Bỏ phố lên rừng trồng tam thất
Thứ Tư 25/03/2020 , 06:35 (GMT+7)
Rời chốn phồn hoa, náo nhiệt Thủ đô, anh Trung lên vùng rừng rú để trồng tam thất với tấm bằng kỹ sư toán tin trong tay chỉ để thoả chí đam mê…
Anh Đặng Quang Trung (phải) đưa du khách thăm khu trồng tam thất. Ảnh: HĐ.
Không thể ăn xổi
Tình cờ tôi gặp Đặng Quang Trung – kỹ sư toán tin của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng ấn tượng nhất là anh lên Nậm Mòn (Bắc Hà, Lào Cai) để trồng tam thất chứ không phải đi thực hiện dự án công nghệ nào đó.
Gặp lại Đặng Quang Trung – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải – anh khoe, vừa nhân ra được hơn 2 ha tam thất.
Anh Trung bảo, cây này rất khó sống. Tam thất đòi hỏi độ cao, độ cẩm nhưng không được tưới nên muốn trồng phải tạo độ ẩm cho cây bằng cách che lưới, trồng dưới tán cây rồi lấy mùn rừng để rải gốc cây.
Hằng ngày, mặc dù việc chăm tưới cho tam thất không giống trồng rau nhưng vẫn phải nhổ cỏ còn vào mùa thì phải bắt dế.
“Dế mèn thích loại cây này nên thường đến ăn làm hỏng cây” – anh Trung nói.
Tam thất trồng từ 5-7 năm mới cho thu hoạch củ còn hoa cũng phải từ năm thứ 3 trở đi mới có thể hái được. Với đặc thù của loại cây này, tam thất sinh trưởng khác nhau ở tuỳ từng môi trường. Trồng trong nhà lưới cây chỉ cao khoảng 20-25 cm nhưng dưới những tán rừng cây có thể cao tới 35-40cm.
Anh Trung cho biết, diện tích trồng tam thất của HTX ở bìa rừng không nhiều bởi trồng ở đó việc trông nom rất khó khăn. Hai là trong rừng có nhiều sinh vật khi đêm xuống sẽ ra ăn cây như chuột. Do vậy, hầu hết HTX chọn trồng dưới tán cây nhưng che thêm mái lưới.
Ngoài diện tích tam thất ở thôn Cồ Dề Chải (xã Nậm Mòn, Bắc Hà), anh Trung cũng phát triển một ít diện tích tam thất ở Si Ma Cai. Liên kết với một số hộ dân để sản xuất.
Củ tam thất trồng tại khu canh tác của HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải. Ảnh: QT.
Kỹ sư toán tin chọn nông nghiệp
Thời gian để tam thất cho thu hoạch kéo dài nhiều năm, nên để duy trì hoạt động của HTX, anh Trung sản xuất cây tam thất giống để bán cho các dự án được đặt hàng hoặc bán lẻ 300-500 cây cho bà con quanh vùng.
“Có hai cách để làm giống, cách thứ nhất là nhân giống từ tách củ. Cách hai là nhân giống từ hạt. Cây từ 5-7 năm tuổi, không khai thác nụ mà để ra hoa rồi lấy hạt. Cây để lấy hạt rồi sẽ không ra củ. Sau đó gieo hạt thì 14-16 tháng sau có cây để bán” – anh Trung cho biết.
Song câu chuyện trồng tam thất của anh Trung thú vị nhất là từ một kỹ sư toán tin anh chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới, nông nghiệp.
“Ngày trước thi đại học, tôi đăng ký 2 trường khối A là Bách khoa và Lâm nghiệp. Sau đỗ cả hai, tôi chọn học Lâm nghiệp nhưng chán nên bỏ về học Bách khoa. Sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm ở một số công ty tin học, cơ quan nhà nước và cùng một số người bạn quyết định mở cửa hàng máy tính để kinh doanh riêng. Tôi làm đến năm 2006 lập gia đình thì rời đi và bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực nông nghiệp” – anh Trung kể.
Anh Đặng Quang Trung (phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây với bà con. Ảnh: HĐ.
Với tôi, nông nghiệp là sự đam mê, sở thích. Tôi không có bằng kỹ sư nông nghiệp nhưng khi cần kỹ thuật thì tôi có thể thuê. Thị trường giờ rất mở có thể làm được nhiều thứ nhanh hơn” – anh Trung nói.
HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải đang được xây dựng dần với định hướng trồng cây thảo dược có giá trị cao. HTX cũng đầu tư nhà trình tường làm văn phòng, nhà làm kho, nhà đông lạnh, nhà sấy.
Nhiều năm gắn bó với Lào Cai, anh Trung cũng quen dần cuộc sống nơi đây. Cuối tuần, bạn bè của anh cũng thường xuyên lên chơi nên phần nào giúp anh với bớt nỗi nhớ thủ đô.
“Nhà Hà Nội cứ đi đi về về, ở Cồ Dề Chải là làm việc nên không ai kêu gì cả, đi làm chứ đi chơi đâu. Có ở Hà Nội thì ít khi tôi ở nhà, lúc thì Nghệ An, Thanh Hoá, lúc thì Kom Tum nên thành viên gia đình cũng cảm thông” – anh Trung phân trần.
Hiện anh Trung đang tiếp tục thử nghiệm trồng tam thất ở gần rừng tự nhiên của huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ (Quảng Ngãi).