Bút ký Nguyễn Tuân từ góc nhìn tương tác thể loại – Tạp Chí Tao Đàn
1. Đặt vấn đề
Là một nhà văn luôn có ý thức khám phá và cống hiến tài năng của mình cho văn chương, Nguyễn Tuân từng thử sức qua nhiều thể loại. Bên cạnh tùy bút, thể loại được xem là thành công nhất, ông còn có khá nhiều thiên bút kí đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi không có tham vọng kiến giải toàn vẹn đặc trưng thẩm mĩ bút kí Nguyễn Tuân, mà chỉ mong muốn từ góc nhìn tương tác thể loại, chỉ ra một số nét đặc sắc nghệ thuật làm nên giá trị các sáng tác của nhà văn ở thể tài này.
Xem thêm: Bút ký Nguyễn Tuân từ góc nhìn tương tác thể loại
2. Bút kí Nguyễn Tuân từ góc nhìn tương tác thể loại
2.1. Ranh giới giữa tùy bút và bút kí trên phương diện lí luận
So với tùy bút, số lượng tác phẩm bút kí của Nguyễn Tuân không nhiều, và gần như cũng chưa được chú ý đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu, theo chúng tôi, bắt nguồn từ chỗ: việc xác định ranh giới thể loại giữa các sáng tác bút kí và tùy bút của nhà văn này, trước nay, thường không có sự thống nhất. Vấn đề trở nên mơ hồ khi một số tác phẩm của Nguyễn Tuân ra đời với cách gọi chung là “kí” – trường hợp tập Sông Đà (1960), tập Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972) và tập Kí (1976). Ở những tác phẩm này, phải chăng nhà văn đã tỏ ra lúng túng? Nhưng cũng có thể là ông muốn trao quyền ấy lại cho người đọc, muốn gọi đó là gì tùy ý độc giả. Từ chỗ đó, lâu nay trong giới nghiên cứu cũng đã có người gọi những tác phẩm ấy bằng cái tên thật đặc biệt: “tùy bút – kí” [8, tr.108], song hầu hết thường là có thiên hướng gộp chung các sáng tác gọi là “kí” ấy, quy hẳn về thể tùy bút (có thể thấy qua nhiều bài nghiên cứu in trong công trình tổng hợp Nguyễn Tuân – về tác giả và tác phẩm, do Tôn Thảo Miên tuyển chọn [4]). Cách nhìn nhận như vậy, theo chúng tôi, không thật thỏa đáng; bởi, xét về đặc trưng thể loại, khá nhiều tác phẩm được in trong các tập trên vốn đậm đặc trưng của bút kí – xét về cả đặc trưng nội dung lẫn hình thức. Chúng tôi muốn nói đến những trường hợp cụ thể sau đây:
– Dọn nhà lên Điện Biên, Đi mở đường, Tây Trang, Đào Cộng sản, Tình cao su, Bài ca trên mặt phần đường, Than Quỳnh Nhai, Sông Đà đỏ trong tập Sông Đà (1960);
– Hà Nội giải tù Mĩ qua phố Hà Nội, Cho giặc bay Mĩ nó ăn một cái tết ta, Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào, Bưu điện Thanh đánh Mĩ, Bên ụ súng Hà Nội một đám cưới phòng không, Nó Bê-Năm-Hai phố Khâm Thiên, Sài Gòn tống Mĩ, Vụn B52 và hoa Hà Nội chiến thắng, Đất cùng trời toàn cõi ta từ đây sạch hẳn bóng nó, Vậy mà đã một năm chiến thắng B.52, Nhớ Huế trong tập Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972);
– Suối quặng, Một bài thơ đường, Cắm cột mốc giới tuyến, Tây Bắc và Lào Cai, Thi bơi, Chỗ đầu cầu đó – chỗ bờ sông đó – chỗ biển cát đó…, Hôm nào Bắc Nam đã được quan hệ bình thường, anh sẽ vô thăm đâu trước hết?, Về thăm đất lửa Quảng Trị, Từ Tân thế giới mà về, Mõm Lũng Cú tột Bắc, Ô-đét-xa, Lê-nin-grat tuyết đầu mùa, Hương hồng Bun(gari), Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy, Hà Nội ta diệt B52, Thăng Long cầu mới 15 nhịp trong tập Kí (1976).
Xem thêm: Nguyễn Tuân – Một thế giới quan phức tạp, một cái tôi cá nhân chủ nghĩa cực đoan
Đành rằng trên phương diện lí luận, đường biên giữa hai thể tùy bút và bút kí rất “mong manh”. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa:
– Bút kí là “Thể loại thuộc loại hình kí thường có quy mô tương ứng với truyện ngắn (…). Bút kí ghi lại những con người thực và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó” [1, tr.28];
– Tùy bút là “Một thể thuộc loại hình kí, rất gần với bút kí, kí sự (…). Nét nổi bật ở tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự kiện cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại” [1, tr.380].
Cả tùy bút lẫn bút kí, như vậy là, đều nhân một cái cớ nào đó để từ đó nhà văn bộc lộ những suy nghĩ của chính bản thân mình. Đó là nét tương đồng. Song về cơ bản, bút kí vẫn có phương thức phản ánh và giá trị riêng của nó, so với tùy bút. Chỗ khác biệt này từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh chỉ ra: “Bút kí và tùy bút rất gần nhau nhưng nếu trong tùy bút (…) phần trình bày, suy nghĩ nhận xét, liên tưởng của người viết chiếm tỉ trọng lớn và do đó, tính chất trữ tình thường khá đậm nét, thì trong bút kí, việc ghi chép thường khá trung thực, sự việc được coi trọng hơn” [2, tr.218-219]. Trong Từ điển Văn học bộ mới, Nguyễn Xuân Nam cũng nhấn mạnh: “Bút kí (…) không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực, có những nhận xét, suy nghĩ, liên tưởng, nhưng ít phóng túng triền miên mà tập trung thể hiện một tư tưởng chủ đạo nhất định” [3, tr.173]. Như vậy có thể thấy, xét về đặc điểm thể loại, bút kí tuy có hàm chứa yếu tố biểu cảm nhưng nó không trở thành mục đích chính yếu như ở tùy bút, đích hướng đến của bút kí vẫn là nhằm thông tin sự thật. Và do đó, giá trị hàng đầu của bút kí là giá trị nhận thức; khác với tùy bút là giá trị biểu cảm, gắn liền với thông tin tâm trạng. Căn cứ vào đó, chúng tôi cho rằng, có cơ sở để Nguyễn Thành Thi đi đến kết luận: “Sau 1945, kí Nguyễn Tuân không hẳn là “tùy bút” nữa mà đã chú trọng ghi chép sự kiện, sự thật và ngả sang bút kí…” [6, tr.37]. Tất nhiên, sự phân định rạch ròi nào cũng sẽ trở nên khiên cưỡng, bởi thể loại còn có phía biến động của nó. Từ thực tế nghiên cứu, Trần Đình Sử cũng đã chỉ ra: “Phân lượng của các phương thức, phương tiện chiếm lĩnh nội dung, tổ chức văn bản trong từng bài kí luôn luôn có sự thay đổi tùy theo bút pháp của các nhà văn khác nhau, nên ranh giới các thể bút kí, kí sự, tùy bút có khi không thật rạch ròi, rất khó phân biệt, nhất là trong một bài ngắn” [5, tr.381]. Điều đó càng thể hiện rõ hơn ở trường hợp các sáng tác “kí” của Nguyễn Tuân. Mặt khác, nghiên cứu thể loại cũng không chỉ để nhận ra một tác phẩm thuộc loại văn học nào, mà hơn nữa chính là “nhận ra cái hình thức thể loại tạo thành hình thức chỉnh thể của nó, quy định sự thống nhất nội dung và hình thức của nó” [5, tr.249]. Do vậy, chúng tôi quan niệm, việc phân tách ra bút kí và tùy bút ở trường hợp các tập “kí” của nhà văn này không ngoài mục đích nhằm nhận diện thỏa đáng hơn giá trị các sáng tác bút kí (tránh trường hợp đánh đồng với tùy bút) và việc làm ấy phần nào mang tính tương đối.
Xem thêm: Giải mã phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân
Như đã trình bày, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi không có tham vọng kiến giải toàn vẹn các phương diện đặc trưng của bút kí Nguyễn Tuân, mà chỉ mong muốn từ góc nhìn tương tác, chỉ ra những tín hiệu đặc sắc thẩm mĩ trong sáng tác của ông ở thể tài này.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, bút kí của Nguyễn Tuân có biểu hiện dung nạp vào chúng đặc trưng của các thể khác như: tùy bút, du kí, truyện. Hiện tượng này mang lại nhiều hiệu ứng thẩm mĩ độc đáo trong tác phẩm.
