Business Owner, Product Owner, Product Manager và các giai đoạn phát triển sản phẩm
Chắc hẳn nhiều chúng ta còn đang mơ hồ giữa các khái niệm này, vậy thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin giúp các bạn hiểu hơn công việc cũng như tuyển dụng các vị trí này vào team sẽ biết cụ thể cần vị trí này làm gì và có background như nào là phù hợp.
Business Owner, Product Owner, Product Manager và các giai đoạn phát triển sản phẩm
Đầu tiên, một Startup hay Doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm (Product) để kinh doanh, vậy Product thường có các giai đoạn phát triển như sau (Product Lifecycle):
Giai đoạn phát triển sản phẩm (Development Stage) -> Giai đoạn giới thiệu sản phẩm (Introduction Stage) -> Giai đoạn tăng trưởng sản phẩm (Growth Stage) -> Giai đoạn sản phẩm “trưởng thành” (Maturity Stage) và một giai đoạn có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào và kết thúc vòng đời của sản phẩm, đó là giai đoạn sản phẩm “thoái trào” (Decline Stage).
Đối với các sản phẩm đang ở giai đoạn phát triển sản phẩm, tức là khi Founder đang chỉ có Ý tưởng kinh doanh hoặc đang trong quá trình xây dựng phiên bản MVP (Minimum Viable Product – Sản phẩm khả thi tối thiểu), vị trí Product Manager (PM) khi này sẽ có các công việc như mình mô tả như hình 1.
Quy trình phát triển sản phẩm theo mô hình Agile/Scrum mình sẽ gom thành 5 bước:
- Create Business Concept & Business Requirement
- Plan & Define
- Design & Develop
- Release
- Commercialize & Track
Bước 1: Ở giai đoạn đang chỉ là ý tưởng
Founder sẽ tạo ra một Business Concept (Định hướng kinh doanh chủ đạo) bao gồm các mô tả về hướng kinh doanh của sản phẩm, bao gồm sản phẩm như nào, cung cấp dịch vụ gì, khách hàng là ai, mô hình kinh doanh (Business model), lợi thế và sự khác biệt của sản phẩm mình với các đối thủ, thị trường..
Sau đó, Founder sẽ hình dung chi tiết hơn về sản phẩm của mình, sẽ bao gồm những tính năng gì, giao diện như nào, chất liệu hay nguyên liệu tạo ra sản phẩm hay công nghệ tạo ra sản phẩm..
Bước thứ 2: Product Manager có thể cùng với Founder tạo ra các tài liệu mô tả sản phẩm (PRD) – mục đích để team xây dựng sản phẩm sau này có thể hình dung chi tiết về sản phẩm sẽ xây dựng.
PM khi này đã có thể tạo ra Product Roadmap ( Lộ trình phát triển sản phẩm) cơ bản, xác định nguồn lực để tạo ra sản phẩm, kế hoạch để xây dựng sản phẩm và điều cực kỳ quan trọng là “Tích hợp các con người xây dựng sản phẩm với quy trình và công nghệ”.
Để xây dựng 1 sản phẩm, dù chỉ là phiên bản MVP, cũng có thể cần nhiều hơn là một người phát triển. Và khi xây dựng sản phẩm bao gồm nhiều con người, với các công nghệ khác nhau, các công việc khác nhau thì sẽ phải cần có quy trình phù hợp để các thành viên team xây dựng sản phẩm gắn kết và tương tác.
Ví dụ như việc xây dựng một sản phẩm là phần mềm hay ứng dụng di động, có thể sẽ cần bạn Thiết kế giao diện UX/UI, lập trình giao diện Frontend cần công nghệ React sẽ cần bạn Frontend Developer có kinh nghiệm hay kiến thức lập trình React, lập trình backend cần sử dụng ngôn ngữ PHP và cơ sở dữ liệu MySQL sẽ cần bạn Backend Developer có kỹ năng ngôn ngữ PHP và MySQL..
Đối với các sản phẩm cực kỳ phức tạp như xây dựng Điện thoại di động kiểu như BKAV hay phát triển xe hơi VinFast , cần hàng trăm kỹ sư tại nhiều bộ phận khác nhau, thì việc “Tích hợp các con người xây dựng sản phẩm với quy trình và công nghệ” là công việc cực kỳ quan trọng và kỹ năng này chỉ dành cho lãnh đạo cấp cao, người được xem như kiến trúc sư trưởng của sản phẩm, nắm rất rõ quy trình và kinh nghiệm phát triển sản phẩm.
Bước thứ 3: Sau khi đã chuẩn bị nguồn lực, PM sẽ cùng với team phát triển sản phẩm phác thảo bản thiết kế và xây dựng sản phẩm.
Lúc này, công việc của PM là quản lý danh sách các công việc trong việc phát triển sản phẩm, sắp xếp thứ tự thực hiện các công việc và theo dõi cũng như quản lý công việc với team phát triển sản phẩm.
PM có thể làm việc với chính khách hàng tiềm năng của sản phẩm để hoàn thiện các tính năng của sản phẩm trong quá trình xây dựng, và đánh giá cũng như kiểm tra chất lượng của sản phẩm.
Bước thứ 4: Khi đã hoàn tất việc phát triển, sản phẩm sẽ được phát hành ra thị trường bản dùng đầu tiên.
PM ở bước thứ 4 cần chuẩn bị kế hoạch ra mắt thị trường, chuẩn bị cũng như giám sát các thành phần cần có khi ra mắt, như Product Branding (từng thành phần để định vị thương hiệu sản phẩm), các kênh ra mắt sản phẩm, các tài liệu quảng cáo sản phẩm và nhân sự cần thiết để ra mắt sản phẩm.
Lưu ý, PM cần phải tạo ra các phương thức để lấy feedback từ khách hàng sử dụng sản phẩm một cách khoa học và hợp lý.
PM có thể tạo ra các KPI, các chỉ số đo lường cho việc phát hành sản phẩm lần đầu này, như các chỉ số như Lead Generated (Chỉ số đo lường việc tạo các khách hàng tiềm năng), KPI đo lường hiệu quả các kênh phát hành sản phẩm,KPI về Traffic (Lưu lượng truy cập), KPI số lượng người dùng thử hoặc bắt đầu dùng, KPI doanh số sản phẩm..
Bước thứ 5: Sau khi phát hành sản phẩm lần đầu, PM có thể đánh giá các Feedback của khách hàng về sản phẩm, đo lường được các thông số cần thiết của sản phẩm để cải thiện chất lượng sản phẩm, sửa chữa lỗi của sản phẩm, cũng như nâng cao UX trải nghiệm người dùng..
PM cũng có thể xem xét hoặc cải thiện thêm về giá bán sản phẩm, về mô hình kinh doanh sau khi đã có các số liệu từ người dùng.
Chia sẻ từ Nguyễn Trọng Nghĩa _ Launch