Bứt phá nhờ chuyển đổi số quốc gia
Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã được đẩy mạnh, hiệu quả ngày càng được khẳng định.
Đến nay, khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến (tăng 10% so với 30% cuối năm 2021).
Nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (18 tỉnh đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; 5 tỉnh ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ).
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… của người dân.
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… của người dân.
Mặc dù các kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, nhưng so với mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số (80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến) thì khoảng cách còn lớn.
Mặt khác, ngày 24/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, theo đó các dịch vụ công trực tuyến được yêu cầu cung cấp ở mức độ cao hơn, triệt để hơn, hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình.