CÂY SẢ & CÁCH ABAVINA TRỒNG THUẬN TỰ NHIÊN – Abavina
LOẠI CÂY TRỒNG
Cây sả là loại cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi cao 0,8 đến 2m tùy theo giống. Lá hẹp dài giống lá lúa, hai mặt lá giáp nhám, khi lột vỏ ra có mùi thơm. Thân rễ trắng hoặc hơi tím. Sả được trồng khắp cả nước, trong các gia đình. Cây sả có tác dụng xua muỗi, ruồi khi trồng trong vườn và có kỹ thuật trồng cây khá dễ.
Cây sả được sử dụng rộng rãi như là một loại cây thuốc và gia vị tại các nước châu Á (đặc biệt là của người Thái, người Lào, người Khmer và người Việt) cũng như tại khu vực Caribe. Sả có mùi hương gần giống như chanh và có thể sấy khô và tán thành bột hay sử dụng ở dạng tươi sống. Phần thân cây là khá cứng để có thể ăn, ngoại trừ phân thân non và mềm bên trong. Tuy nhiên, người ta có thể thái nhỏ và thêm vào trong các gia vị.
GIỐNG
Sả chanh
MÙA VỤ
Trồng vào mùa mưa hoặc trồng quanh năm khi có đủ nước tưới.
QUY TRÌNH CANH TÁC
Làm đất
Chọn nơi đất tơi xốp, có thể gần mé sông hoặc các bầu đất tự tạo, cuốc bầu và bón lót một lớp phân chuồng hoai mục.
Chọn giống và gieo trồng
Chọn giống: hom giống được trồng là tép sả to khỏe của bụi sả mẹ trước đó.
Chuẩn bị giống: chọn các tép sả khỏe, sạch bệnh, nhổ lấy cả rễ, cắt bớt lá phía trên.
Gieo trồng: lấy hom giống cấy xuống bầu đất đã chuẩn bị, mỗi bầu từ 3 – 4 hom cấy thành vòng tròn, lấy đất mịn phủ lên rồi ấn chặt tay. Tưới nước nhẹ 2 lần/ngày (chỉ tưới vừa đủ ẩm) tới khi cây sả bén rễ ra nhiều lá thì tưới nước mỗi ngày một lần.
Chăm sóc
Tưới nước: cung cấp đủ nước và nên tưới thường xuyên mỗi ngày khi mới trồng để sả bén rễ. Sả là loại cây chịu hạn tốt và không có sâu bệnh gì đáng kể nên khi sả đã nhảy bụi nhiều cũng không cần chăm sóc hay tưới nước nhiều.
Làm cỏ: cỏ dại không cạnh tranh hay ảnh hưởng nhiều đến sả, vì sả vốn là chi nhà cỏ nên chỉ làm cỏ bằng máy phát cỏ khi thấy cần thiết.
Thu hoạch và bảo quản
Sả có thể thu hoạch sau 4 – 6 tháng tùy thuộc vào sự phát triển và nhu cầu sử dụng. Có 2 cách thu hoạch, hoặc thu hoạch bằng cách tiễn những tép lớn phía ngoài để sả tiếp tục nhảy bụi, hoặc thu hoạch bằng cách chặt hết cả bụi.
Sả thu hoạch xong cắt gọn phần lá (phần lá cắt ra có thể lấy là lá xông hoặc hun muỗi), lấy phần củ và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
Sả chanh là dạng cây mọc theo dạng bụi, sống lâu năm với thân cao từ 1 – 1,5 m. Cây có thân rễ màu trắng xanh hoặc hơi tía. Phiến lá dài khoảng 1m, hẹp với các bẹ lá cuốn chặt vào nhau. Mép lá sờ hơi nhám và có mùi thơm dễ chịu. Bẹ lá không có lông nhưng có sọc dọc. Bông mọc thành cụm gồm nhiều bông nhưng không có cuống.
Sả được trồng trong vườn Abavina
CÁCH SỬ DỤNG
Sả chanh được sử dụng làm gia vị trong chế biến thực phẩm, như trong món gà xào sả, nghêu hấp sả, cà ri, v.v…
Sả làm thuốc nam chữa bệnh:
- Chữa rối loạn tiêu hóa và đau bụng: dùng 30 – 50 gram sả tươi đem đun sôi. Sau đó hòa một lượng đường vừa phải, đủ ngọt và uống 2 – 3 lần mỗi ngày. Còn đối với chứng đau bụng đi tả, ngộ độc rượu hoặc bội thực, nên dùng 6 – 12 gram.
- Giải độc: dùng 1 bó sả đem rửa sạch và giã nát. Sau đó thêm nước lọc và gạn lấy 1 chén rồi uống.
- Chống trầm cảm: sử dụng vài giọt tinh dầu sả pha trong cốc nước ấm hoặc sả tươi hãm nước sôi và uống mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nấu nước sả tắm hoặc xông hơi để giảm tình trạng căng thẳng và mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc.
- Chữa ho: sử dụng ⅓ phần gốc tép sả tươi, cắt lát kết hợp với 3 – 4 lát gừng tươi. Hãm với 200ml nước đun sôi, để ấm và uống dần trong ngày.
Làm đẹp:
- Tốt cho tóc: sử dụng 1 nắm thân sả đem nấu với 1,5 lít nước. Sau khi nước sôi, chờ nước nguội hoặc pha thêm nước, dùng gội đầu. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ tuần giúp tóc mượt, chắc khỏe và hạn chế tình trạng rụng tóc.
- Giảm cân: dùng 10 nhánh sả đem rửa sạch, đập dập rồi cho vào nồi cùng với vài lát chanh tươi, đun sôi. Sau khi nước sôi, lọc lấy nước và chờ nước nguội rồi pha thêm mật ong. Uống nước này vào mỗi buổi sáng sớm sẽ giúp đốt cháy mỡ thừa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân.