyên – Phòng TTGDSK/ TTYT Tân Bình

 

Nguồn:

1. Liu D, Li L, Wu X, et al: Pregnancy and perinatal outcomes of women with coronavirus disease (COVID-19) pneumonia: A preliminary analysis. Am J Roentgenol Mar 18, 1–6: 2020. doi.org/10.2214/AJR.20.23072. [Epub ahead of print].

2. Breslin N, Baptiste C, Gyamfi-Bannerman C, et al: COVID-19 infection among asymptomatic and symptomatic pregnant women: Two weeks of confirmed presentations to an affiliated pair of New York City hospitals. Am J Obstet Gynecol MFM 2020. https://doi.org/10.1016/j.ajogmf.2020.100111. [Epub ahead of print].

3. Schwartz DA: An analysis of 38 pregnant women with COVID-19, their newborn infants, and maternal-fetal transmission of SARS-CoV-2: Maternal coronavirus infections and pregnancy outcomes. Arch Pathol Lab Med Mar 17 2020. doi: 10.5858/arpa.2020-0901-SA. [Epub ahead of print].

4. Wang W, Xu Y, Gao R, et al: Detection of SARS-CoV-2 in different types of clinical specimens. JAMA Mar 11, 2020. doi: 10.1001/jama.2020.3786. [Epub ahead of print].

5. Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists, ACOG): COVID-19.

6. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention): Thai kỳ và nuôi con bằng sữa mẹ.

7. Vietnamnet: Sản phụ F0 làm thế nào để chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ an toàn?