CẢM NHẬN VỀ MỘT TIẾT HỌC MÔN KHOA HỌC LỚP 5
Đổi mới phương pháp dạy học luôn là mục tiêu quan trọng trong Giáo dục. Bản thân tôi rất tâm đắc khi thực hiện dạy bài “Phòng bệnh viêm gan A” môn Khoa học lớp 5. Đến dự tiết học có Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên trong trường. Tiết học ấy thực sự là một tiết học đáng nhớ, một tiết học mà tất cả học sinh đều được hoạt động, tất cả đều hồ hởi, hứng thú và say mê học tập.
Mở đầu tiết học tôi cho học sinh quan sát hình ảnh người với lá gan rồi nhẹ nhàng đưa ra câu hỏi: Em quan sát thấy gì?. Học sinh hào hứng nêu ý kiến của riêng mình. Để phát huy vốn hiểu biết của các em, tôi lại tiếp tục yêu cầu tìm vị trí gan trên cơ thể mình.
(Học sinh tìm vị trí gan)
Với yêu cầu này đã làm tất cả các em hiện lên sự hào hứng. Tôi đọc được từ những ánh mắt đó là niềm vui khi các em có đáp án đúng. Khi tất cả các em đã tập trung chú ý, tôi bắt đầu giới thiệu về tầm quan trọng của gan đối với cơ thể để dẫn dắt học sinh đến với nội dung của tiết học. Đây là hoạt động trọng tâm nêu vấn đề của bài học, bằng câu hỏi : Em biết những bệnh gì có liên quan đến gan? Mặc dù câu hỏi tưởng chừng khó với các em nhưng ngoài sức tưởng tượng của tôi và giáo viên dự giờ. Rất nhiều bệnh có liên quan đến gan được các em chia sẻ.
Nhìn những gương mặt rạng ngời đầy tự tin, tôi thấy rằng mở đầu tiết học nào mà chúng ta cũng khơi gợi được sự hứng thú cho học sinh thì học sinh sẽ vào bài, tiếp thu bài dễ dàng hơn. Có lẽ với những nét mặt tràn đầy hứng thú này, tôi hi vọng tiết học sẽ thành công.
Để phát huy vốn hiểu biết của học sinh tôi đã giao nhiệm vụ cho các em từ tiết học trước là về tìm hiểu thông tin bệnh Viêm gan A. Nên khi tôi đặt câu hỏi về biểu hiện của bệnh Viêm gan A. Tôi quan sát thấy lớp học lúc này có vẻ trùng xuống, vẻ mặt của các em như chờ đợi điều gì từ bạn của mình. Bỗng một cánh tay giơ lên tất cả các em đổ dồn ánh mắt về em Trang. Rất mạnh dạn và tự tin trang nói
: Theo mình biểu hiện bệnh viêm gan A là đau bụng.
( Em Trang chia sẻ)
Ý kiến mà em Trang chia sẻ đã xóa đi sự e dè, lúc này có rất nhiều cánh tay được giơ lên các em không sợ hãi, ngại trả lời mà trái lại các em rất sôi nổi và tích cực tham gia. Em Sáng cho rằng: Biểu hiện của bệnh viêm gan A là vàng mắt, vàng da. Còn ý kiến của em Thủy: Biểu hiện của bệnh viêm gan A là sốt nhẹ, …Không khí lớp học sôi nổi hẳn lên.
( Học sinh hăng hái phát biểu)
Khi các em đã biết được các biểu hiện của bệnh viêm gan A, tôi dẫn dắt các em tìm hiểu tiếp kiến thức của bài học bằng câu hỏi: “ Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện đó ta phải làm gì?”. Em Minh mạnh dạn : “Em sẽ đi khám bác sĩ”, còn ý kiến của Quang là sẽ nghỉ ngơi,…và còn rất nhiều ý kiến khác các em chia sẻ.
Từ hoạt động này, tôi rút ra được kinh nghiệm cho bản thân là trong quá trình dạy học giáo viên phải biết gợi mở, hướng dẫn các em và đặc biệt là lựa chọn những hình thức tổ chức dạy học phù hợp để phát huy tư duy, tính tích cực cho các em. Có như vậy việc tiếp thu kiến thức mới của các em mới sâu rộng và các em thực sự trở thành trung tâm của giờ học, chứ không giống như trước đây các em chỉ là tiếp thu kiến thức một cách thụ động.
Sau đó, tôi hỏi tiếp: “Các em đã biết được biểu hiện của bệnh, vậy nguyên nào gây bệnh Viêm gan A?” Đã có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Với câu hỏi này tôi cho các em thảo luận trong nhóm và hoàn thành nội dung phiếu học tập. Tôi quan sát được tất cả các em đều mạnh dạn đưa ra ý kiến của riêng mình, đã có sự bàn bạc thống nhất trong nhóm. Nhìn những gương mặt rạng rỡ, hình ảnh học sinh tập trung say sưa thảo luận tôi thấy rất hạnh phúc vì học sinh của chúng ta giờ đã không còn nhút nhát mà thay vào đó là sự tự tin và chủ động trong hoạt động học tập.
