CÁC ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020
Câu hỏi:
Xin chào Công ty Luật Hà Đô, Doanh nghiệp của chúng tôi được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2014. Sắp tới có Luật Doanh nghiệp 2020 thay thế Luật Doanh nghiệp 2014, chúng tôi muốn hỏi luật sư điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 là gì?
Trả lời:
Luật Hà Đô cám ơn câu hỏi của Quý khách, ngày 17/6/2020, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (LDN 2020) đã được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 để thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (LDN 2014.
Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều và có các điểm mới như sau:
Thứ nhất, cắt giảm thủ tục hành chính.
– So với quy định về con dấu tại LDN 2014 thì LDN 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”. Theo đó, Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”.
– Có thể đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.
– Bỏ quy định “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp”. LDN 2020 đã bỏ quy định doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:
+ Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
+ Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
+ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
– Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021
Thời gian phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi tạm ngừng kinh doanh được rút ngắn từ chậm nhất 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Thứ hai, nâng cao khuôn khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.
– Sửa quy định về quyền của cổ đông phổ thông
LDN 2014 quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty để có các quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật này.
Tuy nhiên, theo LDN 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật này.
– Bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông
LDN 2020 bổ sung thêm nội dung về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông so với quy định tại Điều 115 LDN 2014 như sau:
“Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác“.
– Sửa đổi, bổ sung quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt:
+ Trường hợp thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện trong khi LDN 2014 quy định việc thực hiện thông qua người giám hộ.
+ Trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở thành thành viên công ty theo quy định sau đây:
- Người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty thay vì đến hàng thừa kế thứ ba như luật hiện hành quy định;
- Người được tặng cho không thuộc đối tượng trên thì người này chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.
+ Bổ sung các quy định:
- Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.
- Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước.
– Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước:
LDN 2020 quy định Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này thay vì do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như LDN 2014.
– Doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban Kiểm soát
Điều 103 LDN 2020 quy định: Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
Trong khi đó, LDN 2014 quy định bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh.
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Theo đó, Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết, tạo cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bảo đảm tương thích với Luật Cạnh tranh 2018 đối với các quy định về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
Điều 205 LDN 2020 đã bổ sung quy định doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện, còn LDN 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.
Thứ sáu, LDN 2020 bổ sung thêm các đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp doanh nghiệp bao gồm:
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Hà Đô về các điểm mới của LDN 2020, chúng tôi luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ theo số hotline 19006280 hoặc qua email [email protected] để được nhận tư vấn từ Luật sư của Công ty luật Hà Đô.
Có thể bạn chưa biết: Khi nào phải thay đổi Giấy phép đầu tư?