CÔNG TÁC BẢO TRỢ XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy phương châm hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hướng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đường hướng hoạt động này phù hợp với đường hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hai đều hướng đến một mục tiêu chung: phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phật giáo không phải là một tôn giáo đứng trên cao để người ta nhìn lên, mà Phật giáo với tinh thần nhập thế sâu sắc đã cụ thể hóa đường hướng hoạt động của mình bằng những việc làm cụ thể, luôn ủng hộ, thực hiện mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chương trình, chính sách và dành nhiều nguồn lực chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội. Trên tinh thần đó, Phật giáo Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái” của dân tộc, tổ chức nhiều mô hình, hình thức trợ giúp đối với những nhóm dân cư yếu thế, bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần cùng với Đảng và Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hay nói cách khác, Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia vào công tác bảo trợ xã hội.
1. Khái niệm bảo trợ xã hội
Theo từ điển Tiếng Việt cụm từ “Bảo trợ” có nghĩa là giúp đỡ cho tổ chức hoặc cá nhân có khó khăn về vật chất trong cuộc sống. Bảo trợ xã hội là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội, cộng đồng bằng những biện pháp và các hình thức khác nhau đối với các đối tượng bị lâm vào cảnh rủi ro, bất hạn, nghèo đói… vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cho cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình, nhằm giúp họ tránh được mối đe dọa của cuộc sống thường nhật hoặc giúp họ vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Ngay từ khi ra đời cho đến nay, an sinh xã hội nói chung và bảo trợ xã hội nói riêng đã được đón nhận như một sự đảm bảo cho cuộc sống và đặc biệt có ý nghĩa đối với một bộ phận thành viên xã hội, bộ phận “người yếu thế”. Là sự bảo vệ phổ cập và đồng nhất đối với mọi thành viên xã hội trên cơ sở sự tương trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro, bảo trợ xã hội là hoạt động mang đậm tính nhân đạo, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật. Bảo trợ xã hội là việc làm giàu ý nghĩa nhân văn, đem lại hiệu quả thiết thực, cần được khuyến khích phát huy.
Theo nghị định Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì một trong ba nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội là “Khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ đối tượng bảo trợ xã hội”. Và Đảng và Nhà nước ta cũng xác định, các tổ chức tôn giáo với những ưu việt nhất định không thể phụ nhận về giá trị đạo đức là một nguồn lực to lớn của công tác bảo trợ xã hội. Trong số đó, Phật giáo là một tôn giáo lớn, được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, hiện nay ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất
và với triết lý của vì con người, mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc trong an lạc rất gần với lý tưởng của Đảng vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân thì Phật giáo là một nguồn lực lớn.
2. Tinh thần bảo trợ xã hội thể hiện trong giáo lý Phật giáo
Tinh thần bảo trợ xã hội trong Phật giáo xuất phát từ giáo lý Phật giáo luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái, được định hướng bởi nguyên lý “Đạo pháp bất ly thế gian giác”, và “phụng sự chúng sinh chính là cúng dường chư Phật”. Giáo lý Phật giáo quan niệm con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xả (tứ vô lượng tâm). Trong sáu hạnh của Bồ tát, hạnh Bố thí cũng được đưa lên hàng đầu, là một đức hạnh tối quan trọng trong cách thức tu tập. Trong quan niệm của Phật giáo, những việc tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống an bình. Kinh nhà Phật luôn nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện lòng nhân ái của mình với người khác. Hoạt động từ thiện – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một phương thức thể hiện chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Không chỉ là sự giúp đỡ, bù đắp con người về mặt tinh thần, mà còn bằng những hành động mang tính thực tiễn, thiết thực, cụ thể, hỗ trợ “những người yếu thế” được đảm bảo những điều kiện sống cơ bản: như nhà cửa để ở, đồ ăn thức uống để chống đói, quần áo để mặc, trường để học, bệnh viện để chữa bệnh… Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng hành cùng Nhà nước và các tổ chức khác trong các hoạt động từ thiện – xã hội để hỗ trợ người dân, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội của nước ta, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
3. Thực trạng công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay
Về tình hình các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề của các tôn giáo, theo thống kê, hiện nay cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng BTXH với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 01 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội. Các cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều loại đối tượng khác nhau. Có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo trong tổng số 1998 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 2 trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.000 người. Các cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo đã thu hút nhiều người đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động.
