Bùng phát đa cấp đội lốt ứng dụng công nghệ cao
Không chỉ đơn thuần là lời kêu gọi bỏ một vốn sinh mười lời như những đa cấp truyền thống, hàng loạt mô hình đa cấp mới núp bóng công nghệ như ứng dụng, Robot, AI… đã xuất hiện nhằm lôi kéo nhà đầu tư vào chiếc bẫy tinh vi mà ở đó số tiền của họ có thể bốc hơi bất cứ lúc nào.
Các đối tượng giới thiệu về ứng dụng Limbi Arc trên mạng xã hội có dấu hiệu thổi phồng công dụng chữa bệnh.
Muôn kiểu đa cấp công nghệ cao
Mới đây nhất, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã lên tiếng về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp tại Việt Nam thông qua ứng dụng Limbic Arc hay InfoBoosts.
Cụ thể, theo như giới thiệu, hai ứng dụng này có áp dụng công nghệ năng lượng lượng tử và công nghệ chăm sóc sức khỏe chủ động của thời đại mới với nhiều tác dụng chữa bệnh, bao gồm cả công dụng đối với cả bệnh nhân mắc Covid-19. Thậm chí, có những người được cho là đã khỏi cả các bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối nhờ làm theo hướng dẫn của các ứng dụng này.
Không chỉ dừng lại ở việc trị bệnh, hai ứng dụng kể trên còn mời gọi người tham gia giới thiệu thêm thành viên khác để được hưởng hoa hồng lợi ích theo mô hình đa cấp. Mức hoa hồng người giới thiệu cũng cực kỳ hấp dẫn ở mức 8 – 12%/tuần.
Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan này chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho DN, tổ chức nào có tên Limbi Arc hay Infoboost. Do đó người dân không nên tham gia sử dụng và mời gọi người khác tham gia sử dụng những sản phẩm, ứng dụng theo “truyền miệng” để chữa bệnh mà không có cơ sở khoa học rõ ràng để tránh gặp thiệt hại về sức khỏe, mất mất cơ hội điều trị bệnh đúng đắn.
Bên cạnh đó, không nên tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo.
Vào giữa năm 2021 vừa qua, cũng chính Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã lên tiếng cảnh báo về mô hình hoạt động mời gọi đầu tư vào hệ thống để thuê “Robot AI” với khả năng “tự kiếm tiền” có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thông qua các website, ứng dụng như snowai và inb.network.
Nếu tham gia mô hình hoạt động này, nhà đầu tư còn có nguy cơ thiệt hại về tài chính khi thành quả đầu tư không được đảm bảo vì phải nộp tiền thật khi tham gia, trong khi kết quả đầu tư ghi nhận trên hệ thống hay chỉ thường ở những dạng điểm số, coin, tiền ảo, ví điện tử… mà không được đăng ký hay công nhận bởi cơ quan nhà nước hoặc những hệ thống này sẵn sàng biến mất bất kỳ lúc nào.
Về thiệt hại mà các ứng dụng đa cấp công nghệ cao này gây ra cho người dùng đều ở mức “khủng”. Có thể kể đến như vụ sàn ngoại hối Hitoption.net với tổng số tiền tồn tại trên hệ thống là hơn 8.000 tỷ đồng. Hay như các sàn tiền ảo bioption.org, winrich.club và wintop1.com đã chiếm đoạt của nhà đầu tư hơn 1,5 triệu USD…
Đầu tư qua ứng dụng dễ mất trắng tiền
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, trong 2 năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện nhiều các ứng dụng núp bóng công nghệ mới nhằm lừa tiền của người dân theo mô hình đa cấp. Phổ biến là hình thức mượn danh tiền ảo, công nghệ blockchain… để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trẻ tuổi, đối tượng ít bị ngắm tới ở các mô hình đa cấp cũ.
Đặc điểm chung của những ứng dụng này là thường sử dụng các chiêu trò PR để quảng bá “đậm mùi tiền” như doanh nhân trẻ thành đạt ở biệt thự sang trọng, đi siêu xe thậm chí có xuất hiện cả người nổi tiếng như ca sỹ, diễn viên tham gia vào đầu tư. Đồng thời, để tạo niềm tin, những ứng dụng trên còn hào phóng trả lãi xuất cực cao, có thể lên tới 100% theo từng tuần hoặc thậm chí từng ngày để hấp dẫn nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn hơn nữa.
Về bản chất, số tiền mà nhà đầu tư mới nhận được chính là số tiền mà nhà đầu tư mới bỏ vào. Do đó, khi nhận được một số tiền đủ lớn, các đối tượng đứng sau các ứng dụng đa cấp này đột nhiên biến mất cùng với toàn bộ tài sản mà nhà đầu tư đã bỏ ra là chuyện rất thường thấy. Do mọi thứ đều hoạt động trên môi trường số, nên việc truy tìm chủ mưu của các ứng dụng đa cấp này là cực kỳ khó khăn, thậm chí đối với cả cơ quan chức năng, do đó quyền lợi của người tham gia gần như là không có.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, với các ứng dụng đa cấp không có giấy phép mà kêu gọi người dùng đầu tư thì không chỉ những cá nhân, tổ chức đứng đằng sau phạm pháp mà ngay cả người kêu gọi đầu tư để hưởng phần trăm cũng có thể vi phạm pháp luật. Hành vi kêu gọi tham gia đầu tư qua ứng dụng đa cấp có thể bị khởi tố theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng.