Bồi dưỡng dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non”

Nhằm nâng cao hiểu biết về kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch số 1222/KH-SGD&ĐT ngày 03/11/2015 tổ chức tập huấn 10 mô đun bồi dưỡng chuyên môn đối với 100% cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV) mầm non trong tỉnh theo dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non”.

Giáo dục mầm non là nhân tố quan trọng trong kế hoạch phát triển giáo dục và nâng cao khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ. Việc đánh giá khả năng sẵn sàng đến trường của trẻ căn cứ vào 5 lĩnh vực phát triển của trẻ: Sức khoẻ và thể chất, phát triển năng lực xã hội, sự trưởng thành tình cảm, kỹ năng ngôn ngữ và phát triển nhận thức, kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung.

Chương trình bồi dưỡng chuyên môn gồm 4 mô đun dành cho CBQL và 06 mô đun bồi dưỡng cho GV mầm non, tập trung chủ yếu vào các nội dung cơ bản như: Giáo dục “Lấy trẻ em làm trung tâm”, áp dụng thực hành trong các lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, nhận thức và tình cảm – xã hội; huy động các bậc phụ huynh, cộng đồng tham gia phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ; các phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục đối với trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức bữa ăn và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.


Đ/c Nguyễn Thị Lý- Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT
hướng dẫn học viên xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm.

Đ/c Nguyễn Thị Lý- Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐThướng dẫn học viên xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm.

Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn sẽ được triển khai từ 10/11 đến hết tháng 12/2015 với 18 lớp dành cho 812 CBQL mầm non và 128 lớp dành cho 5675 GV mầm non.

Căn cứ vào kế hoạch thực hiện, trong các ngày 10, 11,12/11 Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn điểm 02 lớp dành cho 100 CBQL và từ ngày 24 đến 27/11 tiếp tục tập huấn 02 lớp cho 100 GV mầm non của 10 huyện, thành phố.

Trong những ngày tập huấn, CBQL và GV mầm non được tham gia nhiều hoạt động, cùng thảo luận chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thống nhất phương pháp giáo dục, phát huy những mặt tốt và cải thiện những hạn chế, tồn tại trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Qua thực tế các buổi tập huấn, các học viên đều thống nhất trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non – phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá những gì diễn ra xung quanh bằng nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Từ đó đòi hỏi GV cần chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ. Kết hợp hài hòa giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân, theo nhóm nhỏ và cả lớp, phù hợp với độ tuổi của nhóm/lớp, với khả năng của từng trẻ, nhu cầu hứng thú của trẻ và điều kiện thực tế tại địa phương.


Học viên chia nhóm thảo luận tích cực…

Học viên chia nhóm thảo luận tích cực…

Qua đây, CBQL và GV mầm non hiểu rõ hơn về cách tiếp cận giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và phương pháp giáo dục dựa trên quan điểm này, biết cách vận dụng cách tiếp cận giáo dục lấy trẻ làm trung tâm vào thực hiện Chương trình giáo dục mầm non một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng và sự phát triển toàn diện phù hợp với từng cá nhân trẻ, đạt được mục tiêu đề ra.

Sau khi kết thúc mỗi mô đun, học viên sẽ phải tự xây dựng một bản kế hoạch hành động cá nhân. Một bản kế hoạch mà các CBQL và GV mầm non có thể thực hiện ngay tuần làm việc tiếp theo tại trường để tạo ra sự khác biệt tích cực trong môi trường giáo dục trẻ, thu hút sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Hải Thanh