[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định môn Luật tố tụng hành chính
Tuyển tập Câu nhận định môn Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Câu hỏi bán trắc nghiệm) có đáp án tham khảo được cập nhật liên tục. Bạn có câu nhận định nào cần hỏi, vui lòng để lại bình luận phía cuối bài viết để được giải đáp nhé!
Phần: Khái quát về ngành Luật Tố tụng hành chính Việt Nam
Nhận định 1
Khi xét xử sơ thẩm, nếu đương sự vắng mặt, tòa án phải hoãn phiên tòa.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Vẫn có các trường hợp đương sự vắng mặt, Tòa án vẫn tiến hành xét xử. Theo đó, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
- Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
- Người khởi kiện, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
- Trường hợp quy định tại điểm b điểm d khoản 2 Điều 157 Luật Tố tụng hành chính 2015 (Đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ) và điểm d khoản 2 Điều 157 của Luật Tố tụng hành chính 2015 (Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ).
Cơ sở pháp lý: Điều 158 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 2
Người khởi kiện bao giờ cũng là cá nhân cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Có các trường hợp người khởi kiện, không hề bị xâm hại, vì họ chỉ là đại diện cho người khác. Ví dụ: Trường hợp đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 3
Việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng chỉ được Tòa chấp nhận ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào. Điều này được quy định trực tiếp tại khoản 6 Điều 59 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính.
Cơ sở pháp lý: Khoản 6 Điều 59 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 4
Khi được Tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án, cá nhân, tổ chức được yêu cầu dù cung cấp hay không cũng phải trả lời Tòa án bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát theo quy định của Luật này khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết.
Cơ sở pháp lý: Điều 10 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 5
Hội thẩm nhân dân là thành phần bắt buộc khi xét xử tất cả các vụ án hành chính.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Hội thẩm nhân dân là thành viên của Hội đồng xét xử, do đó nếu không có Hội thẩm nhân dân thì phiên toà phải hoãn.
Cơ sở pháp lý: Điểm b khoản 1 Điều 162, điểm b khoản 1 Điều 232 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Phần: Các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hành chính Việt Nam
Nhận định 6
Mọi vụ án hành chính đều phải qua hai cấp xét xử vì đây là nguyên tắc của tố tụng hành chính.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Tuy đây là nguyên tắc, nhưng trường hợp sau khi qua xét xử sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ thì không cần qua cấp xét xử phúc thẩm. Theo đó: “Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Cơ sở pháp lý: Điều 11 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 7
Khi có kháng cáo hoặc kháng nghị, Tòa án bắt buộc phải mở phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Việc khi có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án có bắt buộc phải mở phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm hay không còn tuỳ thuộc vào việc kháng cáo, kháng nghị có hay không đúng quy luật của pháp luật. Đúng quy định của pháp luật ở đây là về vấn đề kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định, và chủ thể có quyền thực hiện.
Theo đó: “Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”
Cơ sở pháp lý: Điều 11 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 8
Tòa án có thể áp dụng pháp luật dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Trong một số trường hợp có thể dùng pháp luật khác, thí dụ luật dân sự (bồi thường ngoài hợp đồng), luật đất đai (đền bù giải toả). Ví dụ: Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Cơ sở pháp lý: Điều 7 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 9
Thời điểm xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu từ khi người khởi kiện nộp đơn kiện.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Việc xác định thời điểm xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu phải phụ thuộc theo từng trường hợp cụ thể. Theo đó, thời hạn khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; thời hiệu khởi kiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 10
Một người có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều đương sự trong một vụ án.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau”.
Cơ sở pháp lý: Khoản 3 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Phần: Thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của Tòa án nhân dân
Nhận định 11
Tòa án nhân dân cấp tỉnh không có quyền xét xử theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 266 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm thì chỉ có Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao và Điều 286 Luật Tố tụng hành chính 2015 chỉ rõ thẩm quyền tái thẩm được thực hiện như Giám đốc thẩm.
Cơ sở pháp lý: Điều 266 và Điều 286 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 12
Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thụ lý xét xử theo trình tự phúc thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
Nhận định SAI.
Tòa án cấp trên trực tiếp xử lại vụ án hành chính sơ thẩm của cấp dưới, nhưng phải tuân thủ các điều kiện nhất định ví dụ như việc kháng cáo, kháng nghị phải hợp lệ.
Cơ sở pháp lý: Điều 203 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 13
Trong vụ án hành chính người khởi kiện có thể không phải là đối tượng áp dụng quyết định hành chính bị khiếu kiện.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Do người khởi kiện bị ảnh hưởng quyền lợi dù không bị áp dụng Quyết định hành chính. Thí dụ: Quyết định đặt tên doanh nghiệp bị trùng lặp hoặc giấy phép xây dựng lấn không gian xung quanh.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 14
Cán bộ công chức nhà nước bị xử lý kỷ luật có quyền khởi kiện tại tòa hành chính.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Chỉ cán bộ, công chức nhà nước bị kỷ luật buộc thôi việc, từ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống, mới có quyền khởi kiện tại Tòa hành chính.
Cơ sở pháp lý: Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 15
Chuẩn bị xét xử là giai đoạn chuẩn bị mở phiên tòa.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Đây là phần quan trọng của tố tụng về việc giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm để chuẩn bị xét xử. Phần chuẩn bị xét xử được quy định tại Chương X quy định về Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử.
Cơ sở pháp lý: Chương X Luật Tố tụng hành chính 2015.
Phần: Chủ thể tiến hành và người tham gia tố tụng
Nhận định 16
Nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm, các bên có quyền kháng cáo để yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Khi Bản án chưa có hiệu lực pháp luật, nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm, các bên có quyền kháng cáo để yêu cầu xem xét lại theo thủ tục. Tuy nhiên, nếu các bên muốn yêu cầu xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm thì Bản án phải là Bản án có hiệu lực pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Khoản 23 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 17
Đối với mọi phiên tòa hành chính sơ thẩm thì phải có mặt đương sự.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Đương sự có thể vắng mặt theo các trường hợp quy định tại điều 158 Luật Tố tụng hành chính 2015: “1. Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt; 2. Người khởi kiện, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa; 3. Trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều 157 của Luật này.”
Trong các trường hợp trên, mặc dù đương sự vắng mặt nhưng vẫn diễn ra phiên tòa hành chính sơ thẩm.
Nhận định 18
Tòa án phải đình chỉ vụ án nếu đương sự đã được triệu tập 3 lần đều không có mặt.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Tòa án chỉ đình chỉ vụ án khi người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Theo đó, nếu đương sự không có mặt nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc thuộc trường hợp có sự kiến bất khả kháng, trở ngại khách quan thì không đình chỉ vụ án mà tùy trường hợp có thể xét xử vắng mặt hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định.
Cơ sở pháp lý: Điểm đ khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 19
Các vụ án hành chính mà đối tượng áp dụng quyết định hành chính là người chưa thành niên đều phải có luật sư tham gia.
Nhận định SAI.
Các vụ án hành chính mà đối tượng áp dụng quyết định hành chính là người chưa thành niên thì việc đại diện của người chưa thành niên có thể được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hay Tòa án cử, không bắt buộc là luật sư (người bảo vệ quyền , lợi ích của đương sự).
Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính 2015
Nhận định 20
Người nước ngoài không được là người đại diện tham gia trong vụ án hành chính.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về Người đại diện thì chủ thể đại diện không giới hạn người nước ngoài. Do đó, người nước ngoài có thể là người đại diện tham gia trong vụ án hành chính.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015
Phần: Biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí và vấn đề cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
Nhận định 21
Quan hệ giữa các chủ thể trong tố tụng hành chính là quan hệ bất bình đẳng.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Quan hệ giữa các chủ thể trong tố tụng hành chính là quan hệ bất bình đẳng ngoài quan hệ giữa Tòa án và người bị xét xử còn có quan hệ bình đẳng (giữa các cá nhân về quyền, nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính).
