Bùng nổ dịch vụ đảo nợ thẻ tín dụng

Bùng nổ dịch vụ đảo nợ thẻ tín dụng - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng tại một nhà hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giúp khách có thẻ tránh phải trả lãi cao cho ngân hàng (NH) hoặc rơi vào nhóm nợ xấu, dịch vụ này đang nở rộ, chạy quảng cáo liên tục trên Facebook dạng “cà thẻ ngay, nhận tiền liền tay”.

Cà thẻ nhưng không mua hàng

Chị Minh Thư (Q.9, TP.HCM) cho hay chị đang vay trả góp mua nhà tại ngân hàng, mỗi tháng trả góp hơn 10 triệu đồng từ tiền lương. Bình thường chị có thể xoay xở để trả, nhưng mấy tháng trước gia đình có việc phải chi tiêu gấp khiến chị bị hụt tiền. 

Trong lúc đang khó khăn, chị thấy mẩu quảng cáo trên Facebook về dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng nên đã tìm đến. “Do chưa xoay được tiền nên cứ gần đến ngày NH tính lãi tôi lại làm thủ tục đảo nợ thẻ”, chị Minh Thư tiết lộ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dịch vụ đảo nợ thẻ tức là các công ty dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của chủ thẻ để ngân hàng tính toán và cắt nợ. Ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức cho chủ thẻ, bên làm dịch vụ sẽ cà thẻ qua máy POS để thu nợ và thu luôn phí. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng).

Xuất phát điểm của dịch vụ này từ một số tiệm vàng lớn có máy POS cho khách cà thẻ rút tiền mặt dưới hình thức mua vàng với mức phí khoảng 3% trên số tiền rút. Sau đó thấy nhu cầu nhiều nên một số cửa hàng kinh doanh các dịch vụ khác có lắp máy cà thẻ đã nhập cuộc để hưởng phí và đẩy doanh số thanh toán tại cửa hàng lên cao.

Bản chất đây là dịch vụ “khống” vì khách hàng không mua hàng hay sử dụng dịch vụ nhưng các cửa hàng vẫn cà thẻ thanh toán, sau đó chi tiền mặt cho khách hàng để hưởng phí với mức 1,8 – 2,5% trên số tiền rút.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi rút tiền mặt hết hạn mức thẻ thì không có khả năng thanh toán cho ngân hàng trong vòng 45 ngày để được miễn lãi nên dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng đã ra đời.

Mức phí sẽ không cố định, mà dao động tùy theo từng loại thẻ của ngân hàng, có quá sát ngày hết hạn miễn lãi hay không và ngân hàng có cho chuyển khoản để thanh toán nợ thẻ hay phải đi nộp trực tiếp. Nếu quá gần ngày đáo hạn, mức phí sẽ trên 2% vì khi đó bên dịch vụ phải đến nộp trực tiếp tại ngân hàng để tránh bị tính lãi cao áp cho thẻ tín dụng.

Dùng vốn ngân hàng “lướt sóng” vàng, chứng khoán

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến nay không chỉ các cửa hàng có lắp máy cà thẻ cho khách hàng rút tiền mặt mà đã hình thành các nhóm hoạt động khép kín, vừa cho rút tiền mặt vừa nhận đáo hạn thẻ khi đến hạn. Cạnh tranh trên thị trường này cũng rất gay gắt và các nhóm cho vay kiểu này chạy quảng cáo nhan nhản trên Facebook để chào mời.

Những ngày gần đây, khi lướt Facebook, nhiều người có thể dễ dàng bắt gặp những mẩu quảng cáo như “rút tiền từ thẻ tín dụng với 100% hạn mức, chi phí thấp chỉ từ 1,8%, nhận tiền ngay, được miễn lãi 45 ngày như với dùng thẻ để chi tiêu”. Có nơi áp dụng mức phí thấp hơn, từ 1,6 -1,8%, phục vụ tận nơi.

Chủ một dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng tại TP.HCM cho hay nhu cầu đáo hạn thẻ tăng mạnh thời điểm cận tết. Đáng lưu ý, chủ dịch vụ này còn tiết lộ rằng một số chủ thẻ, đặc biệt là những người có hạn mức thẻ cao lên đến vài trăm triệu đồng, đã tận dụng dịch vụ này để đặt cọc mua đất, rút tiền “lướt sóng” vàng hay chứng khoán vì có thể kiếm lợi nhuận cao hơn nhiều so với mức phí phải trả. Có người còn gửi hẳn thẻ tại các dịch vụ này để thuận tiện đáo hạn hằng tháng.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP.HCM nói cửa hàng và khách bắt tay nhau làm giao dịch không có thật là hành vi bị cấm. Họ lách luật rút tiền mặt chi tiêu mà vẫn được ngân hàng miễn lãi. Trong khi thẻ tín dụng bản chất là “xài trước, trả sau” và ngân hàng không khuyến khích rút tiền mặt. Do vậy, ngân hàng chỉ miễn lãi 45 ngày với trường hợp cà thẻ chi tiêu, còn nếu rút tiền mặt tại ATM thì bị tính lãi ngay và ngân hàng cũng không cho rút hết 100% hạn mức thẻ.

Vị tổng giám đốc này cũng cho biết ngân hàng đang rà soát các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn như số tiền giao dịch lớn và chẵn. Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống hay hàng quán bán hàng hóa giá trị nhỏ nhưng toàn cà số tiền vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cũng là những đối tượng ngân hàng sẽ rà soát trong đợt này.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa lên tiếng cảnh báo. Cụ thể tại chỉ thị 02 vừa được ban hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ngăn chặn giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Một nội dung được nhấn mạnh là các ngân hàng phải chú trọng khâu nhận biết và xác minh thông tin khách hàng, đơn vị chấp nhận thẻ. Ngoài ra, các ngân hàng, các tổ chức thanh toán thẻ cũng phải chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ.

Tận dụng vốn không lãi của ngân hàng

Gặp một chủ tiệm có dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng tại TP.HCM, ông này cho biết sở dĩ dịch vụ này sống được vì mức phí mà bên dịch vụ thu từ 1,8 – 2,5%/45 ngày, tính ra rẻ hơn mức lãi ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng đều áp dụng chế độ miễn lãi 45 ngày cho khoản chi tiêu của chủ thẻ tín dụng.

“Thủ tục rút rất dễ, vì chỉ cần xác minh đúng chủ thẻ và có CMND là được. Quan trọng nhất là chủ thẻ có thể tận dụng được nguồn vốn không lãi suất từ ngân hàng trong vòng 45 ngày. Hết hạn thì tiếp tục quy trình đáo hạn thẻ như trên”, chủ dịch vụ này tiết lộ.

Cảnh báo dùng thẻ để thanh toán cờ bạc, cá độ

Bên cạnh cảnh báo giao dịch khống, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng chặn các giao dịch thẻ không phù hợp quy định như cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối hoặc dùng thẻ để thanh toán cho hoạt động liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, tiền ảo, tiền điện tử…

Song song đó, ngân hàng phải khuyến cáo, cảnh báo khách hàng không tạo điều kiện cho các đối tượng khác lợi dụng việc sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật như cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ…

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo việc dùng thẻ ngân hàng trả tiền cờ bạc, cá độ Ngân hàng Nhà nước cảnh báo việc dùng thẻ ngân hàng trả tiền cờ bạc, cá độ

TTO – Tại chỉ thị 02 vừa được ban hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ngăn chặn giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cũng như các giao dịch thẻ không phù hợp quy định như cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối.