Bồi dưỡng chuyên môn
Đọc bài Giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân bởi trẻ em như tờ giấy trắng là tiền đề của sự phát triển sau này của trẻ nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục tốt thì sau này trẻ sẽ trở thành những công dân có ích trong xã hội. Chính vì vậy việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ là của toàn xã hội chứ không của riêng ai. Trong những năm gần đây ngành giáo dục được lãnh đạo Đảng, nhà nước và các cấp hết sức quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nói chung và bậc học mầm non nói riêng nhằm giáo dục cho các cháu có sự phát triển toàn diện về đức – trí – thể – mĩ.
Việc “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” trong giáo dục mầm non là không thể thiếu được vì đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà trẻ được tiếp xúc. Để làm được điều đó, BGH cùng tập thể hội đồng sư phạm nhà trường luôn cố gắng nỗ lực hết mình tham mưu các cấp, các ngành cùng xây dựng nhà trường khang trang về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giúp trẻ có những trải nghiệm trong những năm đầu đời phù hợp với mức độ phát triển của trẻ được xây dựng trên cơ sở những gì trẻ đã biết và có thể làm. Bảo đảm tất cả các trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ;
Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường mang tính “mở”, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động vui chơi và trải nghiệm đa dạng; Nhà trường đã huy động sự tham gia của gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất cùng quan tâm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, tạo mọi cơ hội tốt nhất có thể để thành công và mỗi đứa trẻ đều có các cơ hội học bằng nhiều cách khác nhau thông qua vào các hoạt động ở trường
Thực hiện mục tiêu xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 -2020, tập thể sư phạm trường Mầm non Họa Mi đã xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm với các tiêu chí:
1. Môi trường giáo dục
1.1. Đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ và trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh.
– Môi trường xung quanh trẻ an toàn, gần gũi, tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu, trải nghiệm, khám phá, tổ chức đa dạng các hình thức giáo dục để trẻ được giao lưu, hợp tác tích cực giữa cô và trẻ, giữa nhóm trẻ với nhóm trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với mọi người và môi trường xung quanh.
1.2. Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của GV đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.
– Khi trò chuyện với trẻ luôn ngồi ngang tầm với trẻ và nhìn vào mắt trẻ, cô phải nói đủ câu, luôn nở nụ cười trên môi.
Tạo bầu không khí vui tươi, thân thiện giữa giáo viên và trẻ
1.3. Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế.
– Tận dụng những điều kiện thực tế của trường, lớp, các góc nhỏ để tạo môi trường trong lớp cho trẻ.
– Có các phòng đảm bảo quy định, sắp xếp, trang trí không gian hợp lý, thẩm mỹ, thân thiện
+ Các trang thiết bị trong ngoài lớp đảm bảo an toàn đủ cho trẻ hoạt động hằng ngày.
– Sắp xếp không gian hợp lý
– Trang trí phòng lớp đảm bảo thẩm mỹ, thân thiện phù hợp với lứa tuổi:
1.4. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú, các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.
– Tạo góc mở phù hợp với lớp, chủ đề, có nhiều nguyên liệu cho trẻ hoạt động
– Trang trí các góc ngang tầm mắt và tạo ra sản phẩm sau mỗi lần hoạt động
– Tạo góc thiên nhiên: có chai, lọ cho trẻ pha màu, cát nước…
– Tạo môi trường trong, ngoài lớp đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho trẻ được khám phá, trải nghiệm.
– Thiết kế môi trường phù hợp với độ tuổi, phù hợp với trẻ (Trẻ nhà trẻ trang trí các rổ đồ chơi…)
– Môi trường vật chất trong và ngoài lớp phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương
1.5. Khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau; tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển toàn diện.
1.6. Tạo những điều kiện, cơ hội, tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn.
– Tận dụng tối đa và triệt để những điều kiện sẵn có của trường: trồng hoa, trồng rau, quan sát con vật… dưới nhiều hình thức (Trồng, tưới, bắt sâu, thu hoạch rau… để khai thác kiến thức trên trẻ), tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm
2. Xây dựng kế hoạch giáo dục
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục, phạm vi và mức độ, nội dung giáo dục trẻ, các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ, cụ thể:
2.1. Thể hiện các mục tiêu cụ thể phản ánh được kết quả mong đợi đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo giai đoạn, thời điểm phù hợp và theo Chương trình giáo dục mầm non.
2.2. Thể hiện nội dung giáo dục theo Chương trình GDMN và có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương, trường/lớp.
2.3. Không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kĩ năng đơn lẻ mà theo hướng tích hợp, coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống cho trẻ.
2.4. Thể hiện tính tích hợp, tạo sự gắn kết, tác động một cách thống nhất đồng bộ đến sự phát triển của trẻ.
2.5. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động GD bằng vận động thân thể và các giác quan dưới nhiều hình thức khác nhau.
3. Tổ chức hoạt động giáo dục
3.1. Phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.
3.2. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, làm thay đổi và cá thể hóa đối với những trẻ thiếu hụt, những trẻ nhút nhát không tự tin.
3.3. Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ.
3.4. Tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình.
3.5. Giáo viên tổ chức, điều khiển, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ. Khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ.
Hằng năm, nhà trường đều tổ chức Hội thi đồ dùng đồ chơi tự tạo cấp trường, qua hội thi, các đồng chí giáo viên được trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, phát huy khả năng sáng tạo trong phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đổi mới phương pháp dạy học.
Năm học 2019 – 2020, trường mầm non Họa Mi tổ chức Hội thi “Bé với môi trường” cấp trường với mục đích giúp giáo viên hiểu và thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục, kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Hội thi “ Bé với môi trường” đã giúp trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình; biết suy nghĩ và sáng tạo, vận dụng vào thực tế cuộc sống nhằm giải quyết các tình huống mà trẻ thường gặp. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, chủ động, tư duy, sáng tạo, thích thú tìm tòi, khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường, ở lớp.
Một số hình ảnh Hội thi ĐDĐC tự tạo năm học 2018-2019 và Hội thi Bé với Môi trường
năm học 2019 – 2020
Một môi trường sạch sẽ an toàn, có sự sắp xếp, bố trí các khu vực trong lớp và ngoài trời phù hợp thuận tiện cho trẻ sẽ có ý nghĩa to lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu khám phá, mở rộng tri thức, vốn hiểu biết cho trẻ, kích thích trẻ hoạt động sáng tạo, tích cực. Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là phương tiện, điều kiện giúp trẻ phát triển toàn diện, giúp trẻ “Học bằng chơi, chơi mà học” trong trường mầm non.