(Hoạt động nhóm)
Kết thúc hoạt động này là các nhóm lên chia sẻ bài làm, tôi cảm thấy rất hài lòng về việc học của các em vì lúc này tất cả các thành viên trong nhóm đều là nhóm trưởng. Các em đã biết bổ sung ý kiến cho nhau để hoàn thành bài tập.
(Học sinh chia sẻ bài làm trên phiếu học tập)
Đến với hoạt động tiếp theo: Học sinh nhớ và nêu lại “những bệnh nào cũng lây qua đường tiêu hóa” mà em đã được học. Lúc này có chút gì đó băn khoăn như chờ đợi ở tôi điều gì. Tôi đọc điều đó từ ánh mắt của các em. Và rồi chỉ bằng một cụm từ “các em đã học ở lớp 4”. Vậy là các em đã nhớ và nêu được các bệnh cũng lây qua đường tiêu hóa là: “tiêu chảy, tả, lị”. Lúc này tôi nhận thấy mình đã đánh thức được vốn kiến thức các em đã học được. Từ đó câu hỏi mà tôi đưa ra: “Bạn nào nhắc lại được cách phòng bệnh tiêu chảy, tả, lị?” đã được các em giải quyết một cách nhanh chóng. Em Thủy: Em ăn thức ăn đã được nấu chín. Minh cho rằng em cần uống nước đun sôi, còn ý kiến của Hòa: Em rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện,…
Từ vốn kiến thức mà các em sẵn có, tôi cho các em chủ động tự tìm kiếm cách để phòng bệnh viêm gan A. Có nhiều ý kiến hay được đưa ra. Tôi tâm đắc với ý kiến của em Thịnh: Chúng ta không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Từ câu trả lời của em tôi đã khéo léo hướng dẫn các em liên hệ ngay với cuộc sống hàng ngày khi mà còn rất nhiều em sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán ngoài cổng trường.
(Học sinh nhận sự giúp đỡ từ giáo viên)
Ở hoạt động này, tôi thấy học sinh đã nắm được rất tốt các bệnh lây qua đường tiêu hóa và cách phòng bệnh, sau đây chính là bước kiểm chứng lại xem những cách các em đưa ra có phòng được bệnh Viêm gan A không? Giáo viên đã cho học sinh hoạt động theo cặp: “Chỉ và nói cho nhau nghe về việc làm của mỗi bạn trong từng tranh. Việc làm của các bạn có tác dụng gì?”. Và không phải chờ lâu các bạn đã có đáp án của riêng mình.
(Học sinh khai thác bài học qua tranh)
Bạn Trang nói rằng: “Em thấy việc rửa tay rất quan trong nên em muốn được chia sẻ 6 bước rửa tay cho các bạn!”, Vậy là Trang vừa thực hiện vừa hướng dẫn lại cho các bạn 6 bước rửa tay.
(Học sinh thực hiện 6 bước rửa tay)
Tôi cứ ngỡ rằng giờ học đã được kết thúc ở đây nhưng bỗng em Hòa chia sẻ: Cô ơi, đã nhiều lần em còn mua quà ở cổng trường nhưng từ nay em hứa là mình sẽ không sử dụng những đồ ăn đó nữa. Em cũng sẽ khuyên các bạn, các em nhỏ cùng thực hiện theo. Thực sự tôi rất vui và hạnh phúc khi mình đã giúp cho các em có những suy nghĩ đúng đắn. Tôi tin rằng từ đây các em sẽ có những việc làm tốt để làm hành trang cho cuộc sống sau này.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về tiết học Khoa học lớp 5, bài “Phòng bệnh viêm gan A”. Qua việc thực hiện tiết dạy tôi đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Tôi nhận thấy dạy học từ học sinh là phương pháp phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Nếu giáo viên áp dụng phương pháp này thường xuyên vào bài giảng thì học sinh sẽ ngày càng tự tin, mạnh dạn, chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức mới.
Trong quá trình dạy học, giáo viên phải có sự quan sát tinh tế từng cử chỉ, hành động của học sinh để giúp đỡ các em một cách kịp thời nhất. Từ đó điều chỉnh hình thức tổ chức hoạt động phù hợp giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động nhất. Vì vậy tôi nghĩ rằng trong mỗi giờ học mỗi người giáo viên cần quan tâm đồng đều đến tất cả các em để giúp các em tự tin chiếm lĩnh kiến thức.
Người viết
Đào Thị Thu Hường
Trường Tiểu học Tư Mại – Yên Dũng – Bắc Giang