Bộ nên mở một kênh riêng để giáo viên góp ý thẳng cho sách giáo khoa
GDVN- Bộ nên mở kênh thông tin ghi nhận trực tiếp đóng góp của giáo viên về sách giáo khoa thay vì lòng vòng qua trường, phòng, sở như hiện nay.
Năm học 2020-2021, lần đầu tiên ngành giáo dục có đến 5 bộ sách giáo khoa được các trường lựa chọn đưa vào giảng dạy.
Những vụ lùm xùm về sạn trong các bộ sách mà chủ yếu do bạn đọc phát hiện được đưa lên mạng truyền thông đã trở thành đề tài nóng được toàn xã hội quan tâm.
Khi đó, ngành giáo dục cũng đã bắt đầu cho giáo viên ở các cơ sở lấy ý kiến đóng góp.
Điều đáng nói, khi lấy ý kiến góp ý từ những người đang trực tiếp giảng dạy thì những bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được in và bán rộng rãi ngoài thị trường nên dù có ý kiến đóng góp cũng chỉ để đó, có chăng sẽ được chỉnh sửa để tái bản cho năm học sau.
Rút kinh nghiệm vì sự muộn màng ở bộ sách lớp 1, từ rất sớm (khi chưa in sách giáo khoa lớp 2 mới rồi lớp 3, lớp 6, đến lớp 7 và lớp 10) ngành giáo dục đã tổ chức cho giáo viên các trường học tiếp cận với các bộ sách giáo khoa trên bảng điện tử.
Chúng tôi đã được huy động vừa dạy học, vừa kết hợp việc nghiên cứu sách để đóng góp ý kiến.
Văn bản giảm tải của chương trình 2006 lại thành bài học chính thức của chương trình mới
Tôi và một số đồng nghiệp được tổ phân công nghiên cứu sách giáo khoa Tiếng Việt. Ngoài những ưu điểm nổi bật so với sách giáo khoa hiện hành khi có khá nhiều văn bản hay, có tính giáo dục cao thì vẫn còn thấy một số tồn tại cần được khắc phục.
Cụ thể, bài đọc “Mít làm thơ” trang 25 tập 1 sách giáo khoa Tiếng Việt bộ Cánh Diều lớp 2. Đây chính là một bài học cũ trong chương trình lớp 2 của chương trình giáo dục 2006.
Tôi còn nhớ rất rõ, những năm đầu khi mới thay sách của chương trình giáo dục 2006, bài tập đọc này là bài học được giảng dạy chính thức trong chương trình.
Tuy nhiên, nội dung bài học không phù hợp với học sinh lớp 2, ở lớp học này chưa có những tiết học làm thơ như học sinh bậc trung học cơ sở (lớp 2 chủ yếu vẫn là rèn kỹ năng đọc đúng rồi sau mới là đọc hiểu).
Do nội dung bài học không phù hợp nên dẫn đến thông điệp giáo dục của bài không rõ ràng.
Mỗi khi dạy đến bài này, giáo viên cũng rất khó truyền đạt ý nghĩa giáo dục đến học sinh và vì thế các em cũng khó liên hệ bản thân sau khi học xong bài.
Bài đọc nói là chuyện vui nhưng đọc xong chẳng ai thấy vui, thấy cười gì cả. Tôi nhớ ở thời điểm góp ý về sách giáo khoa hiện hành, giáo viên chúng tôi khi đó cũng đã góp ý khá nhiều về chuyện này.
Vài năm sau, bài đọc “Mít làm thơ” không còn là bài học chính thức nữa mà đã đưa vào phần giảm tải, vào “bài đọc thêm” nên cũng không còn ai nhắc lại.
Cho đến lần thay sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi tiếp cận với sách giáo khoa Tiếng Việt bộ sách Cánh Diều lớp 2, chúng tôi đã khá bất ngờ khi thấy lại bài học “Mít làm thơ” xuất hiện. Đã thế, phần kể chuyện có yêu cầu: kể lại một đoạn truyện em thích. Truyện không hay, học sinh không thích đoạn nào lẽ nào không phải kể?
Ngoài ra, sách Tiếng Việt bộ Cánh Diều lớp 2 còn có thêm bài “Quà của bố”. Đây cũng là bài đọc cũ trong sách Tiếng Việt lớp 2 chương trình giáo dục 2006. Nội dung bài đọc nói về việc bố đi câu về mang rất nhiều quà cho con.
Thế giới dưới nước có con cà cuống, niềng niễng, cá sộp… Thế giới mặt đất có con xập sành, con muỗm… Những con vật được kể trong bài chủ yếu ngoài vùng phía Bắc nhưng hiện nay cũng không còn nữa như cà cuống, niềng niễng, xập xành, muỗm…
Ngay đến cả giáo viên cũng còn chưa biết những con vật này ngoài tranh ảnh trong sách hoặc tìm hiểu bằng cách tra từ điển, tìm thông tin trên mạng. Giáo viên chưa có thực tế thì giảng giải cũng có phần hạn chế.