2.2. Đặc trưng tùy bút, du kí trong bút kí Nguyễn Tuân
Điểm nổi bật ở nhiều bút kí của nhà văn này là thiên hướng “nhìn sang” tùy bút. Hiện tượng này để lại dấu ấn tương đối rõ nét ở chỗ: mạch bút kí Nguyễn Tuân hiếm khi được trình bày theo trình tự tuyến tính của sự việc, mà thường là chảy trôi theo dòng cảm nghĩ hết sức thoải mái của tác giả, chuyện nọ gọi chuyện kia, chồng chéo lên nhau, không theo một trình tự nào, và cũng không bị hạn chế bởi không gian, thời gian. Ranh giới giữa bút kí và tùy bút vì thế, nhiều lúc trở nên “nhòe mờ”, khó phân. Có thể nói, vẫn là nặng về “ghi chép” chân thực hiện thực cuộc sống nhưng trong bút kí Nguyễn Tuân, yếu tố cảm xúc chủ quan của nhà văn đã đi trước một bước. Ông thường để cảm xúc dẫn dắt đến những ngã khác nhau để từ đó phóng chiếu những suy nghĩ của mình. Tác phẩm, do vậy, gần như không bị câu thúc bởi những sự việc được đề cập đến mà nổi bật nhất vẫn là dòng cảm xúc của tác giả luôn chảy tràn bên lượng thông tin đầy ắp. Và nếu tinh ý, độc giả sẽ nhận ra, tính mờ nhòe về đặc điểm thể loại còn trở thành “môi trường” thuận lợi để nhà văn tha hồ tung hoành trong biên độ rộng. Tác giả bút kí cứ thế tạo ra những bước đột phá trong việc phản ánh hiện thực và bộc lộ những suy nghiệm của bản thân. Vì thế, có khi nhà văn như để câu văn chảy tuôn theo dòng xúc cảm: “Tôi cảm thấy giữa quãng không gian ngã ba Tây Bắc này, mình đích thị là một người bộ hành hạnh phúc. Cái hạnh phúc của người thấy được cả cái quá trình của một sự việc lớn – của một con đường cái quan. Cái hạnh phúc của một người khách qua đường đã may mắn có được cơ hội để nhìn thấy con đường này từ lúc nó còn chưa tốt chưa đẹp như bây giờ…” (Một bài thơ đường); lúc thì dừng lại khắc họa một vài nhân vật, hay kể lại chi tiết những sự kiện ở hiện tại hoặc quá khứ: “Trời, tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh của anh Năm nói cách đây ba bốn năm, ở một lớp chính trị, khi nhận định về đặc điểm tình hình hai miền. Anh Năm nhấn mạnh vào chỗ cắt đôi của Tổ quốc, không cắt ngang mà lại cắt theo một chiều dọc. Thực ra cắt ngang hay cắt dọc cũng đều là khổ cả, đã cắt thì bao giờ cũng đau, bao giờ cũng là máu chảy. Cho đến nay, vết thương vẫn chưa cắt chỉ thay băng” (Cắm cột mốc giới tuyến); và nhiều lúc lại như mải mê với những cảm tưởng về viễn ảnh tương lai: “Con suối nhớ thương một cách ồn ào, mà tôi thì đang tương tư đến một viễn ảnh tương lai gần nào ở quanh bờ này. Biết đâu tại đây rồi lại chả mọc lên một cái gì có quy mô lớn của bàn tay xã hội chủ nghĩa chúng ta? Biết đâu nỗi nhớ dữ dội đêm nay của dòng suối, lại không là cái tiếng reo vui khỏe mạnh sắp tới của những ống tuyếc-bin chạy điện trắng của một nhà máy lọc quặng kim nào trên đất Hà Giang nhiều suối này?” (Suối quặng)… Mạch văn nhìn chung hết sức linh hoạt do biên độ thể loại được nới lỏng. Những dòng liên tưởng bất chợt, những phát biểu, suy cảm tùy hứng, một mặt, tuy có dẫn đến nhiều đoạn trong bút kí khá lan man, dài dòng nhưng mặt khác, cũng nhờ đó mà sáng tác của Nguyễn Tuân thêm nhiều màu – vẻ, vừa giàu sức thuyết phục với những chi tiết, thông tin cụ thể, lại vừa nâng tình cảm, tư tưởng của người đọc lên với những trang viết mang đậm cảm hứng trữ tình.
