CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ SỐ THIẾT KẾ VÀ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ SỐ THIẾT KẾ VÀ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Email

Print

 1.  Hiện trạng chính sách về sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước  

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, việc chuyển đổi số diễn ra từ các cơ quan Chính phủ đến doanh nghiệp và cả người dân, thị trường cho phát triển công nghệ số là rất lớn. Tuy nhiên, chưa có chính sách cho thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước khuyến khích gia tăng giá trị cốt lõi trong các sản phẩm công nghệ số. Do đó, cần phải có những quy định, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm Make in Viet Nam bảo đảm chất lượng để nắm bắt thị trường trong nước, đồng thời cần có những quy định ưu tiên, bắt buộc sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ số.

2. Chủ trương, định hướng chính sách pháp luật về thúc đẩy sản xuất trong nước

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng mang tính thời đại. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn xu hướng đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước, nắm bắt thị trường trong nước để vững vàng tiến ra thị trường thế giới.

 – Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

 – Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030

– Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 – Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế:

– Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư : – Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

– Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam” trong tình hình mới.

– Điều 16 Luật Đầu tư quy định về các ngành, nghề ưu đãi đầu tư liên quan đến lĩnh vực bao gồm:Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Sản xuất sản phẩm điện tử; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;

Điều 15 Luật đầu tư quy định về hình thức ưu đãi đầu tư.

– Luật CNTT: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu – phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”; “Tổ chức, cá nhân nghiên cứu – phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ thông tin để đổi mới quản lý kinh tế – xã hội, đổi mới công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật”; “Nhà nước có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân”; “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin; ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước”.

Các chính sách pháp luật về thuế và ưu đãi hạ tầng quy định ưu đãi về thuế suất, thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ưu đãi thuế suất và miễn thuế giá trị gia tăng.

Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp

Luật quy định ưu đãi về thuế suất đối với hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm: Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất sản phẩm phần mềm

Luật quy định ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm: miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.

– Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Nghị định quy định về thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đối với Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm;

Nghị định quy định miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực…. sản xuất sản phẩm phần mềm

Khoản 18 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về hàng hóa miễn thuế nhập khẩu quy định:18. Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.”

          – Điều 24 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định:

“Điều 24. Miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm1. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 18 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định này.”

– Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một sô điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định “ Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.”

– Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12

Luật quy định đối tượng không chịu thuế gồm phần mềm máy tính

Luật quy định mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (gồm: phần mềm máy tính) khi xuất khẩu

– Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT:

Nghị định quy định đối tượng không chịu thuế gồm: phần mềm máy tính

Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (gồm phần mềm máy tính) khi xuất khẩu,

– Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định: Thực hiện quy định của pháp luật về chính sách ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước: Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước;

– Thông tư số 40/2020/TT-BTTTT ngày 30/11/2020 quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm: Quy định này nhằm đưa ra các quy định ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước, tạo thị trường cho các sản phẩm trong nước, theo đó Thông tư đưa ra các tiêu chí được ưu tiên đối với sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin.

Chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy sản xuất trong nước đã được ban hành nhiều trong các văn bản. Quy định xác định sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng chỉ áp dụng xác định xuất xứ sản phẩm cho việc xuất nhập khẩu. Đối với sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước chưa có quy định cụ thể để xác định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam hay hàng sản xuất trong nước. Do đó, cần có quy định để quy định cụ thể để thúc đẩy thiết kế, sản xuất các sản phẩm này.

3. Đề xuất nội dung quy định

Quy định cụ thể về khái niệm, tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.

Việc quy định khái niệm, tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước giúp thúc đẩy phát triển nội lực của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực Việt Nam có thể mạnh là công nghệ số,

– Nhà nước có thể áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước.

– Người dùng có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước trong nước với giá thành rẻ phục vụ hoạt động hàng ngày.

– Doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước được tiếp cận các hỗ trợ của Nhà nước, giảm hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.