Bỏ túi những mẹo giúp khắc phục chứng ù tai khó chịu
Ù tai là tình trạng một hoặc cả hai bên tai xuất hiện tiếng “ù ù”, khiến người bị luôn trong trạng thái khó chịu, đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu ở mức độ nhẹ, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau để cải thiện tình trạng.
Mục Lục
1. Mẹo khắc phục chứng ù tai
Để làm thuyên giảm sự khó chịu và bất tiện do ù tai, bạn có thể tham khảo và áp dụng một số mẹo sau.
Hạn chế tiếp xúc tiếng ồn
Tiếng ồn, đặc biệt là những âm thanh lớn sẽ khiến tình trạng ù tai trở nên nghiêm trọng. Do đó, hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn là giải pháp giúp khắc phục chứng ù tai hiệu quả.
Theo đó, nếu làm việc trong môi trường ồn ào thì bạn có thể dùng bịt tai để bảo vệ đôi tai của mình. Ngoài ra, cứ mỗi 15 – 20 phút thì đi ra nơi yên tĩnh một lần. Trường hợp muốn đeo tai nghe thì lưu ý, để âm lượng nhỏ và không nghe quá 60 phút.
Đeo bịt tai là cách bảo vệ đôi tai trước những âm thanh lớn hoặc khi làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn
Sử dụng tiếng ồn trắng
Tiếng ồn trắng ở đây là những âm thanh “lành mạnh”, mang đến sự thư giãn và dễ chịu cho người nghe. Chẳng hạn như băng ghi âm tiếng nước chảy, tiếng mưa rơi, tiếng sóng biển,… hoặc các bản hòa tấu, nhạc không lời. Khi bị ù tai, bạn có thể sử dụng những tiếng ồn trắng này để lấn át tiếng “ù ù” khó chịu trong tai.
Chú trọng chế độ dinh dưỡng
Những người gặp vấn đề về thính giác như khả năng nghe kém, thường xuyên ù tai thì nên bổ sung nhiều vitamin D, Omega-3, axit folic và một số chất chống oxy hóa. Những chất này có nhiều trong cá, các loại đậu, bông cải xanh và rau bó xôi. Do đó, đừng quên tăng cường các loại thực phẩm này trong chế độ ăn hàng ngày để vừa phòng chống, vừa trị ù tai hiệu quả.
Tăng cường ăn cá, rau xanh và các loại hạt để cải thiện tình trạng tai bị ù và các vấn đề về thính giác
Nghiệm pháp “tiếng trống trời”
Nói dễ hiểu, nghiệm pháp “tiếng trống trời” là một hình thức xoa bóp để kích thích thính giác. Từ đó, cải thiện chứng ù tai cũng như gia tăng khả năng nghe. Cách thực hiện như sau:
-
Úp 2 lòng bàn tay lên vành tai và ống tai sao cho các ngón tay hướng về phía sau đầu, ôm sát vùng chẩm.
-
Lần lượt gõ các ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út vào vùng chẩm để tai có thể nghe thấy âm thanh gõ này. Liên tục gõ 60 cái rồi dừng.
-
Ép lòng bàn tay lên vành tai và ống tai thật mạnh rồi buông ra. Lúc này, bạn có thể nghe thấy tiếng “rắc” vang lên. Thực hiện 9 lần.
Nghiệm pháp “tiếng trống trời” sẽ mang lại hiệu quả cao nếu thực hiện đúng cách như trên. Và kiên trì tập mỗi ngày 3 lần, mỗi lần tập thực hiện lặp đi lặp lại 3 lần.
Tập thể dục thể thao
Nhiều người thắc mắc không biết việc luyện tập thể dục thể thao có giúp cải thiện chứng ù tai hay không? Câu trả lời là có. Bởi một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, cộng với việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao sẽ giúp quá trình tuần hoàn, lưu thông máu tốt hơn. Nhờ đó, gia tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật và cải thiện sức khỏe.
Vì vậy, khi tai bị ù, song song với các biện pháp nói trên, bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như thiền, yoga hoặc đi bộ, đạp xe, bơi lội,… Tập đúng cách với tần suất hợp lý sẽ làm thuyên giảm triệu chứng ù tai.
Các bài tập nhẹ nhàng, đặc biệt là ngồi thiền sẽ giúp triệu chứng ù tai được thuyên giảm
Sử dụng nhật ký hoạt động
Nhật ký hoạt động ở đây sẽ ghi chép cụ thể tình trạng ù tai, đặc biệt là tác động của những yếu tố làm mức độ ù thêm nghiêm trọng. Chẳng hạn như:
-
Tâm trạng căng thẳng, lo âu, mất ngủ.
-
Rượu bia, cà phê, thuốc lá.
-
Thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo,…
Và việc cần làm là theo dõi nhật ký và cố gắng tránh xa những tác nhân làm chứng ù tai thêm tồi tệ. Bằng cách này, bạn có thể cải thiện được tình hình.
Vệ sinh tai đúng cách
Thường xuyên vệ sinh tai bằng cách dùng miếng vải hoặc chiếc khăn mềm lau sạch vùng ngoài tai, đặc biệt là vành tai. Sau đó dùng thuốc nhỏ tai nhỏ vài giọt vào trong tai để làm mềm ráy tai. Cuối cùng, dùng ống tiêm để rửa lại tai với nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
2. Ù tai – khi nào cần đi khám?
Tình trạng ù tai có thể khác nhau ở mỗi người. Có người bị ngắt quãng, lúc bị lúc không; nhưng cũng có có người bị liên tục và dai dẳng. Bên cạnh đó, cường độ và âm thanh nghe được trong tai cũng không giống nhau. Nếu nhẹ thì nghe như tiếng ve râm ran, tiếng gió thổi vi vu,… Nhưng nặng hơn thì sẽ cảm giác như tiếng động cơ máy bay, tiếng đoàn người hành quân,…
Vậy ù tai khi nào thì cần đi khám? Theo đó, trường hợp ai bị ù kéo dài, dai dẳng, kèm theo đó là đau đầu, chóng mặt, chảy dịch và nổi mụn nước bất thường ở tai, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra. Bởi đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng nào đó, có thể kể đến như:
-
Nhiễm trùng tai, bệnh xốp xơ tai.
-
U dây thần kinh thính giác, ung thư vòm họng.
-
Xơ cứng mạch máu, dị dạng mạch máu.
-
Bệnh rối loạn chức năng khớp thái dương hàm.
-
Chấn thương đầu cổ, u vùng đầu cổ, thoái hóa cột sống cổ.
-
Các bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, thiểu năng giáp, thiếu máu mạn.
Tai ù nặng cộng với các triệu chứng khác, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị
Trong những trường hợp nghi ngờ ù tai do các bệnh lý về não và mạch máu, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp CT hoặc MRI và làm các xét nghiệm cần thiết. Nhìn chung, nếu tình trạng nghiêm trọng thì nhất thiết phải đến bệnh viện.
Khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một địa chỉ khám và chữa bệnh uy tín, chất lượng khi mọi người mắc các bệnh lý về tai. Mọi nhu cầu hoặc thắc mắc liên quan, vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56. Bộ phận tư vấn viên sẽ hướng dẫn chi tiết và cụ thể về cách thức đặt lịch khám và quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện.