Bỏ tay vài biện pháp nâng cao năng suất mãng cầu xiêm
Tuy được coi là đặc sản Việt Nam nhưng thực ra mãng cầu xiêm có nguồn gốc từ Trung Mỹ và các nước ở Nam Mỹ như Brasil, Colombia hay Peru. Khi du nhập vào nước ta nhờ hợp khí hậu và thổ nhưỡng mà cây cho quả rất to, năng suất tốt nên được trồng phổ biến.
Mãng cầu xiêm là giống cây thân gỗ có hệ tán rộng. Tùy vào những địa phương trồng mà giống mãng càu xiêm này có chiều cao từ 3-10 mét. Giống mãng cầu xiêm này có hệ lá khá phát triển với lá hình thuôn dài màu xanh đậm. Hoa của mãng cầu xiêm có màu xanh mọc theo chùm ở thân. Giống mãng cầu xiêm cho quả to hơn hẳn mãng cầu ta. Một quả khi chín có trọng lượng trung bình khoảng 1-2kg.
Cây mãng cầu xiêm được đánh giá là loại cây cho năng suất và cao, dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây sống và phát triển tốt ở những vùng có độ ẩm cao và nhiệt đôn không quá lạnh rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm như nước ta. Chỉ cần chăm chỉ áp dụng một số kĩ thuật thì bà con sẽ sở hữu được vườn sai trĩu quả.
Yêu cầu về điều kiện sinh thái của mãng cầu xiêm không khó lắm, mãng cầu xiêm có thể ra hoa, trái quanh năm, không rụng lá qua mùa khô giống như mãng cầu ta (na dai) nên chúng đòi hỏi độ ẩm ổn định để nuôi trái. Đất trồng tốt nhất là loại đất phù sa nhiều thịt, độ pH tốt nhất ở trong giới hạn 5 – 6,5. Nhờ bộ rễ của gốc ghép (gốc bình bát), mãng cầu xiêm chịu được ngập úng thường xuyên và độ mặn nhất định vì bình bát vốn dĩ là cây hoang dại.
+ Phân bón có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng suất mãng cầu xiêm. Tăng cường bón phân hữu cơ 10-15kg/cây/năm. Tùy theo vùng đất mà có lượng phân bón vô cơ phù hợp, trên vùng đất phèn nên tăng cường bón phân lân và vôi để tăng độ pH đất. Giai đoạn đậu trái, bón phân NPK có hàm lượng đạm cao, khi trái đạt kích thước tối đa nên bón bổ sung phân Kali để tăng phẩm chất trái.
+ Đừng thấy cây mãng cầu nở rất nhiều hoa thì sẽ sai trĩu quả. Tuy hoa nhiều nhưng tỷ lệ ra quả của mãng cầu không cao, nhiều khi trái mọc ra vừa nhỏ vừa méo mó không đồng đều.
+ Trong tự nhiên, trái mãng cầu xiêm ít khi có hình dạng đầy đặn, chung quanh bốn phía no tròn mà thường bị vặn vẹo, phía được thụ phấn, múi có hạt phát triển mạnh thì phình ra còn phía không được thụ phấn thì múi không có hạt (múi lép), kém phát triển, vỏ phía ngoài co lại, làm giảm giá trị thương phẩm. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng là thụ phấn kém hiệu quả, do cấu tạo của bông, khi nướm nhụy cái tiết mật sẵn sàng nhận phấn thì các nhị đực chưa chín để tung phấn, đến khi nhị đực chín để tung phấn thì nướm nhụy cái đã qua thời kỳ nhận phấn, do đó bông không thụ phấn được, chủ yếu thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Tuy nhiên, hoa mãng cầu xiêm khi trổ đầu chúi xuống, lúc nở, cánh hoa chỉ mở he hé nên gió và côn trùng khó có thể mang phấn từ cây này sang cây khác đưa đến kết quả là tỉ lệ đậu trái rất thấp. Đây là đặc tính riêng của mãng cầu. Vì thế, muốn trồng mãng cầu xiêm đạt năng suất cao, phương pháp thụ phấn bổ sung là biện pháp tối ưu giúp trái nhiều và trái phát triển đều đặn.
