Business Model Generation – Tạo Lập Mô Hình Kinh Doanh (Tái bản)

Tạo Lập Mô Hình Kinh Doanh (Tái bản) là cuốn sổ tay dành cho những doanh nhân có khao khát thay đổi, khao khát vươn lên.

Với hơn một triệu bản được bán ra, cuốn “Tạo lập mô hình kinh doanh” đã tái bản ngay sau khi nó phát hành được 10 ngày. Một số công ty thành công nhất trên thế giới hiện nay như Facebook, Walmart, Microsoft… đều được đưa vào làm ví dụ trong sách.

Hiện nay vô vàn những mô hình kinh doanh mới mẻ đang xuất hiện. Những ngành kinh doanh hoàn toàn mới mọc lên trong khi những ngành cũ dần sụp đổ. Những doanh nhân mới nổi thách thức đội ngũ “vệ binh già”, trong số đó có không ít người đang trằn trọc tìm cách đổi mới chính mình.

Trong “Tạo lập mô hình kinh doanh” tác giả của cuốn sách Alexander Osterwalder và Yves Pigneur không rao giảng lý thuyết suông mà “miệng nói tay làm”. Được sự hợp tác của đông đảo các chuyên gia về kinh doanh ở 45 quốc gia khác nhau, dường như các tác giả đã tìm được đúng giải pháp cho những ai mong mỏi tạo nên một mô hình kinh doanh cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Đó quả thực là một sự kết hợp tài tình giữa khoa học và nghệ thuật.

Hình ảnh: Khung mô hình kinh doanh

Trước khi giới thiệu các hình mẫu mô hình kinh doanh và đưa ra các giải pháp để thiết kế một mô hình kinh doanh, các tác giả phân tích cái gọi là “khung mô hình kinh doanh”.

Theo đó, một mô hình kinh doanh bất kỳ đều phải được xây dựng dựa trên 9 thành tố cơ bản, gồm:

1/ Customer Segment (CS) – Phân khúc khách hàng: Xác định những tập hợp cá nhân hay tổ chức khác nhau mà doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ.

2/ Value Propositions (VP) – Giải pháp giá trị: Mô tả gói sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho một phân khúc khách hàng cụ thể.

3/ Channels (CH) – Các kênh kinh doanh: Diễn tả cách thức một công ty giao thiệp và tiếp cận các phân khúc khách hàng của mình nhằm chuyển đển họ một giải pháp giá trị.

4/ Customer Relationships (CR) – Quan hệ khách hàng: Diễn tả các hình thức quan hệ mà một công ty thiết lập với các phân khúc khách hàng cụ thể.

5/ Revenue Streams (R$) – Dòng doanh thu: Phản ánh lượng tiền mặt mà một công ty thu được từ mỗi phân khúc khách hàng (các chi phí phải được khấu trừ khỏi doanh thu để tạo ra thu nhập).

6/ Key Resources (KR) – Nguồn lực chủ chốt: Mô tả những tài sản quan trọng nhất cần có để vận hành một mô hình kinh doanh.

7/ Key Activities (KA) – Hoạt động trọng yếu: Mô tả những việc quan trọng nhất mà một công ty phải làm để vận hành mô hình kinh doanh của mình.

8/ Key Partnerships (KP) – Các đối tác chính: Mô tả mạng lưới bao gồm các nhà cung cấp và đối tác mà nhờ đó mô hình kinh doanh có thể vận hành.

9/ Cost Structure (C$) – Cơ cấu chi phí: Mô tả mọi chi phí phát sinh để vận hành một mô hình kinh doanh.

Trong số rất nhiều doanh nhân đã chia sẻ về việc sử dụng “khung mô hình kinh doanh” này, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực đào tạo của Hoa Kỳ – Bob Dunn cho biết: “Tôi sử dụng khung mô hình kinh doanh trong quá trình đào tạo các doanh nhân non trẻ đến từ nhiều lĩnh vực kinh doanh như một cách hiệu quả hơn rất nhiều để biến các kế hoạch kinh doanh thành quá trình kinh doanh thực sự, mà theo đó họ “sẽ” cần vận hành công việc kinh doanh của mình và đảm bảo rằng họ đã chú trọng đến khách hàng của mình theo cách khiến công việc kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất có thể”.

Việt Nam nổi tiếng là mảnh đất của những doanh nhân. Ở đây chưa từng thiếu khát vọng làm giàu. Phương pháp được đề xướng trong cuốn sách này sẽ là bước đầu tiên giúp những doanh nhân tham vọng kiểm nghiệm được ý tưởng kinh doanh của mình. Không chỉ có thế là một tuyển tập những tri thức kinh doanh từ 470 chuyên gia kinh doanh khắp nơi trên thế giới, cuốn sách này còn chỉ ra rất nhiều tình huống mà một doanh nghiệp có thể gặp phải trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.