Xem thêm: Sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám 1945
Bút kí Nguyễn Tuân còn được tiếp thêm nhiều dưỡng chất từ người “anh em” du kí. Hầu hết các sáng tác của nhà văn ở thể này đều ra đời sau 1960. Nguyễn Tuân lúc này tuy tuổi tác đã ngoài ngũ tuần nhưng vẫn tiếp tục đi nhiều và viết nhiều. Ông có lúc đã lên tận đỉnh Hoàng Liên Sơn, tới tận Lũng Cú tột Bắc; rồi lại xê dịch về phía Đông Bắc thăm Quảng Ninh, tới huyện đảo Cẩm Phả, bãi cát Sa Vĩ, Trà Cổ, ra tận đảo Cô Tô. Ông cũng đi nhiều về phía Nam, men theo bờ sông Tuyến, từ Cửa Tùng đến cầu Hiền Lương, cảm nghĩ nhiều về nỗi đau chia cắt đất nước… Đặc biệt nhà văn còn nhiều lần ra nước ngoài, đến Bun-ga-ri, Liên Xô, thăm Mạc Tư Khoa, Lê-nin-grat, Ô-đét-xa… Các sáng tác của ông, do vậy, từ tùy bút cho đến bút kí, đều mang đậm dấu ấn của du kí. Chúng thường làm giàu thêm nhận thức, kinh nghiệm, tình cảm của người đọc bởi lượng thông tin phong phú, cùng những cảm xúc đa dạng, tươi mới về những thắng cảnh, phong tục, dân tình… ở nhiều vùng quê của Tổ quốc, và cả ở những xứ sở xa lạ, những nơi mà tác giả từng đặt chân đến.
Song, làm nên nghệ thuật đặc sắc lẫn sức hấp dẫn thực thụ của bút kí Nguyễn Tuân, có lẽ, là ở cái nhìn. Nói như Vũ Đức Phúc, bút kí Nguyễn Tuân làm cho ta “biết nhìn” [4]. Chúng tôi muốn nói đến hiện tượng “cộng hưởng thể loại” và sự mở rộng khả năng nghệ thuật trong các sáng tác của nhà văn ở thể này. Cụ thể là: trong bút kí Nguyễn Tuân, trường quay của du kí vốn luôn được nâng đỡ bởi tư duy linh hoạt của tùy bút đã tạo nên một kiểu nhìn độc đáo có mặt ở hầu khắp các sáng tác – một kiểu nhìn xê dịch đầy ấn tượng!
Khác với cái nhìn xê dịch trong tùy bút, do thường xuyên chịu sự chi phối bởi đặc trưng kí sự, phóng sự đã dẫn đến cái nhìn thường đơn tuyến, xuôi chiều. Trong bút kí, cái nhìn của Nguyễn Tuân tỏ ra cầu kì, “phức tạp” hơn. Nhà văn thường từ một điểm như ở giữa hình cầu mà phóng chiếu tầm mắt ra bốn phương, tám hướng. Cái nhìn ấy, khi thì lướt nhanh, khi thì dừng lại xoáy sâu vào từng điểm; có khi là chiêm ngưỡng từ một điểm cố định, nhưng thường là không cố định một chỗ mà có xê dịch: khi thì xê đi dịch lại, khi thì đi từng bước, khi thì xê dịch theo ô tô, máy bay, ghe thuyền… Và vì xê dịch thường xuyên như thế nên cái nhìn ấy vừa quay theo mình lại vừa đi tới, cái nhìn trong không gian cũng hòa lẫn với thời gian. Không gian không chỉ được Nguyễn Tuân mô tả ở một phía, mà thời gian cũng không chỉ theo một dòng thẳng. Sự vật trong thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai vì vậy, cũng thường quay tròn theo tâm điểm của trường nhìn chủ thể. Mặt khác, không chỉ nhìn bên ngoài, nhà văn còn nhìn bên trong, tâm tình bên trong gắn liền với không gian, thời gian vận hành xê dịch, thời gian di chuyển, do đó, thường khi xuôi, khi ngược, khi nhanh, khi chậm, không theo một quy luật nhất định nào.
Một bài thơ đường, kết quả từ một chuyến lên Tây Bắc của nhà văn, tiêu biểu cho cái nhìn ấy. Ta dễ dàng nhận ra chủ đề chính của bút kí này là ca ngợi việc bắc cầu, làm đường của chủ nghĩa xã hội lên miền núi Tây Bắc. Đó cũng là trục chính của tác phẩm. Xoay quanh cái trục ấy, nhà văn đã dồn ép trong thiên kí ngắn này hồi ức về các chuyến lên Tây Bắc, với nhiều kiểu đi: từ đi bộ, đi ô tô, đến bay theo các quãng đường trời… và nhiều kiểu đường, các kiểu đường ấy lại thay đổi qua nhiều thời kì: đường bộ với nhiều khúc quanh co hoặc bằng phẳng, với sông suối, với lũ lụt rồi với cầu; đường trời với nhiều kiểu không khí… Nhà văn còn dồn ép kí ức về những khi dừng lại, những nơi đã đến, đã ở hai ba lần, kể chuyện ban đêm, ban ngày, những chuyến lên ăn ở với công nhân làm cầu đường, được chứng kiến nhiều cảnh sinh hoạt của họ… Ông lại “lùi về hai mươi năm trước đây, mười năm trước đây” để kể lại những kỉ niệm về cảnh vật và con người, về ta về địch, với nhiều câu chuyện: nào là bác tài xế vượt lũ, ông lái đò vượt thác, công nhân làm đường chống lụt, chữa cháy, cả với những cảnh ốm đau, hoạn nạn, cảnh hạnh phúc, cưới xin…; để rồi trở về thực tại, lại liên tưởng nhiều về sự tiến lên của đất nước. Đó là cái nhìn toàn cảnh. Kiểu nhìn lướt nhanh, dồn ép không gian – thời gian như thế còn xuất hiện ngay trong những đoạn ngắn, gợi nhiều ấn tượng ở người đọc. Quan sát đoạn trích dưới đây, ta có thể thấy rõ cái nhìn đặc thù ấy:
“Cái xe cứ bon bon mà chạy, mà qua hết cầu này cầu khác (1). Nhà cửa, lều, lán, kho, trại, sân, cống, vườn, bến, cột cờ, chòi phát thanh, đâu hết cả rồi? (2). Chỉ còn rừng xanh một dải và đường trắng cũng một dải (3). Thấy tênh hênh mà tan quạnh cả đi như người và lầu Liêu trai sau tiếng gà gáy sáng (4). Nói cho đúng hơn thì nó như là trở lại một cái phố trong rừng Việt Bắc những năm tản cư kháng chiến hàng quán tấp nập là thế, mà nay tìm hỏi thì trước sau chỉ còn thấy có giọt nắng gieo trên lá cũ (5). Cuộc sống thật là luôn luôn chuyển lên và đổi mới. Họ rút đi khỏi nơi đây để hòa tan vào những cái mới hơn đang hình thành ở mọi nơi khác chung quanh vùng (6).” (Một bài thơ Đường) [12].
(1) Kiểu nhìn lướt nhanh, xê dịch bằng ô tô à (2) Thoáng hiện về trong trí nhớ cảnh vật chung quanh khi đoàn công nhân làm đường tập trung ở quãng đường ấy à (3) Cảnh vật trước mắt lướt thẳng, tâm sự hơi ngậm ngùi à (4) So sánh sự đổi thay huyền ảo, nỗi niềm bâng khuâng, buồn, nhớ à (5) So sánh thực hơn, cảnh đổi thay gợi lên tâm trạng kiểu bài thơ của Thôi Hộ à (6) Từ bâng khuâng đến tỉnh táo, với cái nhìn lạc quan về hiện tại và tương lai trong cuộc đổi mới đất nước, nhà văn lại nghĩ tiếp về hợp tác xã ở thôn quê và thành thị hiện nay…
Xem thêm: Sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám 1945
Kiểu nhìn xê dịch, dồn nén không gian, thời gian, tâm tình, tỏa ra rồi dừng lại ở một điểm, rồi đi sâu vào chỗ chi li của điểm ấy, xoay quanh một chủ đề nhất định cũng là cấu trúc chung của nhiều bút kí Nguyễn Tuân. Trên đây là kiểu lướt nhanh nên đoạn văn thường ngắn. Nhưng khi dừng lại ở một điểm thì bút pháp của nhà văn thường chạm khắc mọi thứ hết sức tỉ mỉ:
“Tôi nhìn cái cầu bê tông vừa mới hoàn thành, trên mặt cầu còn phủ lá phủ đất và còn cả cái ngáng tre ở chỗ mối đường vào cầu. Mố cầu cả phía Điện Biên, cả phía Tuần Giáo đều chưa có tí ngấn nước lũ mùa thu nào. Mới quá.” (Một bài thơ Đường)
Có thể thấy ở đoạn trên, cái nhìn của nhà văn gần như đã thu hẳn về một đối tượng, từ đó, ông đi vào từng điểm, từng điểm cụ thể, và khám phá từng bình diện của sự vật. Trong nhiều trường hợp, “ống kính quay chậm” của Nguyễn Tuân còn tỏ ra khá chi li:
“Nắng rừng rọi xuống, xuyên qua tấm kính mặt suối bằng sỏi, đá cuội, đá lăn, đá đầu sư, đá hộc, đá gốc hiện lên bằng hết. Bỗng thấy nơi đầu hòn này, nơi đầu hòn kia ẩn ẩn hiện hiện, những vết sứt rất mới. Toàn thân viên đá mòn đều một chất rêu lưu cữu, chỉ riêng chỗ vết thương mới là không có rêu, và lộ ra những hai cấu trúc của đá. Đàn ngựa thồ nào qua đây, chắc là tải hàng nặng lắm, mỗi con chở tới bốn thùng dầu hỏa là đúng 80 cân. Thồ nặng, trượt chân trên trán đá, ngựa vấp mạnh móng sắt vào, làm sứt sẹo lũ đá lòng nước chứ gì! Tôi tìm kĩ những cái sẹo đã lóng lánh cát bạc cát vàng li ti nổi vân xanh đỏ. Chỉ có đánh búa vào thì mới vỡ to vỡ gọn như thế. Thôi, đúng là quanh vùng đây có một địa chất nào đang đi tìm hiểu thêm đất nước, và phát hiện thêm của chìm của nổi cho Tổ quốc đây!.” (Suối quặng)
Nhà văn không chỉ nhìn thấy các thứ đá, cả vết sứt của hòn đá nằm trong lòng suối, mà còn tìm hiểu cả nguyên nhân tạo ra vết sứt ấy. Nghệ thuật đặc tả của Nguyễn Tuân ở đoạn văn trên có thể nói, đã đạt đến kĩ thuật tài tình của người chạm ngọc. Nói chính theo kiểu của ông thì, “kĩ thuật rất chi là xuya”!
Với một kiểu nhìn đặc thù đầy ấn tượng như vậy, bút kí Nguyễn Tuân nhìn chung, thường đem đến cho người đọc nhiều khám phá thú vị, bất ngờ. Chính cái nhìn đầy biến hóa ấy đã khiến cho nhiều tác phẩm của ông tuy có dung lượng nhỏ mà ngồn ngộn cảm xúc, trùng trùng biểu tượng. Trong đó, tất cả niềm vui, nỗi buồn; quá khứ, hiện tại, tương lai; thiên nhiên, con người; dữ dội, tươi đẹp; ngọt ngào, cay đắng; nồng nàn, sâu lắng… thường hòa quyện vào nhau, dệt nên những khêu gợi lấp lánh, huyền ảo. Và đó cũng là đặc sắc nghệ thuật của bút kí Nguyễn Tuân.
2.3. Yếu tố truyện trong bút kí Nguyễn Tuân
Các sáng tác của nhà văn ở thể này còn có biểu hiện dung nạp vào chúng các yếu tố của nghệ thuật truyện. Hiện tượng này ta cũng thấy ở tùy bút. Song, khác với tùy bút ở chỗ, trong bút kí, Nguyễn Tuân thường không có thiên hướng tạo dựng cốt truyện, xây dựng tính cách nhân vật mà chủ yếu hấp dẫn người đọc bằng những mẩu chuyện, những “giai thoại” được đan lồng trong cấu trúc tác phẩm, cùng với nghệ thuật hư cấu.
Xem thêm: Chữ người tử tù: Chiến thắng tuyệt đối của cái đẹp
Có thể nói, làm nên sức hấp dẫn của bút kí Nguyễn Tuân, trước hết là ở nghệ thuật dẫn chuyện rất tài tình của nhà văn. Tác giả thường lồng vào mỗi bút kí của mình một hoặc vài ba mẩu chuyện được kể một cách ngắn gọn, thông minh, với một giọng “rất hóm” (từ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh). Chẳng hạn, trong Cắm cột mốc giới tuyến, có câu chuyện về đoàn Liên hợp quân sự đi cắm biển vạch đường giới tuyến năm 1954; sức hấp dẫn của mẩu chuyện này gắn liền với hai tình tiết: quan ba Bétxina “ngã nhiều lần và trượt chân thì không nhớ là bao nhiêu lần”, và những tấm biển thì được đóng lên những cây bún, cây trổ (!). Trong Thi bơi là chuyện về bọn ngụy tổ chức thi bơi sải, nhân ngày “Quốc khánh cộng hòa Diệm”, với hình ảnh “bà già quận trưởng cầm dùi trống gõ ba hồi”, và “kết quả cuộc đua là có hai thuyền chìm” (!). Trong Chỗ đầu cầu đó, chỗ bờ sông đó, chỗ biển cát đó… còn có giai thoại hết sức thú vị giữa bộ đội miền Bắc đấu lí với bọn lính ngụy ở bờ Nam cùng gác cầu… Đấy là nói về phía địch. Về bên ta, nhà văn cũng có những mẫu chuyện khá dí dỏm. Trong Suối quặng là chuyện về một anh cán bộ địa chất, do nghề nghiệp nên có thói quen đi nhanh và đi bộ dẻo dai, khi về Hà Nội tìm hiểu “đối tượng”, lại kém về “khoa tâm lí”: “Hai anh chị ấy cùng đi bách bộ trong vườn Thống Nhất. Chị đi thong thả, còn anh thì quen chân, cứ tranh thủ mà đi, tưởng đâu như con đường sỏi cuội hoa viên vẫn còn là tuyến lộ trình trên ấy. Chị đối tượng có vẻ mỏi liền gợi ý: “Anh đã đi lâu rồi, nên ngồi xuống một lúc ở ghế đá trước mặt kia nhé!”