Business Analyst là gì? Giải đáp các câu hỏi về nghề BA | CakeResume
Đằng sau những chiến lược kinh doanh thành công của một doanh nghiệp, ngoài sự phối hợp ăn ý giữa các phòng ban thì không thể không kể đến người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hoạch định chiến lược – chuyên viên phân tích kinh doanh hay còn gọi là Business Analyst.
Ở thời đại big data này, các tập đoàn lớn rất chú trọng việc phân tích dữ liệu để “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thế nên, công việc của Business Analyst đóng vai trò vô cùng quan trọng và gắn liền với sự thành bại của một công ty.
Nếu muốn biết Business Analyst là gì thì hãy cùng tìm hiểu về Business Analyst một cách cụ thể hơn ở bài viết sau, để xem liệu mình có thích hợp trở thành một BA không nhé!
Xem thêm: Viết CV Business Analyst không khó với hướng dẫn và tips hay
Mục Lục
Business Analytics là gì?
Business Analytics là quá trình sử dụng công nghệ, phân tích dữ liệu kinh doanh dựa trên các vấn đề hiện tại của doanh nghiệp, từ đó xây dựng biện pháp cải thiện cụ thể và đúng đắn. Có thể nói Business Analytics làm việc rất nhiều với số liệu phân tích và thống kê của doanh nghiệp.
Vậy còn Business Analyst là gì? Ở Việt Nam, Business Analyst (BA) còn được biết đến với tên gọi Chuyên viên Phân tích Nghiệp vụ – chuyên phụ trách phân tích và đánh giá hiệu quả nghiệp vụ, giúp công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh và quy trình cải thiện phù hợp.
Ngoài ra, công việc của Business Analyst còn bao gồm trực tiếp tiếp nhận nhu cầu từ khách hàng, từ đó chuyển thông tin về cho nội bộ doanh nghiệp và thảo luận để đưa ra hướng giải quyết thích hợp.
Công việc chính của Business Analyst
“Business Analyst làm gì?” chắc hẳn là vấn đề được mọi người quan tâm nhất vì hiện nay BA đang là một nghề được đánh giá cao khi mang lại giá trị lớn cho các hoạt động cải cách và tối ưu chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhưng cũng vì lý do đó mà công việc của Business Analyst mang tính chất chuyên môn khá cao và không phải ai cũng thích hợp theo đuổi ngành nghề này.
Nhìn chung, nghề Business Analyst sẽ chia thành 3 mảng chuyên môn sau đây:
🔖 Chuyên viên phân tích quản lý – Management Analyst
Đây được coi là vị trí phổ biến nhất khi bạn theo đuổi nghề Business Analyst, vì lý do không bắt buộc phải xuất thân là dân IT, mà chỉ cần bạn có tư duy kinh doanh và quản trị tốt. Chuyên viên phân tích quản lý có nhiệm vụ phụ trách giám sát hoạt động kinh doanh, phân tích các vấn đề mà công ty đang gặp phải, từ đó đề xuất phương án giải quyết để nâng cao hiệu suất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Business Analyst ở mảng chuyên môn này sẽ thường xuyên phối hợp với các bộ phận khác như IT, Project Lead để đảm bảo các giải pháp mà mình đề xuất mang tính khả thi và nhất quán.
Dưới đây là mô tả công việc Business Analyst – chuyên viên kinh doanh trong thực tế:
Nguồn: CakeResume
🔖 Chuyên viên phân tích hệ thống vận hành – Systems Analyst
Công việc của chuyên viên phân tích hệ thống vận hành (Systems Analyst) là phụ trách kiểm soát toàn hệ thống công nghệ thông tin của công ty, thiết kế, quản lý và cải thiện chúng nhằm nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa chi phí nội bộ cho doanh nghiệp.
Nếu muốn đi theo mảng chuyên môn này của nghề BA, thì bạn cần trang bị kiến thức về hệ thống dữ liệu, biết phân tích, đánh giá và tái thiết kế hệ thống để giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề kỹ thuật đang gặp phải.
🔖 Chuyên viên phân tích dữ liệu – Data Analyst
Chuyên viên phân tích dữ liệu – Data Analyst sẽ thu thập dữ liệu liên quan đến thị trường, doanh số bán hàng, hệ thống kênh bán hàng,… để phân tích và đánh giá hiệu suất của chiến lược kinh doanh hiện tại cũng như sớm dự đoán được những biến động của thị trường. Việc quan trọng nhất khi đảm nhận vị trí phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp chính là sàng lọc thông tin cần thiết, tìm ra chìa khóa thấu hiểu khách hàng của mình hơn.
Như đã nói, nghề Business Analyst có phạm trù công việc tương đối rộng, hơn nữa còn tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mà bạn ứng tuyển.
Ví dụ như, một BA khi làm việc ở lĩnh vực công nghệ (BA IT) sẽ phụ trách làm việc và tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng, sau đó trao đổi lại với nội bộ công ty để tạo ra sản phẩm/hệ thống phù hợp với nhu cầu của khách.
Điều này khác với BA thông thường vì với mỗi khách hàng ở lĩnh vực khác nhau, BA IT sẽ phải nhanh chóng tiếp thu kiến thức chuyên môn khác nhau ở thời gian ngắn để hiểu rõ vấn đề khách hàng gặp phải. Sau đó trao đổi chính xác và thảo luận với đội ngũ công ty để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp với yêu cầu khách hàng. Thế nên, các kỹ năng của Business Analyst IT sẽ đòi hỏi độ chuyên môn cao, bạn nhớ coi kỹ bản mô tả công việc BA trước khi ứng tuyển nhé!
Câu hỏi thường gặp về nghề Business Analyst
1. Để theo đuổi nghề Business Analyst cần học gì?
Ở Việt Nam, thật khó để trả lời câu hỏi “Business Analyst học ngành gì? Ở đâu?”. Mặc dù là một ngành khá “hot”, nhưng đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa có nơi đào tạo nghề Business Analyst bài bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu dựa vào 3 chuyên môn chính mà chúng mình đã giới thiệu ở trên, thì Business Analyst thường học 3 ngành dưới đây:
- Nhóm ngành Quản trị Kinh doanh/Kinh tế: Là những sinh viên được đào tạo kỹ năng phân tích, báo cáo dựa trên dữ liệu chuẩn chỉnh nhất và cũng là nhóm ngành học trang bị kiến thức đọc vị tâm lý khách hàng, giúp đưa ra các chiến lược kinh doanh đúng đắn và hiệu quả.
- Nhóm ngành Công nghệ thông tin: Việc sở hữu kiến thức chuyên môn về IT, phần mềm sẽ tạo cơ hội cho các bạn sinh viên tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, quản lý, cải thiện phần mềm, giúp công ty giải quyết bài toán khó khăn về công nghệ.
- Nhóm ngành Quản lý hệ thống thông tin: Ngành học đi sâu đào tạo về kiến thức tổng hợp, xử lý dữ liệu và khả năng quản lý hệ thống thông tin cho sinh viên. Đây cũng là các kỹ năng của một BA mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn mời về làm việc.
2. Mức lương nghề BA hiện nay là bao nhiêu?
Vì là một ngành có triển vọng lớn trong tương lai và đòi hỏi kỹ năng chuyên môn tương đối cao, nên mức lương của chuyên viên phân tích kinh doanh rất “ổn áp”, cụ thể là:
- Kinh nghiệm dưới 1 năm: mức lương sẽ dao động từ 7-12 triệu đồng
- Kinh nghiệm 1-3 năm: mức lương sẽ dao động từ 12-20 triệu đồng
- Trên 3 năm kinh nghiệm: mức lương sẽ dao động từ 20-35 triệu đồng
- Vị trí cấp cao khác: mức lương sẽ dao động từ 50-60 triệu đồng
3. Làm thế nào để trở thành Business Analyst?
BA là một công việc hấp dẫn về cả mức lương và triển vọng, thế nên việc sớm trang bị các kỹ năng của BA sẽ giúp bạn nâng cao tính cạnh tranh của bản thân.
5 kỹ năng chuyên môn cần có cho chuyên viên phân tích kinh doanh:
- Khả năng quản lý hệ thống và phần mềm
- Kỹ năng sử dụng SQL, Tableau
- Kỹ năng sử dụng các mô hình kinh doanh
- Sử dụng thành thạo phần mềm tin học Microsoft: Excel, Power Point, Outlook, Word
- Lập kế hoạch báo cáo kinh doanh
5 kỹ năng mềm Business Analyst cần có:
- Khả năng đàm phán và thuyết phục
- Kỹ năng làm việc nhóm
- Kỹ năng xử lý vấn đề
- Khả năng quản lý thời gian
- Đọc vị tâm lý khách hàng
4. Business Development là gì & có khác Business Analyst không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ khái niệm Business Development là gì? Business Development – nhân viên phát triển kinh doanh là những người có nhiệm vụ phát triển các chiến lược kinh doanh và tiếp cận khách hàng, là cầu nối giữa bộ phận Sales và Marketing trong doanh nghiệp.
Điểm khác nhau giữa BA và BD:
- BA: Hoạch định chiến lược kinh doanh và đưa ra các biện pháp giúp giải quyết vấn đề trong hoạt động kinh doanh của công ty.
- BD: Thực thi và phát triển chiến lược kinh doanh được đề ra, tiếp cận khách hàng tiềm năng và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty.
5. Phỏng vấn Business Analyst có khó không?
Là nghề gắn liền với báo cáo và những con số, bạn sẽ cảm thấy khá khó khăn khi tham gia phỏng vấn Business Analyst mà không tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng về kiến thức lĩnh vực công ty ứng tuyển và các điểm mạnh cần có của một BA.
Dưới đây là các câu hỏi phỏng vấn Business Analyst thường gặp để bạn chuẩn bị kịch bản phỏng vấn tốt hơn nhé:
- Theo bạn, Business Analyst cần học gì để nâng cao nghiệp vụ quản lý hệ thống?
- Bạn hay sử dụng mô hình kinh doanh nào để phân tích chiến lược?
- Tầm quan trọng của việc xác định Customer Personas?
- Quản lý rủi ro có cần thiết khi làm BA?
- Bạn xử lý như thế nào nếu xảy ra mâu thuẫn trong giao tiếp?
- Điểm khác biệt giữa phương pháp Waterfall và RUP?
- Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng mô hình Kano của bạn.
Mong rằng với bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về nghề Business Analyst là gì và một Business Analyst cần gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu như bạn cảm thấy nghề BA chính là công việc trong mơ dành cho mình thì nhanh tay tạo ngay CV xin việc Business Analyst tại CakeResume nhé!
Ngoài ra, CakeResume còn có hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn theo từng ngành nghề giúp bạn dễ dành chinh phục nhà tuyển dụng!
Với CakeResume, bạn có thể tham khảo nhiều mẫu CV đẹp và dễ dàng tạo CV miễn phí. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với bản CV xịn sò ngay hôm nay!
Tạo CV
— Tác giả bài viết: Kristie Shenzhou —