Những con vật được nêu trong bài quá xa lạ nên các em học sinh càng rối mù, giải nghĩa bằng tranh ảnh học sinh cũng khó hình dung vì hầu như những con vật này không quen thuộc.
Bài học còn mang nặng từ ngữ vùng miền đặc biệt vùng quê phía Bắc như mốc thếch, chọi nhau, quẫy… Một số đồng nghiệp của chúng tôi khi dạy đến bài này đều than khó giảng, khó giải thích cho học sinh hiểu.
Và, chính học sinh cũng chẳng thấy hứng thú với bài học khi phải trẹo lưỡi để đánh vần những từ như: ngó ngoáy, quẫy tóe nước, niềng niễng đực, niềng niễng cái, mốc thếch, xập xành, muỗm to xù…
Nhiều ý kiến góp ý từ giáo viên không được ghi nhận
Một số giáo viên thắc mắc vì khó hiểu khi một bài học đã bị góp ý nhiều trong chương trình giáo dục 2006, một bài học đã đưa vào phần giảm tải, phần đọc thêm mà nay lại đàng hoàng xuất hiện trong cuốn sách giáo khoa mới. Thế nên, giáo viên chúng tôi đã góp ý cần thay thế bài học này bằng một bài học khác có tính giáo dục cao hơn.
Chúng tôi đã góp ý về nội dung chưa phù hợp và những khó khăn khi dạy 2 văn bản này.
Lời góp ý của những giáo viên đã giảng dạy những văn bản này từ nhiều năm trước nên chúng tôi cũng rất tin tưởng các nhà biên soạn sách sẽ lắng nghe để chỉnh sửa.
Chẳng hiểu có phải những lời góp ý đi qua quá nhiều cửa (từ tổ lên trường, lên phòng, ra sở rồi về Bộ) đã rơi hụt đâu đó nên khi bộ sách giáo khoa Cánh Diều lớp 2 được phát hành rộng rãi thì 2 văn bản “Mít làm thơ” và “Quà của bố” vẫn còn như khi sách đang là bản điện tử.
Cũng vì những góp ý không được ghi nhận nên nhiều thầy cô giáo luôn có suy nghĩ, tổ chức góp ý sách giáo khoa cho đúng quy trình chứ lời góp ý của giáo viên mấy ai để ý.
Góp ý trên báo chí hiệu quả hơn?
Do giáo viên không được góp ý thẳng tới nơi cần góp ý mà phải đi lòng vòng qua rất nhiều khâu trung gian như từ tổ lên trường, từ trường lên phòng, từ phòng lên sở, từ sở lên bộ… thế nên cũng không biết những góp ý của các thầy cô giáo có đến được đúng nơi cần đến hay không.
Bởi thế, việc giáo viên cho rằng, những góp ý của giáo viên thường bị rơi vào quên lãng như 2 ví dụ người viết vừa nêu trên cũng không phải không có cơ sở.
Ngược lại, có những góp ý được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam lại được ghi nhận và chỉnh sửa rất kịp thời.
Đơn cử, khi góp ý về bản chỉnh sửa sách Tiếng Việt thuộc bộ sách Cánh Diều, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài “Bản hiệu đính Tiếng Việt 1 Cánh diều chưa đến tay, thầy trò đã học hết một nửa” góp ý về việc “sạn” trong bản hiệu đính.
Cụ thể, bài “Hồ sen” được thay thế cho bài “Cua, cò và đàn cá (2)” nhưng văn bản này vẫn chưa được hay. Bài đọc có 6 câu nhưng 2 câu cuối cùng (câu 5 và câu 6) vướng lỗi lặp từ “thơm ngát”.
Nội dung bài có câu: Khắp hồ thơm ngát. Khi gió về, sân nhà Ngân thơm ngát.
Hai từ “thơm ngát” dù là trong 2 câu nhưng đứng gần nhau trong một văn bản làm cho đoạn văn mất hay.
Giáo viên chúng tôi khi dạy học sinh viết đoạn văn ngắn vẫn thường xuyên nhắc các em muốn cho đoạn văn hay (với học sinh tiểu học) thì không nên lặp từ mà thay bằng những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều bài viết “nhặt sạn” của các thầy cô giáo được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian ấy đã được điều chỉnh, ghi nhận một cách hợp lý.
Giáo viên chúng tôi cũng hy vọng rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi cách góp ý sách giáo khoa như hiện nay khi những lời góp ý từ cơ sở phải chạy lòng vòng từ cấp này đến cấp khác và cũng không chắc những lời góp ý nói thẳng, nói thật có đến đúng địa chỉ cần góp ý hay không.
Vì thế, tôi kiến nghị Bộ nên mở một kênh thông tin để tiếp nhận trực tiếp những góp ý của giáo viên, của bạn đọc một cách đầy đủ và nhanh nhất, từ đó yêu cầu các nhà xuất bản điều chỉnh phù hợp nhất.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đỗ Quyên