CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO TIẾT THỰC HÀNH SINH HỌC 7 – Trường THCS & THPT Hòa Hưng
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
MÔ TẢ SÁNG KIẾN
Mã số …….
- Tên sáng kiến:
Nâng cao chất lượng các tiết thực hành môn Sinh học lớp 7
- Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:
Áp dụng đối với các tiết thực hành sinh 6, sinh 7
- Mô tả bản chất của sáng kiến:
3.1. Tình trạng giải pháp đã biết
Để giúp các em học sinh hiểu bài, hứng thú trong học tập, tôi đã vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tôi là học sinh còn khá lúng túng trong khâu thực hành. Những tiết thực hành đầu tiên, tôi có cảm giác như tổ ong vỡ: các em nói chuyện ồn ào, dụng cụ thực hành sử dụng tùy tiện, các nhóm được phân công chuẩn bị mẫu vật thì mang không đầy đủ. Các em không biết trong nhóm, mình sẽ phải làm gì? Hiệu quả của các tiết thực hành này khá thấp.
Từ đó trong tôi nảy sinh rất nhiều câu hỏi: Tại sao đã học qua một năm lớp 6 ở trường THCS rồi mà kỹ năng thực hành của các em lại yếu như vậy? Mình phải làm gì để khắc phục tình trạng này đây? Phải làm gì để các em coi tiết thực hành như là một cơ hội để các em nghiên cứu, tìm tòi? Phải làm gì để nâng cao chất lượng của một tiết thực hành? Chính vì lẽ đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm ra phương pháp dạy học tối ưu nhất. Qua rất nhiều tiết thực hành trên lớp, tôi đã rút ra được những bài học nhỏ để từ đó giúp tôi viết nên kinh nghiệm này.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
* Mục đích của giải pháp:
Sinh học nói chung và Động vật học nói riêng là bộ môn khoa học thực nghiệm, nghĩa là từ những điều mắt thấy tai nghe, học sinh sẽ rút ra những kết luận khoa học, từ đó phát triển thành khái niệm đặc thù của bộ môn. Muốn cho học sinh “ tâm phục, khẩu phục” những vấn đề các em được biết trong lý thuyết thì giáo viên phải tạo điều kiện cho các em thực hành. Vậy khi dạy bài thực hành người giáo viên cần phải làm rõ các vấn đề nào?
– Trước hết, thực hành phải góp phần hình thành và phát triển các khái niệm. Trong khi học sinh tiến hành thực hành, các em có thể phát hiện các đặc điểm về hình thái, giải phẫu, cũng như các chức năng. Sự phát hiện đó có ý nghĩa củng cố những dấu hiệu của khái niệm đã được nghiên cứu trong phần lý thuyết, có khi là những dấu hiệu mới chưa đề cập đến.
– Thực hành là cơ hội để rèn luyện các kỹ năng của bộ môn, góp phần hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học. Qua thực hành, học sinh được rèn luyện để sử dụng thành thạo các phương tiện thí nghiệm như kính lúp, kính hiển vi, bộ đồ mổ…, biết mổ và quan sát cấu tạo của các động vật điển hình; tập tổ chức các thí nghiệm nghiên cứu hoạt động sống của động vật, biết vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống…, góp phần giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp cho các em.
– Thực hành còn có ý nghĩa phát huy vai trò chủ động trong học tập, rèn luyện trí thông minh, bồi dưỡng năng lực tư duy cho học sinh. Trong khi thực hành, học sinh được tự mình nghiên cứu khảo sát động vật, tự lực tổ chức và quan sát kết quả thí nghiệm, vì vậy có ý nghĩa tăng cường tính tự lực cho học sinh. Mặt khác, học sinh phải rèn luyện các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp… nên có tác dụng bồi dưỡng trí thông minh.
– Thực hành còn có ý nghĩa gây hứng thú học tập bộ môn, tạo sự ham muốn nghiên cứu khoa học.
– Ngoài ra nhiều sản phẩm thực hành sẽ được bổ sung cho phòng thí nghiệm góp phần làm phong phú thêm đồ dùng dạy học.
* Nội dung giải pháp:
Để dạy một bài thực hành hiệu quả, giáo viên cần thực hiện các bước sau:
– Giáo viên cần xác định rõ tiết thực hành mình dạy thuộc loại bài thực hành nào, từ đó phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của từng loại bài thực hành này.
– Để tiết thực hành thành công, thì khâu chuẩn bị đóng vai trò cực kì quan trọng, giáo viên cần cụ thể hóa nhiệm vụ của thầy và trò để chuẩn bị cho tốt, từ chuẩn bị mẫu vật đến chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm thực hành… – Và cuối cùng là các bước tiến hành giờ thực hành phải theo một quy trình hợp lý, nghiêm túc, gồm các khâu:
+ Ổn định tổ chức lớp
+ Giáo viên giới thiệu mục tiêu, hướng dẫn thao tác thực hành
+ Học sinh tiến hành thực hành
+ Tổng kết, đánh giá tiết thực hành.
. Phân tích kết quả thí nghiệm.
. Nhận xét biểu dương.
. Thu báo cáo.
. Thu dọn dụng cụ, mẫu vật và vệ sinh phòng học.
3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp:
Áp dụng cho tất cả các tiết thực hành sinh 6. sinh 7
3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp:
Bản thân tôi nhận thấy rằng đây là kinh nghiệm hữu ích nhất giúp tôi thực hiện được mục tiêu tiết dạy học của mình. Tiết thực hành không còn là tiết học nhàm chán nữa. Học sinh của tôi đã hào hứng trông chờ để được tự mình khám phá những điều kỳ diệu trong thế giới sinh học kỳ thú. Thông qua đó rèn luyện cho các em kỹ năng học tập, làm việc một cách khoa học. Giáo dục các em lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Kết quả đạt được đối vơi học sinh khối 7
Năm học
Tổng số HS
Giỏi
Khá
TB
Yếu
Kém
2014-2015
80
18,75
31,25
25
18,75
6,25
2015-2016
80
21,25
35,75
27,5
15
2,5
2016-2017
120
33,33
25
37,49
4,18
0
Trên đây là những suy nghĩ của riêng bản thân tôi nhằm đưa những kinh nghiệm nhỏ để dạy tốt một bài thực hành Sinh vật lớp 7, bài viết trên không thể tránh được những thiếu sót, tôi rất mong nhận được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp.
3.5. Tài liệu kèm theo gồm:
– Sách giáo viên, sánh giáo khoa lớp 7.
– Một số loại sách tham khảo.
Kiên Giang, ngày 28 tháng 3năm2017
Người mô tả
Đặng Thị Hoài