[CHI TIẾT A-Z] QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐÁM HỎI CHUẨN PHONG TỤC

[CHI TIẾT A-Z] QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐÁM HỎI CHUẨN PHONG TỤC

Các cặp đôi khi muốn tiến tới hôn nhân cần trải qua 3 lễ lớn theo phong tục của người Việt chính là lễ dạm ngõ, lên ăn hỏi, lễ cưới. Sau khi đã tiến hành lễ dạm ngõ ra mắt gia đình hai bên xong, cô dâu chú rể sẽ bước tiếp đến nghi lễ thứ hai đó là lễ ăn hỏi hay còn gọi là đám hỏi. Tuy nhiên, nhiều cặp đôi vẫn còn khá mơ hồ không biết trình tự tổ chức đám hỏi như thế nào là chuẩn phong tục. Cùng Ngọc Huy Pro Studio tham khảo trình tự tổ chức đám hỏi chuẩn phong tục qua bài viết dưới đây bạn nhé.

1. Lựa chọn ngày, giờ hoàng đạo

Đám hỏi là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt Nam. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.

Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” của người Việt ta từ xưa đến nay thì việc chọn ngày giờ đẹp để tổ chức đám hỏi chính là việc đầu tiên 2 bên gia đình cần bàn bạc. Đây là việc quan trọng không kém bên cạnh việc xem tuổi hôn phối của hai vợ chồng có được hòa hợp hay không.

Chọn năm 

Thời gian kết hôn trước tiên ta cần xem xét năm tổ chức lễ ăn hỏi đó có phạm Kim lâu không. Tuổi con gái phạm Kim lâu là chữ số cuối của tuổi là 1, 3, 6 , 8. Nếu phạm phải Kim lâu năm đó, thì có thể hoãn hôn lễ hoặc sử dụng những cách nào đó để hóa giải những điều bất lợi.

Chọn tháng

Trong năm thường có 3 tháng người ta ít tổ chức đám cưới thậm chí là kiêng tổ chức chuyện đại sự vào thời gian này đó là tháng 3, tháng 7 và tháng 12 âm lịch. Theo quan niệm dân gian thì tháng 3 ÂL là tháng thanh minh chỉ hợp để tảo mộ và thực hiện về phần âm, tháng 7 là Ngưu Lang – Chức Nữ chia lìa và còn là tháng cô hồn còn tháng 12 ÂL là thời điểm năm cùng tháng tận nên rất ít người chọn tổ chức đám hỏi vào những tháng này.

Chọn ngày

Cần tránh những ngày: Hắc đạo, ngày có Nhị thập bát tú xấu, ngày có Lục diệu xấu, ngày có các sao xấu cho việc hôn lễ và ngày Tam nương.

Nên chọn những ngày như ngày Hoàng đạo, ngày Đại minh cát nhật, ngày có các sao tốt, ngày có Nhị thập bát tú cát lợi.

Để tránh mọi ngày xấu và tổng hợp được hết các yếu tố cát lợi thì quả thật rất hiếm có ngày nào như vậy. Khi chọn lựa, 2 bên gia đình cần có sự phân biệt, cân đong, đo đếm, so sánh, xem xét về tương quan tốt xấu một cách chi ly, cầm lên đặt xuống coi nặng nhẹ như thế nào để thống nhất được ngày lành tháng tốt cho cặp đôi.

2. Lễ vật đám hỏi

Lễ vật cho đám hỏi là một phần quan trọng trong trình tự lễ ăn hỏi lại có sự khác nhau giữa các miền. Trong đó, lễ vật quan trọng không thể thiếu gồm trầu cau và lễ đen – vốn được coi là “tiền thách cưới” của nhà gái (số lượng phong bì lễ đen tùy thỏa thuận hoặc do nhà gái yêu cầu).

Dù ở miền Nam, miền Bắc hay miền Trung và dù lễ vật, mâm quả đám hỏi nhiều hay ít, sang trọng hay đơn giản đều được coi trọng vì đó thể hiện lễ nghĩa, tấm lòng thành của nhà trai đối với nhà gái.

Số mâm quả

Ở miền Nam, người ta thường sử dụng số mâm quả chẵn và thường là 6 mâm quả trong đám hỏi bởi số 6 được coi là con số may mắn, tượng trưng cho tài lộc. Tùy thuộc điều kiện kinh tế cũng như phong tục của từng nơi tại miền Nam mà các lễ vật trong mâm quả có thể khác nhau ít nhiều.

Thông thường, lễ vật cho lễ đám hỏi vợ ở miền Nam bao gồm: trầu cau, trà, rượu và nến, bánh xu xê, xôi gấc, hoa quả, heo quay. Các lễ vật được mang đến  nhà gái được xếp theo hình tháp và trang trí bắt mắt. Màu sắc lễ vật được chọn cho các tráp thường là màu đỏ tươi, màu vàng và xanh tươi. Màu đỏ được sử dụng triệt để bởi nó mang ý nghĩa may mắn và tượng trưng cho tình yêu đôi lứa mãnh liệt.