. Tính anh bạn tôi cũng đơn giản, không chú trọng đến những ý tứ mình chưa quen, liền trả lời một cách thẳng thắn: “Đi bộ thế này thấm gì. Tôi thường đi cả ngày, từ sớm đến xẩm tối không nghỉ gì cả…”. Câu chuyện tìm hiểu ấy hình như chưa tiến lên được mấy…”. Trong bút kí Bên ụ súng Hà Nội, một đám cưới phòng không lại có một giai thoại vui khác về hai anh chị công nhân, vốn là tự vệ bắn cao xạ lấy nhau; trong đám cưới, chú rể hội ý chớp nhoáng với cô dâu xong, liền nói: “Sang năm 1973, chúng tôi bảo đảm X giây một phát”. Thực ra, ngầm ý anh ta muốn nói là thi đua “bắn nhanh” máy bay địch!. Ngoài ra còn nhiều mẩu chuyện thú vị khác nữa, như chuyện ông Đại, người sơn tràng, có võ nghệ cao cường, say rượu đánh chết hổ; chuyện ông Hùng 71 tuổi, giết cá sấu trên sông Bó Đuốc trong Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy; câu chuyện về “suối cá hộp” trong Một bài thơ đường… Cứ thế, hầu như ở bút kí nào của Nguyễn Tuân cũng thấy có điểm xuyết một hay dăm ba câu chuyện ngồ ngộ, vui vui, hoặc có ý vị trào phúng, hoặc cảm động. Những mẩu giai thoại ấy, đến lượt chúng, không chỉ làm tăng thêm sinh khí cho tác phẩm mà còn góp phần làm thay đổi giọng điệu kể chuyện; cách trần thuật của nhà văn nhờ đó trở nên linh hoạt, sinh động hơn, thay vì chỉ thuần túy ghi nhận và phát biểu cảm xúc.
Nghệ thuật hư cấu cũng là một nét riêng, làm tăng sức hấp dẫn và phẩm giá của bút kí Nguyễn Tuân. Phải chăng trong quá trình kiến tạo các tác phẩm ở thể tài này, “kí ức thể loại” đã tìm về với Nguyễn? Rất có thể là vậy. Song chúng tôi cho rằng, cội nguồn sâu xa của hiện tượng này có lẽ còn xuất phát từ chính ý thức nghệ thuật của nhà văn – Nguyễn Tuân là người hết sức đề cao vai trò của hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật, và ông cũng ý thức rõ: “Hư cấu không khi nào tách rời thực tế sự sống” [12, tr.973]. Trong tùy bút, ta thấy đặc tính này đã được nhà văn khai thác triệt để để dựng cảnh và khắc họa nội tâm nhân vật. Đến bút kí, chúng lại được sử dụng để dựng chuyện. Đọc đoạn văn tác giả viết về tên ngụy gác cầu Hiền Lương đấu khẩu với quân ta bị thua:
“Đêm đó về đồn cảnh sát đầu cầu Nam, thuật lại mẩu chuyện bắn ô tô qua cầu đó, anh lính miền Nam kia liền bị cả tốp đồng ngũ nó nhiếc là hèn kém cho nên mới bị ăn cái “đòn hòa bình” vừa rồi nơi đầu cầu. Và trong bọn có thằng cha ra vẻ du côn hung hăng tuyên bố: “Được, ba đứa bây để đó cho tau. Bữa mô tau qua cầu đấu lí với bọn hòa bình hẳn cho tụi bây coi.” (Chỗ đầu cầu đó, chỗ bờ sông đó, chỗ biển cát đó…)
Hay đoạn nhà văn miêu tả quan ba Bétxina trên thuyền đọc cuốn Điện Biên Phủ của Lucién Bornert trong Cắm cột mốc giới tuyến:
“Quan ba Pháp Bétxina đang đọc cuốn Điện Biên Phủ ở Pháp vừa gửi qua cho ông. Cuốn Điện Biên Phủ của Lucién Bornert đó vừa in xong ngày 25-5-1954 (tức là 18 ngày sau khi mất Điện Biên Phủ, quan ba Bétxina nghĩ thế) (…) Và ngừng lại ở cái đoạn tàu bay bắn phá trên các đường trục Tây Bắc, ném bom tạ, bom bướm xuống những trọng điểm giao thông. Nhưng mà tàu bay đó cũng bất lực không thể ngăn lại được “hai vạn cu li gánh hàng trong lòng rừng có những lối đi hóc hiểm”. Và rừng dày Tây Bắc đã phá được tàu bay Mĩ, bảo vệ cho những người “cu li nguy hiểm” đó. Đến cái câu “Điện Biên Phủ tức là cái chiến thắng của đám cu li” thì, không còn nghi ngờ gì nữa, viên quan ba này biết ngay tác giả sách đang đọc là một thằng cha tác giả bố láo viết bậy”(!) [12]
Người đọc đều hiểu rõ rằng tác giả đang kể, đang tả những việc mà ông không tận mắt trông thấy, hoặc chín phần mười là không nghe ai nói, nhưng lại không cảm thấy hoài nghi về tính xác thực của những sự việc được nhà văn đề cập đến. Vậy là, chuyện do nhà văn “bịa” ra đấy nhưng cũng là rất “thực”! Có thể nói như vậy, bởi ai trong chúng ta cũng đều nhận ra rằng, chính logic cuộc sống đã cho phép nhà văn suy luận như thế. Qua đó có thể thấy, thế mạnh vốn thuộc về lối tư duy của truyện đã được nhà văn kế thừa hết sức sáng tạo. Sự tham gia của yếu tố hư cấu không những không phá vỡ đi tính chất “tôn trọng sự thực” – đặc tính hàng đầu của bút kí, mà ngược lại, còn làm tăng thêm sức thuyết phục nghệ thuật cho các yếu tố được thực tả; tác phẩm vì thế, càng thêm phần sinh động. Đặc biệt, sự hòa hợp giữa hai yếu tố này (hư cấu và phi hư cấu) đồng thời còn mở ra ở người đọc một tầm nhìn vừa bao quát, toàn diện, vừa khái quát, khi tiếp cận hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.
Xem thêm: Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ”
3. Kết luận
Là một bộ phận sáng tác chưa dành được nhiều sự quan tâm thỏa đáng từ giới nghiên cứu, bút kí Nguyễn Tuân vì vậy, cơ bản vẫn còn tiềm ẩn nhiều giá trị, có thể và cần được tiếp tục quan tâm khai thác để bổ sung một cái nhìn toàn vẹn hơn về diện mạo văn xuôi của Nguyễn Tuân.
Từ góc nhìn tương tác thể loại, chúng tôi nhận thấy bút kí của Nguyễn Tuân là một chỉnh thể nghệ thuật hết sức năng động với nhiều nét đặc sắc như: có hiện tượng đối thoại giữa các yếu tố “cộng cư” với thể loại “chủ âm”, tạo nên những “âm vang cộng hưởng”; tác phẩm đa thanh với kết cấu mở, luôn “vẫy gọi” sự đồng sáng tạo của người đọc. Đặc điểm nổi bật trên của bút kí Nguyễn Tuân cũng đã chứng minh một điều: Bút kí không phải là thể loại ít giá trị văn học như nhiều người trước nay vẫn quan niệm, mà đúng như Nguyễn Tuân từng tâm đắc: “Đứng trước văn học, các thể loại đều bình đẳng. Viết cho đúng, hay, giỏi, sâu sắc thì thể loại nào cũng có giá trị” [7, tr.203-204].
– Trương Hoàng Vinh –
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Hạnh (2001), Chuyện văn chuyện đời, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2005), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội.
4.Tôn Thảo Miên (tuyển chọn và giới thiệu) (1999), Nguyễn Tuân – về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5.Trần Đình Sử (chủ biên) (2010), Lí luận văn học, tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
6. Nguyễn Thành Thi (2010), Văn học – Thế giới mở, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
7.Nguyễn Tuân (1985), “Về thể kí”, Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.203-219.
8.Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội.
9.Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội.
10. Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập III, Nxb Văn học, Hà Nội.
11.Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập IV, Nxb Văn học, Hà Nội.
12.Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, tập V, Nxb Văn học, Hà Nội.