Bỏ tràm trồng keo lai người dân tăng thu nhập 1,5 lần
Sau khi được Bộ NN&PTNT cho phép trồng trong lâm phần rừng U Minh hạ, đến nay, cây keo lai đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, mang lại cho bà con vùng rừng tràm các huyện U Minh, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hàng trăm triệu đồng mỗi đợt thu hoạch. Với những ưu điểm nhanh cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao hơn, cây keo lai đang làm thay đổi bộ mặt vùng đất U Minh hạ.
Vào năm 2009, ngay sau khi tỉnh Cà Mau được “cấp phép” bổ sung thêm cây keo lai trồng trong vùng đất sản xuất của địa phương, một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn đã cùng các hộ gia đình trên lâm phần U Minh hạ đi đầu trồng keo lai. Đến khoảng năm 2014 – 2015, những lứa keo lai đầu tiên được thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ. Từ đó đến nay diện tích đất trồng keo lai của Cà Mau không ngừng tăng.
Cây keo lai đang làm thay đổi bộ mặt vùng đất U Minh hạ.
Anh Trần Công Văn, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời được giao 5 ha đất canh tác tại địa phương, trong đó được phép sản xuất 1,5 ha đất lúa, diện tích còn lại phải trồng rừng.
Theo anh Văn, trước đây bà con địa phương không biết trồng cây gì khác ngoài cây tràm bản địa. Vì độc canh nên giá trị cây tràm luôn thấp dưới đáy. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng lúa cũng chỉ canh tác được 1 vụ/năm khiến đời sống người dân chất chồng khó khăn.
Thấy một số hộ dân đi đầu trồng keo lai thành công, anh Văn đã về dùng hết tiền gia đình tích góp, lên liếp chuyển 1,5 ha đất lúa qua trồng keo lai vào năm 2013. Mặc dù mới được 4 năm, mỗi ha keo lai anh Văn thu hơn 100 triệu đồng/ha giúp gia đình anh và nhiều bà con đổi đời.
“Nếu cứ trồng lúa tại vùng đất này sẽ rất khó có hiệu quả vì phải mướn đủ thứ từ cày, trục cho đến phát hoang…nhưng đến mùa thu hoạch, 1 công ruộng chỉ được có 5 giạ lúa. Trong khi đó nước phèn danh cho chống cháy rừng càng luôn làm cho cây lúa khó phát triển, khi chuyển qua trồng keo lai hiệu quả thấy rõ”, anh Văn cho biết.
Còn gia đình ông Phạm Văn Phun, ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh tiến hành trồng keo lai trên diện tích đất bờ bao của gia đình từ năm 2010. Chỉ với diện tích khoảng 1 ha, ông thu bán cho công ty gỗ tại địa phương cũng được trên dưới 200 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Phun, mỗi ha cho sản lượng khoảng 200 – 250 m3 gỗ. Giá gỗ bì đến nay trước nay vẫn ổn định 1.000 đồng/kg. Các phụ phẩm cành, nhánh cũng bán được giá 700 đồng/kg. Chỉ sau 5 năm trồng keo lai, người dân có thể thu được 200 triệu đồng/ha.
“Với cây tràm, để trồng tới thu hoạch ít nhất cũng mất 7 năm nhưng chỉ đạt hơn 100 triệu đồng/ha nên cây keo lai mang lại giá trị kinh tế cao hơn cây tràm truyền thống khoảng 1,5 lần”, ông Phun cho hay.
Từ hiệu quả kinh tế vượt trội, người dân vùng đất U Minh hạ đang tiếp tục trồng keo lai khá nhiều.Đến nay, trong lâm phần rừng tràm U Minh hạ đã có hơn 8.500 ha đất trồng keo lai. Thực trạng trên hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, đến năm 2020, trong khoảng 28.000 ha đất sản xuất tại lâm phần rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau sẽ quy hoạch 50% diện tích phát triển trồng keo lai.
Theo ông Thức, nguồn cung cấp keo tại địa phương vẫn chưa đủ cầu. Bao nhiêu sản phẩm người dân làm ra, đều được thương lái vùng trên xuống thu hoạch hết. Trong đó, thị trường chính là Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai về lâu dài trồng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
“Sở Nông nghiệp đang chỉ đạo trồng keo lai lấy gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao hơn. Để thực hiện điều này cần chuyển dần từ khai thác gỗ một lượt sang chặt chọn, tỉa thưa để chu kỳ khai thác keo lai dài 7 – 8 năm để lấy gỗ lớn. Sản phẩm gỗ keo lai chất lượng cao sẽ được tiêu thụ tại các nhà máy chế biến gỗ ghép thanh xuất khẩu”, ông Thức cho biết thêm.
Hiệu quả từ chủ động chuyển đổi cây trồng chống hạn
VOV.VN – Do chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn, nên dù hạn gay gắt như hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh vẫn tương đối ổn định.
Thực tế hiện nay, trước sự phát triển nhanh về diện tích cây keo lai, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng cần phải tính toán kỹ cho bài toán về đầu ra. Đã có rất nhiều bài học đắt giá về vấn đề “được mùa mất giá”, cho nên hy vọng, cây keo lai của vùng đất tận cùng Tổ quốc Cà Mau sẽ không đi vào con đường quen thuộc đó./.