Bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Theo lộ trình, năm học 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6.
Công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, cũng như tập huấn đội ngũ giáo viên đang được ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tích cực triển khai.
Chọn giáo viên cho các môn học mới
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc Trung học cơ sở. Trong đó, cùng với đổi mới phương pháp dạy học, chương trình mới ở lớp 6 xuất hiện những môn học mới như Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hay môn học theo hướng tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử -Địa lý.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1), cho rằng định hướng giáo dục STEM liên môn cũng giúp giáo viên thuận lợi trong việc tiếp cận chương trình mới với những môn theo hướng tích hợp.
Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ, nhà trường cử giáo viên các môn học tham gia tập huấn theo quy định. Trong đó, giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tập huấn để đứng lớp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử-Địa lý.
Sắp tới, trường có kế hoạch phân công giáo viên tham gia giảng dạy các lớp cụ thể. Riêng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một môn mới. Yêu cầu của môn học này bao quát từ kiến thức của nhiều lĩnh vực cho đến kỹ năng sống, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng các yêu cầu mới có thể triển khai bài dạy hiệu quả.
Tương tự, thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh), cho biết trường cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn, phân công giáo viên đứng lớp ở môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Trường dự kiến phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm đảm nhiệm môn học này.
Hiện tại trường cử giáo viên Công nghệ tham gia tập huấn, sau khi hoàn thành chương trình, đội ngũ này sẽ tập huấn lại cho giáo viên chủ nhiệm.
Mặt khác, trường cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên ở môn học tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Thầy Phạm Thái Hồ chia sẻ trên tinh thần đổi mới giáo dục, nhiều năm qua nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học và dạy học bằng các phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực học sinh. Do đó, khi giáo viên tiếp cận chương trình mới, phương pháp, sách giáo khoa mới cũng khá thuận lợi.
Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học tới, thầy Võ Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phong Phú (huyện Bình Chánh), cho biết trường có thuận lợi về cơ sở vật chất, đảm bảo việc học 2 buổi/ngày cho học sinh, giáo viên các bộ môn đủ theo quy định.
Riêng về đội ngũ, trường đã cử các giáo viên tham gia đầy đủ các khóa tập huấn dành cho cán bộ, giáo viên các môn học ở chương trình lớp 6. Trong đó, trường cử giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý tham gia tập huấn để giảng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử-Địa lý.
Với khó khăn chung trong việc lựa chọn giáo viên đứng lớp cho môn Hoạt động trả nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có hướng dẫn cụ thể về bố trí giáo viên dạy môn học này.
Với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021-2022, bậc trung học cơ sở sẽ đồng thời thực hiện 2 chương trình giáo dục, gồm chương trình giáo dục hiện hành ở các khối lớp 7, 8, 9 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp 6.
Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giáo viên các môn sẽ được tham gia tập huấn đầy đủ theo lộ trình. Trong đó, toàn bộ giáo viên các tổ bộ môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải tham gia bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu giảng dạy cùng lúc 2 chương trình.
Việc tập huấn được thực hiện theo chủ đề, giúp giáo viên nắm được phương pháp giảng dạy các chủ đề của môn học đã được tích hợp.
Giáo viên cần tích cực, chủ động
Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Duy Tân cho rằng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh.
Để triển khai bài dạy tốt, giáo viên được trao quyền chủ động, đồng thời chương trình cũng yêu cầu giáo viên phải tích cực, chủ động trong việc lựa chọn, kết hợp các ngữ liệu, phương pháp giảng dạy phù hợp.
Từ thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 trong năm học 2020-2021, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Quận 1) cho rằng đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, góp phần quyết định sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh lớp 1 trong giờ học môn Tiếng Việt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Yêu cầu đặt ra với đội ngũ giáo viên phải tích cực, chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, trong nghiên cứu chương trình, tài liệu. Mặt khác, giáo viên phải tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, nhất là với các em tiếp thu chậm để hỗ trợ các em theo kịp chuẩn kiến thức.
Do đó, công tác quán triệt tư tưởng, nắm bắt tâm tư để hỗ trợ giáo viên kịp thời của Ban giám hiệu nhà trường là rất quan trọng và được trường thực hiện thường xuyên.
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến chia sẻ cùng với tham gia các khóa tập huấn theo quy định, trong năm học này trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên lớp 2 đến dự giờ ở lớp 1 để giáo viên nắm được tinh thần, phương pháp dạy học của chương trình mới.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên lớp 2 cũng được cử tham gia công tác coi và chấm bài kiểm tra định kỳ của lớp 1 để nắm bắt được tình hình học tập của học sinh. Từ đó, giáo viên sẽ có sự chủ động hơn khi thực hiện ở lớp 2 vào năm học tới.
Thầy Dương Quang Anh Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Nhựt 6 (huyện Bình Chánh), cho biết nhà trường cũng luôn khuyến khích giáo viên chủ động, linh hoạt trong quá trình dạy học, sao cho tiết dạy và học đạt được hiệu quả.
Trường cũng chú trọng nắm tình hình học tập, khả năng tiếp thu bài của học sinh để có hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên nâng chất lượng dạy học. Trong đó, giáo viên chủ động thực hiện phương pháp và tiến độ dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, chứ không đặt ra yêu cầu chung đối với toàn bộ học sinh trong lớp.
Chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình năm học 2021-2022, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc xây dựng, phát triển hệ thống trường lớp đáp ứng yêu cầu luôn được thành phố quan tâm thực hiện.
So với mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, hiện tại Thành phố đã đạt được 292 phòng học/10.000 dân.
Dù vậy, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương, một số địa phương rất khó khăn về điều kiện trường, lớp đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày cũng như yêu cầu về sĩ số học sinh/lớp.
Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành đang phối hợp với các cấp, ngành liên quan rà soát để có sự điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất giáo dục phù hợp, sát thực tế.
Riêng về công tác bồi dưỡng giáo viên, ngành giáo dục đã phối hợp với các trường đào tạo sư phạm để chuẩn bị nguồn lực, cũng như bồi dưỡng giáo viên nhằm thực hiện tốt chương trình mới./.