Trên đây là con số thống kê công tác bảo trợ xã hội của các tôn giáo nói chung. Trong tổng số đó, Phật giáo chiếm một phần tương đối lớn. Theo báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự năm 2015 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “Trên tinh thần trách nhiệm ưu đời mẫn thế của người con Phật, các lớp học tình thương, trường mẫu giáo, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ bị nhiễm HIV, trung tâm dưỡng lão, trường dạy nghề… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tây Ninh, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Đắk Lăk, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật: 1.736 em
Trung tâm nuôi dưỡng người già: 1.459 cụ già
Trường mẫu giáo: 1.849 em
Trường dạy nghề: 450 em
Trung tâm tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV: 08 cơ sở”
Công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo thực sự có ý nghĩa to lớn về cả phía Phật giáo và phía xã hội. Đối với Phật giáo là phương thức thực hiện chức năng xã hội Phật giáo, là biểu hiện của việc thực hành giáo lý nhà Phật trong thực tiễn đời sống xã hội. Về phía xã hội, công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo là sự nguồn lực to lớn góp phần chung tay với cộng đồng san sẻ, giải quyết những vấn đề khó khăn của thực tiễn cuộc sống, cùng hướng đến mục tiêu ổn định đời sống, an sinh xã hội, phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Nhìn chung, các các trung tâm bảo trợ xã hội của Phật giáo đã và đang hoạt động khá hiệu quả, đem lại nhiều giá trị, ý nghĩa thực tiễn nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn ở các vấn đề chính: nguồn lực cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, nguồn lực con người. Nếu như khắc phục được những khó khăn này, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ của Phật giáo hiện nay.
Thứ nhất, nguồn lực cơ sở vật chất
Hiện nay, với quy mô nhỏ lại mang tính tự phát, những cơ sở bảo trợ xã hội Phật giáo thường nằm trong khuôn viên các ngôi chùa, được nhà chùa xây dựng, là nơi sẵn sàng, đón nhận, cưu mang những hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế vì chưa thực sự được đầu tư. Hơn nữa, lượng người tìm đến với các trung tâm bảo trợ xã hội của Phật giáo ngày càng đông với tâm lý nương nhờ cửa Phật, tìm sự che chở về vật chất, tinh thần nơi cửa Phật từ bi, trong khi đó cơ sở vật chất vẫn không thể được mở rộng dẫn đến tình trạng quá tải. Hơn nữa, trong số những hoàn cảnh tại các trung tâm bảo trợ xã hội, có những đối tượng mắc các bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt với các trang thiết bị y tế hiện đại… nên gây ra rất nhiều khó khăn đối với các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong một điều tra phỏng vấn sâu của chúng tôi tại một cơ sở bảo trợ xã hội lớn của Phật giáo ở Hà Nội, người quản lý cho biết: “Nhà chùa đã rất vất vả trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay là một quá trình dài nỗ lực, từng bước một. Trước đây, có thời điểm các cháu rất đông nhưng cơ sở vật chất thì không đáp ứng được khiến cho mọi sinh hoạt đều rất khó khăn”
Thứ hai, nguồn lực kinh phí
Nguồn lực kinh phí duy trì công tác bảo trợ xã hội Phật giáo chưa thực sự chủ động, đều đặn. Phật giáo là một tôn giáo không chủ trương làm kinh tế, nên nguồn kinh phí duy trì mọi hoạt động vẫn chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các tấm lòng hảo tâm, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp bằng tiền mặt, bằng vật phẩm… Sự đóng góp, cúng dường của các Phật tử đem lại nguồn kinh phí rất lớn, tuy nhiên không thật sự mang tính chủ động và thường xuyên, đều đặn lại bị chi phối bởi nhiều điều kiện khách quan. Hơn nữa, vì chưa thực sự có kiến thức chuyên sâu về công tác bảo trợ xã hội, chưa được đào tạo bài bản, số đông những người con Phật vẫn làm công tác bảo trợ xã hội theo tính “bản năng”, xuất phát từ tấm lòng từ bi, độ lượng nên chưa thực sự có kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả.
Thứ ba, nguồn lực con người
Mặc dù với tấm lòng từ bi bao la của Phật pháp, lực lượng Tăng Ni luôn sẵn sàng tham gia vào mọi hoạt động nhằm giúp đỡ người khác với phương châm “phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”, các Phật tử cũng tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo. Những tấm gương người tốt việc tốt đó đã thật sự lan tỏa ra cộng đồng, thu hút rất nhiều đối tượng tham gia cùng: các nhóm sinh viên thiện nguyện, các nhóm làm từ thiện… cũng thường xuyên đến các cơ sở bảo trợ xã hội tham gia trực tiếp vào các công việc cụ thể: chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, dạy học cho trẻ em,… Tuy nhiên cần chỉ ra rằng nguồn lực con người tham gia vào công tác bảo trợ xã hội Phật giáo còn hạn chế về số lượng, đội ngũ thường xuyên, chủ chốt tham gia chưa thật sự đông đảo, vẫn chủ yếu là mang tính “thời vụ”, “chốc lát”, các đối tượng tham gia chủ yếu vào các dịp có các ngày lễ quan trọng trong lịch Phật giáo như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan,… hay các dịp mùa hè, các phong trào hoạt động ngoại khóa của các tổ chức xã hội phát động…
Và quan trọng hơn sự khó khăn về số lượng là sự khó khăn về chất lượng. Đội ngũ tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội chưa được đào tạo bài bản, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Chính điều đó đã làm hạn chế rất nhiều chất lượng của công tác bảo trợ xã hội Phật giáo hiện nay. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tổ chức những lớp huấn luyện, đào tạo ngắn hạn các nghiệp vụ như chăm sóc y tế sơ cấp,… và cũng cử người đi học, tham gia các khóa đào tạo khác của các tổ chức xã hội tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa làm thay đổi căn bản được diện mạo công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo hiện nay.
4. Các giải pháp, kiến nghị
Với những khó khăn ở ba vấn đề chính như trên, bài viết xin đưa ra những giải pháp và khuyến nghị nhằm giải quyết các khó khăn:
Thứ nhất, đối với nguồn lực cơ sở vật chất.
Để công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo đạt được hiệu qua cao hơn nữa, rất cần sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương về mọi mặt. Trước tiên về cơ sở vật chất, về vấn đề này, Hòa Thượng Thích Quảng Tùng đã từng đưa ra đề nghị “Nhà nước hỗ trợ mặt bằng để Giáo hội tổ chức thành công cơ sở có quy mô lớn nuôi dưỡng các cụ già neo đơn và các cháu mồ côi” . Phật giáo Việt Nam cần tập trung nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội khác, tập trung xây dựng những khu nuôi dạy trẻ mồ côi, các cụ già neo đơn, các trường tình thương,… có quy mô lớn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, mua sắm các trang thiết bị cần thiết… thay vì các cơ sở lẻ tẻ, tự phát như hiện nay. Chỉ có như vậy, công tác bảo trợ xã hội mới có hiệu qua cao, công tác quản lý mới chặt chẽ.
Thứ hai, về nguồn lực kinh phí
.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban từ thiện xã hội cần có lộ trình cụ thể cho công tác từ thiện nói chung, công tác bảo trợ xã hội nói riêng theo từng giai đoạn cụ thể. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn kinh phí huy động được, cần có sự đầu tư trọng điểm vào các mô hình công tác từ thiện điển hình, mang lại hiệu quả lớn, có tính lâu dài như: các mô hình bảo trợ xã hội, xây dựng các lớp dạy nghề, xây dựng các công trình an sinh xã hội: cầu, đường, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa… Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần chủ động hơn nữa về vấn đề nguồn lực tài chính: “Phật giáo muốn công tác từ thiện xã hội có hiệu quả cần phải thay đổi tư duy trong cách làm từ thiện, từ đó thay đổi phương thức, nâng cao nghiệp vụ công tác xã hội và phải chủ động nguồn quỹ”.
Thứ ba, về nguồn lực con người.
Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia công tác bảo trợ xã hội là phương pháp căn bản nhất để thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng công tác bảo trợ xã hội của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ sở đào tạo có chuyên môn, trình độ cao trong lĩnh vực bảo trợ xã hội để tổ chức những lớp đào tạo cho các Tăng, Ni phụ trách, tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội. Từ những lớp đào tạo nguồn đó, tiếp tục phân nhánh, tổ chức tiếp các khóa đào tạo dành cho các đối tượng Phật tử, tình nguyện viên… tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội để mọi người đều có những kiến thức cơ bản nhất định trong các hoạt động bảo trợ xã hội như kỹ năng nghiệp vụ sư phạm trong dạy học, kỹ năng nuôi, chăm sóc trẻ, kỹ năng chăm sóc người già, kỹ năng chăm sóc trẻ mắc những căn bệnh có nhiều đặc thù… Và một điều rất quan trọng, những người làm công tác từ thiện, công tác bảo trợ xã hội cần nắm được tâm tư, nguyện vọng, tâm lý của đối tượng bảo trợ xã hội để không chỉ cho, bù đắp cho họ những thiếu thốn về vật chất mà còn xoa dịu, động viên họ những nỗi đau về tinh thần. Chỉ có như vậy, cuộc sống của họ mới được vẹn toàn, công tác từ thiện, bảo trợ xã hội mới thực sự có ý nghĩa.
Phật giáo Việt Nam với lịch sử hơn hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc. Thời kỳ nào, Phật giáo cũng hết lòng phụng sự dân tộc, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân. Khi đất nước bị xâm lăng, Phật giáo cũng xông pha trên mọi mặt trận, cùng nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Khi đất nước bình yên, Phật giáo lại âm thầm đi vào mọi ngõ ngách của đời sống, len lỏi vào những nơi khó khăn nhất, nghèo đói nhất, đến với những hoàn cảnh bi thương nhất để giúp đỡ người những “người yếu thế”, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Là một phần của văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Phật giáo luôn tự ý thức phần trách nhiệm của mình, tự nguyện kề vai san sẻ những khó khăn của nhân dân, đất nước. Tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo đã thực sự trở thành làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, hòa quyện với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt trở thành một nguồn sức mạnh to lớn cố kết cộng đồng người Việt. Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO