CÁCH PHÂN NHÓM HÀNG HÓA, DỊCH VỤ KHI ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU – IP LEADER Where intellectual property is fully protected

CÁCH PHÂN NHÓM HÀNG HÓA, DỊCH VỤ KHI ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU

Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ độc quyền trong phạm vi hàng hóa, dịch vụ mà chủ đơn đăng ký. Vì thế, không thể xem nhẹ việc phân nhóm cho hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh. Nếu xếp hàng hóa, dịch vụ không đúng nhóm thì Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) sẽ phân loại lại và chủ đơn phải đóng phí phân loại theo quy định. Vậy phải làm thế nào để phân loại hàng hóa, dịch vụ của mình vào nhóm phù hợp, hãy cùng IP LEADER tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Giới thiệu bảng phân loại Ni-xơ (Nice Classification – NCL)

Bảng phân loại Ni-xơ là hệ thống phân loại quốc tế được xây dựng từ Thỏa ước Ni-xơ dùng để phân loại về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký các nhãn hiệu.

Bảng phân loại Ni-xơ được cập nhật liên tục theo thời gian nên chủ đơn cần chú ý áp dụng phiên bản mới nhất để tránh tình trạng sai sót. Hiện tại, theo Thông báo 11353/TB-SHTT của Cục SHTT ngày 22/12/2022 về việc thống nhất áp dụng bản tiếng Việt của Bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 12-2023. Kể từ ngày 01/01/2023, đơn đăng ký nhãn hiệu phải phân loại hàng hóa, dịch vụ theo bản tiếng Việt của Bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 12-2023 được Cục SHTT dịch từ bản tiếng Anh do WIPO công bố.

Bảng phân loại Ni-xơ phiên bản 12-2023 gồm có 45 nhóm, trong đó có 34 nhóm về hàng hóa (từ nhóm 1 đến nhóm 34) và 11 nhóm về dịch vụ (từ nhóm 35 đến nhóm 45).

2. Tại sao phải phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ?

Thực hiện phân loại hàng hóa, dịch vụ vào nhóm phù hợp theo Bảng phân loại Ni-xơ có mục đích là:

Làm cơ sở xác định phạm vi bảo hộ

Việc xác định được nhóm hàng hóa, dịch vụ là tạo ra một phạm vi nhóm các hàng hóa, dịch vụ mà trong phạm vi này hàng hóa, dịch vụ của chủ đơn được bảo hộ độc quyền.

Ví dụ: Bibica nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và thực hiện phân nhóm hàng hóa cho sản phẩm bánh kẹo và hoạt động mua bán bánh kẹo. Vậy khi được cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu Bibica được bảo hộ độc quyền trong phạm vi hàng hóa bánh kẹo và dịch vụ mua bán bánh kẹo.

Làm căn cứ xác định phí, lệ phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký là một trong những yếu tố tác động đến mức phí, lệ phí khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Chủ đơn đăng ký càng nhiều nhóm, càng nhiều sản phẩm trong một nhóm thì mức phí càng cao.

3. Cách phân loại nhóm cho sản phẩm, dịch vụ

Xác định hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh

Đầu tiên, cần phải xác định thật chi tiết, hiểu rõ đặc tính sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh để có thể phân loại nhóm chính xác nhất. Không nên chỉ nêu chung chung hoặc chỉ dựa vào sự tương đồng mà phân loại không chính xác.

Ví dụ: sản phẩm cà phê được phân vào nhóm 30 còn dịch vụ quán cà phê được phân vào nhóm 43. Hoặc sản phẩm khẩu trang y tế thuộc nhóm 10 còn khẩu trang vải (mang tính trang phục) thuộc nhóm 25.

Phân loại theo tiêu đề nhóm, chú thích và theo danh sách theo thứ tự chữ cái

Từng nhóm hàng hóa, dịch vụ trong Bảng phân loại Ni-xơ đều có tiêu đề và chú thích kèm theo hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, chủ đơn có thể căn cứ vào thông tin đó để phân loại hàng hóa, dịch vụ mình cần đăng ký.

Ví dụ: nhóm 12 có tiêu đề “Xe cộ; Phương tiện giao thông trên bộ, trên không hoặc dưới nước”. Nhóm này có phần chú thích là chủ yếu gồm các phương tiện giao thông và thiết bị dùng để vận chuyển người hoặc hàng hóa trên bộ, trên không hoặc dưới nước. Và các sản phẩm cụ thể thuộc nhóm 12 là máy bay; xe tải; xe buýt; xe đạp; thuyền…

Ngoài ra, Bảng phân loại Nice có đưa ra danh mục chi tiết các sản phẩm/dịch vụ tham khảo. Người nộp đơn có thể tra cứu nhanh bằng cách gõ từ khóa liên quan đến lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mình dự định đăng ký.

4. Các nguyên tắc phân loại khác

Nếu không thấy sản phẩm hay dịch vụ cụ thể trong Bảng phân loại thì việc phân loại sẽ dựa trên một vài nguyên tắc như:

  • Phân loại hàng hóa theo vật liệu tạo ra sản phẩm hoặc phương thức hoạt động của nó. Ví dụ: cặp sách da được làm bằng chất liệu da nên sẽ được phân vào nhóm 18.
  • Phân loại hàng hóa theo chất liệu chiếm ưu thế trong thành phần làm ra nó đối với hàng hóa được cấu tạo từ nhiều chất liệu khác nhau. Ví dụ: thực phẩm chức năng có nhiều thành phần trong đó thành phần chính là vitamin thì được phân vào nhóm 01.
  • Các dịch vụ cho thuê sẽ được phân cùng nhóm với dịch vụ được cung cấp bởi phương tiện cho thuê. Ví dụ: dịch vụ cho thuê điện thoại được phân vào nhóm 38 (Dịch vụ viễn thông).
  • Các dịch vụ cung cấp lời khuyên, thông tin hoặc tham vấn được phân loại cùng nhóm với các dịch vụ tương ứng với đối tượng của lời khuyên, thông tin hoặc tham vấn. ví dụ: dịch vụ tư vấn vận tải được phân vào nhóm 39 (Vận tải; Ðóng gói và lưu giữ hàng hoá; Du lịch)

5. Sử dụng dịch vụ hỗ trợ phân nhóm từ các đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Việc phân loại nhóm chính xác cho hàng hóa, dịch vụ mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Cá nhân/tổ chức có nhãn hiệu cần được bảo hộ nên cân nhắc sử dụng các dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền từ các đơn vị chuyên nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để được hỗ trợ phân nhóm và các vấn đề pháp lý khác liên quan đến nhãn hiệu. Bạn đọc có thể liên hệ IP LEADER để được tư vấn thêm chi tiết, thông tin liên hệ:

Hotline: (+84) 76 455 2008 (Mr.Bảo)

E-mail: [email protected]

Đia chỉ: Phòng 03.02 Tòa nhà Newton Residence, Số 38 Trương Quốc Dung, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.