CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM TRƯỜNG MẦM …
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Trường mầm non có nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi để trẻ phát triển một cách toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Tuy nhiên không thể coi trường mầm non là nơi duy nhất đảm bảo hoàn toàn quá trình giáo dục cho trẻ, bởi vì hàng ngày trẻ chỉ ở trường mầm non với một thời gian nhất định, còn lại trẻ sống ở gia đình và chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của môi trường giáo dục gia đình. Do đó để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non, không những phải làm tốt công tác giáo dục trong nhà trường mà còn phải kết hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Luật giáo dục 2019 quy định: “Nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học”.
Ba nhân tố: Gia đình, nhà trường và xã hội đều mang một vai trò riêng nhất định. Đó là:
– Gia đình là tế bào của xã hội, nền tảng của mỗi quốc gia và là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, đồng thời cũng là kim chỉ nam để tránh những nhận thức lệch lạc từ phía phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ.
– Nhà trường là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, không chỉ phát triển về kiến thức mà còn phải truyền tải cho trẻ những giá trị chuẩn mục của xã hội để trẻ trở thành những chủ nhân tương lai, những con người tri thức thật sự có đời sống tinh thần phong phú bên cạnh cuộc sống gia đình.
– Xã hội là môi trường thực tế, giúp trẻ hoàn thiện một số kỹ năng cuộc sống, chi phối một phần rất lớn trong suy nghĩ và hành động của trẻ.
Vì vậy sự phối hợp của ba nhân tố trên là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách ở học sinh. Giống như chiếc kiềng ba chân, đơn giản nhưng lại vững chắc và không thể thiếu bất kỳ chân nào.
Vậy nên việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ là việc làm vô cùng quan trọng, không chỉ thực hiện trong thời gian ngắn hay một giai đoạn nào đó của quá trình chăm sóc giáo dục trẻ mà là nhiệm vụ lâu dài và phải thực hiện một cách nghiêm túc nhằm xây dựng một mối quan hệ bền vững sao cho tất cả những lực lượng này đều nhận ra được lợi ích của hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ và từ đó có động lực để phối hợp với nhau.
Trong thực tế hiện nay cho thấy trường nào có chất lượng chăm sóc giáo dục tốt hơn thì nơi đó có mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội gắn bó, thường xuyên có sự kết hợp chặt chẽ thống nhất 3 môi trường giáo dục trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.
Với trường mầm non Thụy Tân trong những năm qua, nhà trường luôn xác định được tầm quan trọng cũng như vai trò, vị trí của công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhà trường đã xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, từng bước đưa chất lượng nhà trường ngày một nâng cao, vị thế nhà trường ngày một phát triển. Một số giải pháp mà nhà trường đã thực hiện nhằm làm tốt công tác ba phối mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Cụ thể như sau:
1. Nâng cao nhận thức về vai trò vị trí bậc học mầm non cho đội ngũ giáo viên, đoàn thể và cộng đồng.
Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh, của Huyện về chính sách phát triển giáo dục Mầm non, Kế hoạch thực hiện đề án phát triển gáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 trên địa bàn huyện Thái Thụy… Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ giáo viên, nhân viên gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua việc học tập các Nghị quyết, cán bộ giáo viên, nhân viên đã nhận thức sâu sắc quan điểm chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục Mầm non, đồng thời thấy rõ vị trí, nhiệm vụ quan trọng của bậc học mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục Mầm non hiện nay.
Xây dựng kỷ cương, nề nếp nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục khoa học lành mạnh phù hợp với giáo dục Mầm non. Tập trung nâng cao chất lượng toàn diện, thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Tăng cường công tác Đảng trong nhà trường, lấy Chi bộ Đảng là hạt nhân chính trị giúp đội ngũ giáo viên, nhân viên nắm bắt nhanh nhất các quan điểm của Đảng về giáo dục mầm non đồng thời giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ. Nâng cao hiệu quả làm việc của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên; Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thực hiện cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất với phương châm “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Khi cán bộ, giáo viên, nhân viên hiểu, nhận thức rõ vai trò của mình thì chính họ là những tuyên truyền viên tốt nhất tới phụ huynh học sinh, cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó nâng cao trách nhiệm cho mỗi cá nhân và tập thể trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
2. Xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền; tổ chức các hoạt động triển khai kế hoạch, nội dung tuyên truyền.
* Đối với lãnh đạo nhà trường.
Ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức tuyên truyền cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương. Tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, thông qua các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng, cơ sở vật chất, công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các các cuộc vận động, các chuyên đề, tập trung nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn. Ký cam kết giữa nhà trường và Công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học
Phối hợp tốt với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức thành công hội nghị phụ huynh toàn trường (do Ban đại diện cha mẹ học sinh và Ban giám hiệu chủ trì) và nhóm, lớp một năm 3 lần để phụ huynh cùng nắm được những kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm và kết quả đạt được của nhà trường đồng thời cùng đánh giá, chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục cho năm học tới.
Xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, bàn bạc các vấn đề liên quan đến các hoạt động của nhà trường tối thiểu 4 lần/năm trong đó có nội dung hoạt động đã thỏa thuận theo yêu cầu của phụ huynh thông qua hội nghị phụ huynh toàn trường đầu năm cuối học kỳ và tổng kết năm học. Thông báo về các khoản thu theo quy định, các nguồn huy động từ xã hội hóa, các hoạt động của trẻ có phụ huynh tham gia trong năm học (quyên góp nguyên vật liệu có sẵn địa phương, tham gia các hoạt động tại lớp…), các nghĩa vụ mà phụ huynh phải thực hiện và phối hợp.
Công khai quỹ xã hội hóa giáo dục trước hội nghị phụ huynh toàn trường và báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân xã. Đặt bảng nội quy nhà trường tại trung tâm tại cổng để phụ huynh dễ quan sát. Thành lập các ban: Vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn tai nạn thương tích, vệ sinh môi trường, Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, Ban chỉ đạo công tác y tế trường học có sự tham gia phối hợp của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động của nhà trường qua việc trao đổi với đoàn thể, phụ huynh và nhân dân để duy trì hoặc điều chỉnh những nội dung cần thiết.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, động viên, khích lệ kịp thời, làm tốt công tác khen thưởng, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
* Đối với giáo viên đứng lớp.
Sự giao tiếp giữa giáo viên với phụ huynh là sợi giây gắn kết hiệu quả trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Bình thường các vấn đề nảy sinh giữa nhà trường và gia đình có thể tránh được nếu có sự giao tiếp hợp lý, khéo léo của giáo viên.Vì vậy ngoài nhiệm vụ chuyên môn giáo viên cần phải có kỹ năng giao tiếp với phụ huynh. Giáo viên không chỉ là người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mà còn phải đảm nhận vai trò một nhà tư vấn giáo dục cho phụ huynh trong suốt quá trình trẻ đến lớp.
Giao bộ phận chuyên môn chỉ đạo các nhóm, lớp xây dựng góc tuyên truyền của lớp học: 100% các lớp đều có góc tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú hấp dẫn. Đó là: Tuyên truyền về kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ, thực đơn hàng ngày của trẻ, các hoạt động trong một ngày ở trường của trẻ, các sản phẩm của trẻ tạo được, các câu chuyện bài thơ cần giáo dục trẻ…
3. Tạo điều kiện để gia đình có thể tham gia vào nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục của nhà trường.
Để phụ huynh thấy rõ được vai trò của hoạt động chăm sóc, giáo dục ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ, thấy được sự tiến bộ của trẻ qua từng ngày thì giáo viên chủ nhiệm lớp cần tạo điều kiện để phụ huynh tham gia, phối hợp trực tiếp vào nhiều hoạt động khác nhau như:
– Trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ: Tham gia tổ chức cân đo, khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe của trẻ theo định kỳ. Qua đó, giáo viên và cha mẹ cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ, tuyên truyền cách phòng các bệnh thường gặp ở trẻ, trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe cũng như cách phòng chống béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nhà trường phối hợp với phụ huynh cùng tìm các nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo để hợp đồng. Hàng ngày, mời các bậc phụ huynh thay phiên nhận thực phẩm cùng nhà trường vào các buổi sáng để giám sát việc giao nhận thực phẩm được đảm bảo theo hợp đồng thực phẩm đã ký kết, mời phụ huynh có thể tham gia vào công tác nấu ăn cho trẻ, dự giờ ăn của trẻ để góp ý kiến cho bữa ăn của trẻ hàng ngày được phong phú, hấp dẫn và chất lượng…
– Nhà trường công khai tài chính nuôi ăn và thục đơn hàng ngày của cô và của trẻ trên bảng công khai đặt tại cổng ra vào, khuyến khích phụ huynh thường xuyên giám sát theo dõi để nắm bắt giá cả, thực đơn có phù hợp với thực tế để có ý kiến đóng góp với nhà trường.
– Phụ huynh cùng tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, của nhóm/lớp, cụ thể là trong buổi họp phụ huynh đầu năm giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ triển khai chương trình giáo dục cơ bản của năm học, các mục tiêu, nội dung dự kiến sẽ thực hiện, từ đó phụ huynh sẽ đóng góp ý kiến xây dựng chương trình giáo dục phù hợp nhất với đặc điểm của từng nhóm, lớp.
– Phối hợp thực hiện chương trình giáo dục trẻ: phụ huynh có thể tham gia vào các hoạt động thực hiện các nội dung giáo dục trẻ phù hợp với chương trình như: hoạt động trải nghiệm, tổ chức ngày Hội, lễ “Khai giảng năm học mới”, “ngày hội trăng rằm”, “Xuân yêu thương, tết sum vầy”, “Ngày hội văn nghệ – thể thao”, “Ngày vui của bà, của mẹ”, “Tiệc buffet” tổ chức ngày sinh nhật cho trẻ…
Nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức Tết sum vầy cho trẻ
Nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức sinh nhật và ngày tết trung thu cho trẻ
– Ngoài ra, phụ huynh phải trao đổi với giáo viên tại nhóm lớp những đặc điểm riêng của con mình như thói quen ăn uống, sức khỏe, cá tính… để giáo viên có biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp.
– Phụ huynh còn có thể đóng góp ý kiến về các mặt khác nhau như: môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi của nhóm/ lớp hay thái độ, tác phong, hành vi ứng xử của giáo viên và nhân viên trong trường với trẻ và phụ huynh.
– Phụ huynh phối hợp kiểm tra đánh giá công tác chăm sóc – giáo dục trẻ của trường/lớp: Các bậc phụ huynh theo dõi để phát hiện những tiến bộ, thay đổi, những biểu hiện bất thường… của trẻ diễn ra hằng ngày, trao đổi kịp thời để giáo viên có sự điều chỉnh trong nội dung và phương pháp chăm sóc – giáo dục trẻ.
– Nhà trường huy động gia đình cùng tham gia xây dựng cơ sở vật chất nhà trường: Nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh tham gia lao động vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Góp phần cải tạo môi trường giáo dục của trường, lớp, ủng hộ các nguyên vật liệu cho trẻ thực hành, trải nghiệm…
Để công tác tuyên truyền, phối hợp đạt được hiệu quả cao nhất, nhà trường, nhóm lớp đã phối hợp với gia đình thông qua các hình thức như: Thông qua bảng tuyên truyền tại nhóm lớp; Trao đổi trực tiếp với giáo viên tại nhóm lớp qua các giờ đón, trả trẻ hàng ngày; Họp phụ huynh định kì; Trao đổi qua nhóm Zalo của lớp hoặc theo dõi trên Website, Fanpage của nhà trường; Gọi điện trao đổi; Trao đổi qua sổ liên lạc của trẻ; Phối hợp tổ chức các ngày Hội, lễ cho trẻ; Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, Đài truyền hình…
Các nhóm lớp trong nhà trường đều thành lập nhóm của lớp trên Zalo, thông qua đó các cô có thể tuyên truyền các hoạt động hàng ngày của trẻ, gửi thông báo đến các bậc phụ huynh, gửi các video để phụ huynh phối hợp cùng chăm sóc, giáo dục trẻ.
4. Phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể trong công tác tham mưu, phối hợp:
– Nhà trường thực hiện chế độ thông tin báo cáo với chính quyền địa phương về chất lượng giáo dục hàng năm.
– Nhà trường có trách nhiệm tham mưu với các cấp Đảng ủy xã đưa các nội dung của hoạt động giáo dục vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
– Nhà trường tham gia đầy đủ các cuộc vận động, các phong trào của địa phương phát động, đồng thời tham mưu cùng chính quyền địa phương để khen thưởng kịp thời những cán bộ, giáo viên có thành tích nổi bật trong năm học, động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
– Nhà trường tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về việc tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường, về chỉ tiêu huy động trẻ trong độ tuổi đến trường.
– Nhà trường phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ; phối hợp với trạm y tế chăm sóc sức khỏe, công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác xử trí ban đầu các bệnh thường gặp, các tai nạn xảy ra trong nhà trường…; Hướng dẫn các bậc cha mẹ phòng chống một số bệnh thường gặp ở trẻ em: Các bệnh về hô hấp, còi xương, suy dinh dưỡng, tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi… Phối hợp xử lí khi có các dịch bệnh xảy ra ở trường.
Nhà trường phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
– Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp tốt với các tổ chức khác như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để tạo thành một lực lượng hùng hậu, rộng khắp ủng hộ tích cực cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường.
Đoàn thanh niên tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ngày tết Trung thu
Từ những giải pháp mà nhà trường đã thực hiện như đã nêu trên, trong những năm qua, nhà trường đạt được kết quả đáng trân trọng:
– Xây dựng một mối quan hệ gắn kết và bền vững giữa gia đình và nhà trường và xã hội, tạo niềm tin và sự an tâm của phụ huynh đối với nhà trường, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường trong bậc học mầm non huyện nhà.
– Việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trẻ giúp giảm tải được thời gian, công sức của giáo viên trong hoạt động chuẩn bị học liệu cho các hoạt động dạy trẻ mà vẫn thu hút được sự hứng thú của trẻ vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
– Phụ huynh không được có tư tưởng “khoán trắng” cho nhà trường trong công tác giáo dục trẻ.
– Kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ đạt khá cao: 97 % trẻ sức khỏe bình thường; kết quả giáo dục của 5 lĩnh vực phát triển đều đạt bình quân 95%. Không có trẻ béo phì. Trẻ suy dinh dưỡng dưới 4%/năm.
– Khi thấy phụ huynh nhiệt tình quan tâm đến việc học tập của con em mình, giáo viên hào hứng, phấn khởi và nhiệt huyết, yêu nghề, có động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
– CBQL nhà trường đều được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 100% giáo viên tham gia Hội thi và đạt GV dạy giỏi cấp huyện; trường tham gia Hội thi STKH-CN&KT tỉnh Thái Bình đạt giải khuyến khích. Trong 2 năm học 2019-2020, 2020-2021 nhà trường đều được Chủ tịch UBND Tỉnh tặng bằng khen.
Những thành tích đạt được đó, bên cạnh sự hội tụ những nổ lực, đồng sức, đồng lòng cùng cố gắng của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, là sự tin tưởng, chỉ đạo đúng hướng của Phòng GD&ĐT, sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Phụ huynh học sinh với nhà trường. Và điều đó cũng khẳng định rằng: Công tác phối hợp 3 môi trường trong trương mầm non Thụy Tân luôn gắn bó chặt chẽ, thống nhất và thường xuyên trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tóm lại, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc chăm sóc giáo dục trẻ đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ, tránh sự tách rời mâu thuẫn, vô hiệu hóa lẫn nhau gây cho trẻ em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách. Sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân hữu ích cho đất nước.
Tác giả: Phạm Thị Hòa