Bưởi đỏ Tân Lạc vào vụ mới, thương lái tấp nập thu mua
Khi đợt mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão số 7 chấm dứt, nắng hửng lên cũng là lúc những trái bưởi đỏ căng tròn nức tiếng của vùng Mường Bi (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) bắt đầu chuyển vàng. Nhiều nông hộ đang tất bật thu hái bưởi bán cho các thương lái ở khắp nơi đổ về thu mua tại vườn.
Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, nhiều thương lái ở khắp các tỉnh thành trên cả nước tấp nập đổ về huyện Tân Lạc tìm mua bưởi đỏ. Dọc các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn huyện, xuất hiện những sạp bán bưởi đỏ vàng rộm bày bán trên các kệ hàng.
Theo ông Bùi Minh Quê, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Vụ bưởi đỏ năm này, dù ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố thời tiết cực đoan, nhưng nhìn chung năng suất, chất lượng bưởi đều ổn định. Nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện, đều có cây bưởi sai trĩu vài trăm quả trĩu cành, mẫu mã đẹp”.
Hiện nay bưởi đỏ trên địa bàn huyện Tân Lạc đã chuyển sang màu vàng rộm.
Những ngày đầu tháng 11 dương lịch, cảnh quan xóm Tân Hương, xã Thanh Hối bắt mắt hơn khi những trái bưởi đã chuyển dần sang sắc vàng óng ả. Tân Hương là một trong những xóm tiêu biểu về trồng bưởi đỏ, cây bưởi đỏ đã giúp bà con nơi đây đổi đời. Nhiều vườn ở trong xóm cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn tỷ đồng/năm. Ghé thăm vườn bưởi 16 năm tuổi, rộng 1 ha của gia đình bà Bùi Thị Tân, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mấy năm gần đây vườn bưởi của gia đình bà đều cho năng suất, chất lượng ổn định.
Bà Tân đang thu hái bưởi đỏ bán cho các tiểu thương đến thu mua tại vườn.
Đi sâu vào trong vườn, chúng tôi thấy cây nào cây nấy trong vườn bà Tân đều quả sai trĩu cành. Bà Tân vừa hái quả bưởi đã chín vàng mời chúng tôi thưởng thức, vừa cho hay: “Để có được vườn bưởi đỏ cho quả mọng nước như thế này, tôi phải đầu tư vốn áp dụng khoa học kỹ thuật, cộng với những kinh nghiệm học tập trên mạng và bí quyết sau nhiều năm trồng bưởi. Bưởi đỏ của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP nên vừa ngon, vừa sạch. Suốt 1 tuần nay, nhiều tiểu thương ở Hà Nội gọi điện đặt hàng nhưng gia đình chưa thu hoạch kịp để bán. Do trời mưa kéo dài mấy ngày gần đây, nên gia đình tôi chưa thuê được người hái”.
Bưởi đỏ vào đầu vụ được các tiểu thương mua với giá giao động từ 25.000 – 35.000 đồng/quả.
Theo bà Tân, vào đầu vụ khách chào mua với giá 25.000 đồng – 35.000 đồng/quả tùy theo từng loại. Từ khi trồng bưởi đỏ theo tiêu chuẩn VietGap, gia đình bà chưa bao giờ phải đem bưởi ra chợ bán. Các thương lái từ khắp nơi đổ về tận vườn thu mua, có những khách ở tận TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
“Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu được 500 triệu đồng tiền bán bưởi. Đây là nguồn thu đã giúp gia đình tôi ổn định được cuộc sống gia đình”, bà Tân thông tin thêm.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng bưởi, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông Hùng lãi hàng trăm triệu đồng.
Kế bên vườn gia đình bà Bùi Thị Tân, là vườn bưởi nổi tiếng nhất nhì huyện Tân Lạc của “vua” bưởi Trần Văn Hùng. Đây là một trong những vườn kiểu mẫu của huyện, nên gia đình ông Hùng thường xuyên có các đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Dạo quanh khu vườn rộng 5.000 m2, với những cây bưởi đỏ với tuổi đời trên 20 năm của ông Hùng chúng tôi thấy nhiều cây cho quả từ 400 quả – 500 quả.
Ông Hùng cho biết: “Thời gian gần nhất, tôi đón đoàn tham quan đến từ Hà Giang đến học hỏi kinh nghiệm. Tôi trồng bưởi cũng được hơn 20 năm nay, nên cũng có bề dày kinh nghiệm trong chăm sóc. Vườn bưởi của gia đình tôi đang vào vụ chín rộ, đạt chất lượng thơm ngon nên được nhiều lái buôn đến mua”.
Năm nay dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhiều vườn bưởi đỏ của các hộ dân trên địa bàn huyện Tân Lạc đều sai trĩu quả. Đạt được kết quả đó, là nhờ sự chăm sóc bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt của bà con.
Sau 1 thời gian trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng nhìn vườn bưởi của mình với ánh mắt đầy tự hào: “Vườn bưởi của tôi sai nhất miền Bắc này. Riêng năm ngoái có 1 cây bưởi đỏ đạt kỷ lục 700 quả”. Mới nghe ông Hùng nói vậy, ai cũng khó lòng hình dung ra 1 cây bưởi có tới 700 quả, mà quả nào cũng đạt chất lượng và đẹp mã. Theo ông Hùng, bí quyết để cho ra đời những cây bưởi sai trĩu quả rất đơn giản, đó là phải kiên trì và chịu khó học hỏi. Có một lòng một dạ với cây bưởi thì chúng mới không phụ lòng người trồng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng tạo danh tiếng cho những quả bưởi nhà ông hôm nay.
Hàng năm, vườn bưởi đỏ của gia đình ông Hùng luôn tấp nập khách đến học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và nhiều thương lái đến thu mua.
Dù bưởi đỏ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng rất nhiều thương lái đổ về thu mua với giá khá cao, tạo nên 1 không khí sôi nổi với những tiếng cười nói vui nhộn của “người bán kẻ mua”.
Anh Nguyễn Gia Trường, 1 tiểu thương chuyên thu mua bưởi đỏ đến từ Hà Nội chia sẻ: “Bưởi đỏ ở vùng đất Tân Lạc có múi màu đỏ bắt mắt, độ ngọt đậm, rất thơm ngon. Qủa bưởi to, vỏ bóng, mẫu mã đẹp nên khi mua về bán ở thủ đô được khánh hàng ưa chuộng lắm. Bưởi cứ chất đầy xe về đến Hà Nội chỉ bán 1 lúc là hết nhẵn hàng. Đầu vụ tôi mua tại vườn với giá giao động từ 25.00 đồng – 35.000 đồng/quả, tùy theo từng loại mẫu mã”.
Hiện nay tại địa bàn huyện Tân Lạc có trên 1.100 ha bưởi đỏ, được trồng hầu hết ở các xã, thị trấn. Trong đó có 900 ha đang cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các xã: Thanh Hối, Tử Nê, Đông Lai, thị trấn Mãn Đức. Khi bước vào vụ thu hoạch, những vườn bưởi đỏ ở vùng đất xứ Mường nơi đây luôn được nhiều thương lái đặt mua để xuất đi Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… Nhờ hiệu quả từ cây bưởi đỏ mang lại, kinh tế địa phương từ đó ngày càng khởi sắc hơn, người dân phấn khởi vui tươi.