Cơ sở pháp lý: Điều 17 Luật Tố tụng hành chính 2015
Nhận định 22
Tòa án nhân dân cấp Tỉnh không chỉ giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng lãnh thổ.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Tòa án nhân dân cấp Tỉnh không chỉ giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng lãnh thổ, mà còn giải quyết các Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc…
Cơ sở pháp lý: Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 23
Xác minh, thu thập chứng cứ là nghĩa vụ mà Tòa án phải làm đối với bất cứ một vụ khiếu kiện hành chính nào.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Tố tụng hành chính 2015 nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán thì Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng tụng hành chính 2015 là nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án. Tuy nhiên, trường hợp các bên đương sự đã cung cấp đủ các tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán mới phải tự mình xác minh, thu thập chứng cứ và ngược lại, nếu các bên đã cung cấp đầy đủ thì không cần phải xác minh, thu thập chứng cứ. Do vậy, việc xác minh, thu thập chứng cứ không phải nghĩa vụ của Tòa án phải làm trong bất kỳ vụ khiếu kiện hành chính nào.
Cơ sở pháp lý: Khoản 3 Điều 38 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 24
Việc cung cấp bản sao các Quyết định hành chính, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có) và các chứng cứ khác (nếu có) là nghĩa vụ của cả người khởi kiện lẫn người bị kiện.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Việc cung cấp bản sao các Quyết định hành chính, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có) và các chứng cứ khác (nếu có) là nghĩa vụ là nghĩa vụ của đương sự nên nó là nghĩa vụ của cả người khởi kiện lẫn người bị kiện.
Cơ sở pháp lý: Điều 9 Luật Tố tụng hành chính 2015
Nhận định 25
Tại phiên tòa, Chánh án Tòa án nhân dân có quyền quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký tòa án.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Tố tụng hành chính 2015 về thẩm quyền Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì trước khi mở phiên tòa, thẩm quyền quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký tòa án là của Chánh án Tòa án, còn tại phiên tòa thì thẩm quyền Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thuộc về Hội đòng xét xử.
Cơ sở pháp lý: Điều 49 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Phần: Chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hành chính
Nhận định 26
Người nước ngoài không được tham gia tố tụng hành chính với tư cách là luật sư.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Căn cứ theo pháp luật Việt Nam thì người nước ngoài có thể hành nghề luật sư tại Việt Nam. Theo quy định tại Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Luật sư có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, không có quy định loại trừ luật sư là người nước ngoài.
Cơ sở pháp lý: Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 27
Xét xử sơ thẩm là thủ tục bắt buộc để giải quyết vụ án hành chính.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Theo nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử thì thủ tục xét xử sơ thẩm là thủ tục bắt buộc để giải quyết vụ án hành chính.
Cơ sở pháp lý: Điều 11 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 28
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được tiến hành ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án.
Nhận định ĐÚNG.
Bởi vì: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong quá trình giải quyết tùy do quyết định của Thẩm phán và có thể tiến hành ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 66 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nhận định 29
Đối tượng xét xử của tố tụng hành chính là mọi quyết định hành chính bị coi là trái pháp luật.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Không phải bất kì quyết định hành chính cũng là đối tượng xét xử của toà hành chính. Ví dụ: Các quyết định về điều động, về khen thưởng. Mặc khác khi quyết định hành chính được đưa ra xét xử có kết luận cuối cùng chưa hẳn là trái pháp luật.
Nhận định 30
Mọi cá nhân, tổ chức có quyền lợi bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước đều là người khởi kiện.
Nhận định SAI.
Bởi vì: Trường hợp đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật, theo đó họ không phải là cá nhân, tổ chức có quyền lợi bị xâm hại mà chỉ là người đại diện của họ.
Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com