Phương pháp thụ phấn bổ sung được thực hiện như sau:
– Chọn bông để lấy phấn đực: Bông mãng cầu xiêm thường nở vào buổi chiều lúc 4-5 giờ và sau 2 giờ thì nở xong. Đến 10 giờ đêm thì cánh bông bắt đầu rụng. Nên chọn bông ở chót cành, bông có cuống nhỏ, mọc trên các cành nhỏ không đủ sức nuôi trái. Nên cắt các bông này vào buổi chiều, chọn những hoa sắp nở (cánh phát triển dài, chuyển màu trắng vàng, cánh nọ đã tách khỏi cánh kia, bao phấn sắp nứt). Bông cắt xong được đựng vào hộp, dưới có lót giấy trắng để hứng phấn bông, xong đấy nắp lại để nơi thoáng mát, để phấn sống tốt. Một bông lấy phấn có thể thụ đủ cho 6-10 bông. Sáng sớm hôm sau, bao phấn đã nứt, mở hộp ra, dùng kẹp nhỏ gắp bỏ các cánh bông, cuống bông. Dùng một que nhỏ, đầu có quấn bông gòn chà nhẹ lên các tiểu nhị để hạt phấn rơi ra (bông gòn không nên quấn quá chặt dễ làm hư hạt phấn). Sau đó loại các tiểu nhị để lấy các hạt phấn. Phấn thu được phải có màu kem, nếu màu nâu nhạt hay màu đen là phấn hư không dùng được.
– Chọn bông để thụ phấn: chọn các bông có cuống to, mọc ở các cành to khỏe, đủ sức nuôi trái tốt để thụ phấn. Chọn các bông đã nở, nướm tiết nhiều mật. Dùng một tay để giữ bông (kẹp cuống bông vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, dùng ngón cái để giữ cánh bông). Tay còn lại dùng que có quấn bông gòn, chấm vào phấn hoa trong hộp xong xoay tròn nhẹ lên đầu nướm nhụy cái, làm 3 lần là đã thụ phấn xong cho bông. Sau khi thụ phấn, bông nào đậu thì cuống vẫn còn xanh, từ 2-4 tuần sau, sẽ thấy trái non phát triển. Bông nào không đậu thì cuống đen, teo và rụng. Thời gian thụ phấn tốt nhất là 8-9 giờ sáng.
Về sâu bệnh
Cần chú ý biện pháp quản lý tổng hợp, sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc “Bốn đúng” và tuân thủ các biện pháp an toàn. Thường xuyên thăm vườn, xác định đúng đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trị cho phù hợp.
1. Rầy mềm, rệp sáp: Chích hút đọt non, hoa, trái làm cây giảm sức sinh trưởng và rụng hoa trái non, giảm giá trị trái lớn. Phòng trị bằng các thuốc trừ rầy rệp có hoạt chất như Imidaloprid, Acetamiprid, Chlopyriphos ethyl,…
2. Các loài sâu ăn lá, bọ trĩ, nhện đỏ: Phun thuốc có hoạt chất, Emamectin,… khi sâu có mật độ cao.
3. Bệnh thán thư, thối trái: Tác nhân do nấm gây hại trên tược non, hoa, trái non lẫn trái trưởng thành. Phòng trị: bằng các loại thuốc có hoạt chất như nano bạc, nano đồng, Difenoconazole (Score), Propineb (Antracol), Tilt Super, Topsin M…
4. Bệnh thối rễ, chết cành
Tác nhân gây bệnh là do sự kết hợp giữa nấm, tuyến trùng và rệp sáp. Thông thường khi cây mắc bệnh sẽ có biểu hiện như sinh trưởng kém dần, lá vàng nhợt nhạt, héo úa và rụng từ từ, chết nhánh, gây thương tổn trên thân. Nhất là rễ cái của cây bị hoại tử, thối đen, dẫn đến chết cây.
=> Cách phòng trị: nên cắt tỉa tàn, nhánh bị bệnh, vệ sinh vườn và làm cỏ dại. Có thể sử dụng các loại thuốc trị nấm/tuyến trùng sau đó sử dụng thêm các chủng vi sinh vật phục hồi hệ rễ, đối kháng nấm khuẩn có hại, cải tạo lại đất, hạ phèn, giúp rễ cây phát triển trở lại.
Mãng cầu xiêm là cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu song để đạt hiệu quả kinh tế cao cần quan tâm đến việc thụ phấn nhân tạo bổ sung đi đôi với chăm sóc tốt là một vấn đề quan trọng góp phần tạo năng suất cao trong thâm canh mãng cầu xiêm./.
Nguồn: tham khảo: snnptnt.bentre.gov.vn