Bố mẹ tìm mọi cách mai mối để con thoát ế, có người yêu trước Tết
Minh Phương nhiều lần lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi người thân mai mối nhưng không báo trước. Bùi Lanh hiểu gia đình lo cho mình nên vui vẻ đáp lại khi bị giục hẹn hò.
Sốt ruột vì con cái còn độc thân, nhiều cha mẹ chủ động mai mối cho con qua người quen giới thiệu hoặc đăng ký dịch vụ hẹn hò. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.
Bước sang tuổi 28, Bùi Lanh (hiện 30 tuổi, quê Thái Bình), làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở Hà Nội, liên tục bị thúc giục chuyện tình cảm khi bạn bè xung quanh đều đã kết hôn và sinh con. Bố mẹ cô áp lực và nóng lòng mong có cháu bế.
Hai người thường xuyên nhắc khéo con gái như “Cái H. nhà bên cạnh mới sinh bé thứ 3, đứa nào cũng bụ bẫm thích lắm”, “Giờ bố mẹ còn sức khỏe thì lấy chồng, đẻ đi mới có người chăm cho”. Thỉnh thoảng, họ lại gọi hỏi dò “Nay cuối tuần con gái không đi chơi với bạn trai à?” hay “Mẹ thấy bác N. bảo có người yêu rồi hả? Mẹ nghe mà mừng lắm”.
Tết gia đình sum vầy, gặp họ hàng, hàng xóm, câu cửa miệng của họ luôn là chúc Lanh “năm nay chốt hạ một anh chồng”.
Tương tự Lanh, dịp đầu năm mới, nhiều người trẻ khó tránh những câu hỏi như “Sao mãi chưa có người yêu?”, “Khi nào mới định lấy chồng, sinh con?”,… thậm chí gán ghép, mai mối một cách dồn dập.
Ở phía phụ huynh, họ cũng sốt ruột khi con chưa có đối tượng hẹn hò, kết hôn.
Khó xử
Lanh cho hay ông bà, bố mẹ, họ hàng thúc giục cô chuyện hẹn hò vì lo con gái “quá lứa” sẽ lỡ thanh xuân và khó khăn đường con cái.
Bên cạnh đó, Lanh chưa từng dẫn bạn trai về nhà nên gia đình càng thêm mong mỏi. Tết nào, cô cũng được hỏi có đưa ai về ra mắt không hoặc chê cô kén chọn và khó tính nên mới “ế”.
Hai năm trở lại đây, Lanh được làm mai 6-7 mối. Biết rằng mọi người có ý tốt nên cô sẵn lòng tìm hiểu. Nếu nói chuyện không hợp, cô không thẳng thừng từ chối đối phương mà chia sẻ lại với người đã giới thiệu cho mình.
Bùi Lanh không phản ứng mạnh khi được người thân, bạn bè mai mối, nhưng đôi khi, cô cảm thấy ngại. Ảnh: NVCC.
Tết năm ngoái, Lanh được anh chị họ giới thiệu cho chàng trai cùng quê, cách nhà cô 3-4 km. Phụ huynh thấy ở gần là ưng luôn “con rể”.
Tuy nhiên, do Lanh làm việc tại Hà Nội, đối phương ở quê, cả 2 không đi xa tìm hiểu. Đến giờ, một năm trôi qua, bố mẹ cô vẫn nhắc nếu khi đó đồng ý thì giờ có thể đã được bế cháu.
“Có lúc, tôi thấy ngại vì mọi người mai mối rất nhiệt tình, nhưng chuyện tình cảm không thể ép buộc nên họ vẫn hiểu cho mình. Được bạn bè mai mối cũng vui vì họ quan tâm và chia sẻ cho tôi rất nhiều kinh nghiệm”, cô nói.
Về phía bố mẹ, Lanh chỉ động viên rằng duyên rồi sẽ đến để họ yên tâm.
Vì đã quen với việc bị thúc giục, Lanh không sợ về quê ăn Tết. Ai hỏi han hay giục giã, cô đều cười thật tươi: “Cháu vẫn còn trẻ, đang tuổi ăn tuổi ngủ, chưa vội. Khi nào lên phường phát người yêu thì cháu dẫn về”.
Tết này, Lanh hẹn gặp một mối gần nhà. Trước đây, hai người từng được mai mối nhưng thấy không phù hợp. Khi chưa ai tìm được đối tượng, họ quyết định cho nhau cơ hội thứ 2.
Lanh vẫn chủ yếu được mai mối từ người quen, còn dịch vụ hẹn hò, cô chỉ xem chứ không nghĩ tới chuyện đăng ký.
Khi có ai nhắc đến chuyện mai mối, Minh Phương (29 tuổi, quê Nghệ An), hiện làm việc trong ngành truyền thông tại Hà Nội, lại thở dài. Cô cho biết bản thân chưa muốn hẹn hò để tập trung thăng tiến trong công việc, nhưng gia đình lại quá sốt sắng.
Không ít lần, Phương gặp tình huống “dở khóc dở cười” vì bác, cô, chú nhiệt tình mai mối.
Tết năm ngoái, khi đang đi chơi với bạn, Phương nhận được cuộc gọi từ bác ruột nói về nhà ngay để “đón khách quý đến chơi”. Gặng hỏi là ai không được, cô đành bỏ dở cuộc vui để về.
Tuy nhiên, Phương từ thấy khó xử đến bực bội khi phát hiện “khách quý” là 2 người bạn của em họ. Người thân muốn mai mối, nhưng không nói trước vì sợ cô từ chối. Cô đành cười trừ, ngồi trò chuyện một chút rồi đứng lên.
Không ít người trẻ thấy khó xử khi bị mai mối quá nhiệt tình. Ảnh minh họa: SCMP.
Lần khác, cô chú của Phương cố gắng gán ghép cô với con trai nhà hàng xóm. Cũng không thông báo trước, chú của cô lập nhóm chat và gọi video tới cho Phương. Cô nghĩ người thân gọi nên nghe máy, không ngờ có người lạ xuất hiện. Phương cáo bận rồi tắt máy.
Sau lần đó, Phương tỏ rõ sự khó chịu, nói rằng người thân có thể mai mối, nhưng nên thông báo trước để không đẩy cô vào thế bị động.
“Bác tôi sợ cháu ‘ế’ nên gặp người lạ cũng hỏi nhà có con trai không và xin số điện thoại để làm mối cho tôi. Biết là mọi người lo lắng cho mình, nhưng không báo trước khiến tôi không biết xử sự ra sao, nếu phản ứng mạnh thì lại bị chê ‘kén cá chọn canh’, khó tính. Đó cũng là nỗi ám ảnh của mình mỗi khi về quê ăn Tết”, cô nói.
Bình tĩnh phản ứng
Chia sẻ với Zing, chị Vũ Nguyệt Ánh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của thương hiệu dịch vụ hẹn hò Rudicaf, cho biết bình thường, nhiều phụ huynh đã lo lắng chuyện con cái chưa có người yêu. Đến Tết, họ càng thấy sốt ruột hơn.
Do đó, nhiều người tìm đến dịch vụ hẹn hò để nhờ giúp đỡ. Theo chị Ánh, hiện khoảng 15% khách hàng của công ty là bố mẹ đăng ký cho con.
“Gần đây, một phụ huynh gọi cho tôi liên tục để lưu ý trường hợp của con trai năm nay 30 tuổi. Càng sát Tết, gia đình họ càng sốt ruột khi sắp bước sang năm mới. Năm ngoái, một người mẹ đi từ miền Trung ra Hà Nội, sẵn sàng chi tiền để nhờ tôi tư vấn 1,5 tiếng. Bà ấy cho biết đã vật vã tìm cách thuyết phục con đăng ký dịch vụ hẹn hò. Sau gần một tháng, người con mới dần xuôi và đồng ý gặp tôi để được tư vấn. Tuy nhiên, dù tiền đã đóng, đến ngày hẹn, người mẹ lại gọi cho tôi nói rằng con đổi ý, cần thời gian thuyết phục thêm”, chị kể.
Chị Vũ Nguyệt Ánh cho rằng việc phụ huynh quá sốt ruột nên liên tục thúc giục, mai mối cho con có thể phản tác dụng. Ảnh: NVCC.
CEO Rudicaf cho biết không ít trường hợp bố mẹ chưa hỏi ý con đã tự ý đăng ký dịch vụ hẹn hò. Tuy nhiên, chị quan trọng việc nhân vật chính phải có động lực và muốn hẹn hò. Nếu không gặp được khách hàng hoặc khách hàng không thể hiện thái độ hợp tác, chị sẵn sàng không nhận.
“Theo tôi, việc phụ huynh quá sốt ruột nên liên tục thúc giục, mai mối cho con có thể phản tác dụng. Hiện nay, các bạn trẻ kén chọn, nhiều tiêu chuẩn, chấp nhận độc thân lâu, chưa vội chốt mối quan hệ nào thường là người độc lập, khó tính nên không thích bị chi phối bởi cha mẹ. Phụ huynh càng giục, càng giới thiệu mối này mối kia thì họ càng khó chịu, muốn làm ngược lại”, chị nói.
Về phía người trẻ bị thúc giục hẹn hò, chị Ánh cho rằng họ cần rèn luyện bản lĩnh. Khi người xung quanh nói quá nhiều, ai cũng có thể bị tác động tâm lý. Do đó, điều quan trọng nhất là tâm lý vững vàng để không bị dao động quá nhiều bởi những lời giục giã hay tò mò.
Việc “xù lông nhím” hay phản ứng mạnh càng thể hiện sự bất ổn bên trong và thiếu tự tin trong quyết định hay mong muốn của mình.
Nếu bản thân cảm thấy độc thân là tốt ở hiện tại hoặc muốn từ từ tìm được đối tượng tiềm năng phù hợp, mỗi người nên kiên định với lựa chọn đó.
“Đầu tiên, bản thân cần thật sự cảm thấy thoải mái bên trong, suy nghĩ thật kỹ lý do mình đang độc thân và thấy quyết định đó ổn ở hiện tại. Ai cũng có cách đáp trả riêng của mình, nhưng trên nền tảng là sự độc lập, bình an, tự tin. Có như vậy, họ mới không ‘xù lông nhím’ hay phản ứng cực đoạn vì không bị dao động, nghi ngờ về tình trạng của mình hiện tại”, chị nói.
Các nhà sách đang trở lại
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.