Đội hình bê tráp (bưng quả)

Mỗi tráp cần 2 người để bê tức là 1 nam và 1 nữ cho 1 tráp thể hiện sự hòa hợp, tương đồng. Việc chọn người bưng tráp cũng khá quan trọng. Khi lựa chọn người bê tráp cần chú ý những vấn đề sau:

Lựa chọn các nam thanh, nữ tú có ngoại hình đẹp, dễ nhìn, chiều cao cân đối để khi bưng tráp không bị chòng chành, có thể rơi lễ. Hãy tránh sự cố không đáng có này ngay từ đầu.

Những người được chọn để bưng lễ nên là những người chưa lập gia đình (trai tân, gái tân). Cần lựa chọn đội bê tráp có trách nhiệm và có một phương án backup thay người nếu có sự cố không may đột xuất xảy ra.

3. Trình tự lễ ăn hỏi

Sau các bước chuẩn bị, đến ngày tốt đã định, nhà trai sẽ sắp thành hàng và mang lễ vật đến làm lễ hỏi tại nhà gái. Trong khi đó, nhà gái đã sẵn sàng trà nước để đón tiếp. Tuy mỗi vùng miền có sự khác nhau nhưng nhìn chung, trình tự lễ ăn hỏi chuẩn gồm 7 bước:

Nhà trai xuất phát đến nhà gái

Sau khi kiểm tra lại các lễ vật đầy đủ, nhà trai xuất phát đến nhà gái để kịp giờ lành. Thông thường nhà trai cần đến sớm trước giờ làm lễ 30 phút để tránh rắc rối bất ngờ.

Hai gia đình chào hỏi và trao lễ vật

Khi chuẩn bị đến giờ lành, đoàn đại diện nhà trai theo thứ tự là ông bà hoặc bậc cao niên đại diện gia đình, cha mẹ, chú rể, đội bưng quả cùng các thành viên gia đình sẽ tiến vào nhà gái.

Gia đình cô dâu tương lai với các vị đại diện tương ứng sẽ ra đón chào nhà trai. Sau khi đại diện 2 gia đình chào hỏi, đội bưng mâm quả nhà trai sẽ trao lễ vật cho phía nhà gái.

Hai đội bưng mâm quả sẽ trao phong bao lì xì trả duyên cho nhau. Trị giá các phong bao do nhà gái và nhà trai chuẩn bị trước.

Nhà trai và nhà gái cùng trò chuyện

Sau khi hoàn tất màn trao quả, đại diện nhà gái mời nhà trai vào dùng nước và giới thiệu những người đại diện của hai gia đình. Vị đại diện nhà trai sẽ trình bày lý do đến nhà gái, giới thiệu lễ vật.

Đại diện nhà gái nói lời cảm ơn và nhận lễ. Sau đó mẹ cô dâu, mẹ chú rể cùng mở các tráp lễ trước sự chứng kiến của hai gia đình.

Cô dâu ra mắt gia đình nhà trai

Theo đúng trình tự lễ hỏi, sau khi hoàn tất các bước trên thì cô dâu mới được phép xuất hiện. Cha mẹ cô dâu sẽ đưa con gái ra mắt hai họ, hoặc cho phép chú rể vào trong đón cô dâu ra chào hỏi. Sau khi cả hai bước ra thì cô dâu, chú rể phải rót trà mời đại diện hai gia đình.

Thắp hương bàn thờ tổ tiên

Sau phần ra mắt và mời trà của cô dâu, mẹ cô dâu sẽ chọn một số lễ vật trong mâm ngũ quả, cùng lễ đen dâng lên bàn thờ gia tiên. Đôi uyên ương tiến hành lễ khấn gia tiên trước bàn thờ nhà gái để cầu tổ tiên chứng giám, phù hộ.

Hai nhà bàn bạc về lễ cưới

Nghi thức thắp hương ở bàn thờ gia tiên đã xong, hai gia đình sẽ ngồi cùng nhau bàn bạc về ngày, giờ lành để tiến hành lễ rước dâu, lễ cưới. Cô dâu chú rể sau khi mời nước các bậc cao niên thì có thể ra ngoài chụp hình cùng người thân, bạn bè.

Nhà gái lại quả và kết thúc buổi lễ

Nhà gái sẽ lại quả lễ vật cho nhà trai. Lưu ý là tất cả mọi lễ vật đều phải chia, tách bằng tay, tuyệt đối không dùng dao, kéo (mang điềm không tốt cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ). Mâm quả khi được trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp.

Nhà trai nhận lại mâm lễ vật và xin phép ra về, kết thúc lễ ăn hỏi. Sau đó, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật, việc này tùy thuộc hai gia đình.

Lễ đính hôn cần trang trọng nhưng không rườm rà, thường chỉ mất 45 – 60 phút. Với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt” nên việc thực hiện đúng trình tự lễ ăn hỏi là điều các đôi uyên ương cần chú ý để khởi đầu cho cuộc sống vợ chồng êm ấm.

Hy vọng thông qua bài viết Quy trình tổ chức đám hỏi chuẩn phong tục của Ngọc Huy Pro Studio, bạn đã có câu trả lời cụ thể để chuẩn bị cho đám hỏi của mình được chu toàn nhất.