Bộ chỉ huy quân sự
Quân sự quốc phòng
Xây dựng tiềm lực quốc phòng (Tiếp bài: Xây dựng nền quốc phòng)
Tiềm lực quốc phòng bao gồm: tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực quân sự.
Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, trong truyền thống lịch sử – văn hoá dân tộc và trong hệ thống chính trị. Đây là khả năng tiềm tàng về chính trị tinh thần có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực này biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang trước nhiệm vụ quốc phòng của đất nước.
Tiềm lực chính trị – tinh thần của quốc phòng Việt Nam hiện nay là kết quả của một quá trình xây dựng lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của cả dân tộc trong hàng nghìn năm lịch sử.
Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần trước hết là xây dựng lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là yếu tố có tính quyết định trong xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần. Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần đòi hỏi phải tiến hành giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo trình giáo dục quốc phòng cho tất cả các đối tượng. Tiềm lực chính trị – tinh thần được xây dựng trong quá trình củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, trong thực hiện nghiêm chỉnh chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật; nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc. Các dân tộc Việt Nam có quyền bình đẳng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo, xoá đói giảm nghèo để từng bước giảm bớt, tiến tới xoá bỏ chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Tiềm lực chính trị – tinh thần cũng được xây dựng thông qua thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, triệt để đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xây dựng tiềm lực kinh tế là khả năng tiềm tàng về kinh tế (bao gồm cả kinh tế quân sự) có thể huy động để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở vật chất của các tiềm lực khác, thể hiện ở khối lượng, năng xuất, chất lượng, hiệu quả của nền sản xuất xã hội, ở nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, nguồn dự trữ tài nguyên, chất lượng, trình độ lực lượng lao động… Trong lĩnh vực quốc phòng, tiềm lực kinh tế được biểu hiện ở các mặt chủ yếu như khối lượng nhân lực, vật lực, tài lực của nền kinh tế có thể động viên cho việc xử lý các tình huống trong cả thời bình và thời chiến. Tiềm lực kinh tế còn thể hiện ở tính cơ động và sức sống của nền kinh tế, khả năng bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thử thách ác liệt của chiến tranh.
Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân của đất nước được thực hiện thông qua kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) theo quy hoạch, kế hoạch đã xác định; xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng, quốc phòng – kinh tế tại các hướng chiến lược trọng điểm.
Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trong nước tăng đáng kể, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kết cấu hạ tầng phát triển. Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới và đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang được cải thiện; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động của các thành phần kinh tế – xã hội được nâng lên đáng kể. Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình để đạt được mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhờ sự phát triển kinh tế những năm qua, việc xây dựng tiềm lực kinh tế cho nền quốc phòng toàn dân đã đạt những kết quả quan trọng. Việt Nam đã có lượng dự trữ hậu cần đáp ứng yêu cầu đối phó với mọi tình huống khẩn cấp; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển ngày càng hoàn chỉnh và hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quốc phòng. Mặc dù nền kinh tế còn có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, lại chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Nhà nước Việt Nam đã dành một phần cần thiết ngân sách quốc gia cho các nhu cầu quốc phòng nói chung và đảm bảo trang bị, vũ khí cho lực lượng vũ trang nói riêng.
Xây dựng tiềm lực kinh tế phục vụ quốc phòng còn là đầu tư thích đáng cho công nghiệp quốc phòng. Nền công nghiệp quốc phòng phải thực sự là bộ phận công nghiệp quốc gia do Bộ Quốc phòng quản lý. Công cuộc đổi mới nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng được tiến hành theo hướng lưỡng dụng hoá, bảo đảm sửa chữa, sản xuất, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị theo yêu cầu nhiệm vụ phát triển mới của lực lượng vũ trang nhân dân trên các vùng chiến lược; chú trọng phát huy năng lực quốc phòng của các địa phương.
Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ là khả năng tiềm tàng về khoa học và công nghệ (cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ…) có thể huy động nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của xã hội và xử lý các tình huống quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực khoa học và công nghệ là thành tố có vai trò ngày càng quan trọng trong tiềm lực quốc phòng. Tiềm lực đó được biểu hiện ở trình độ và khả năng phát triển khoa học; số lượng và chất lượng các nhà khoa học; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực quốc phòng. Tiềm lực khoa học và công nghệ tác động trực tiếp đến sự phát triển của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang, công tác chỉ huy và quản lý bộ đội…
Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của nền quốc phòng toàn dân gắn bó chặt chẽ với sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Nhà nước Việt Nam coi đầu tư phát triển khoa học – công nghệ là nền tảng và động lực phát triển kinh tế – xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm nền tảng vững chắc cho tiềm lực khoa học và công nghệ của nền quốc phòng toàn dân… Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu – phát triển khoa học – công nghệ đồng thời có chính sách phát triển và ưu đãi đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ. Nhà nước cũng đã đề ra các biện pháp gắn khoa học – công nghệ với sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền tác giả, từng bước tạo lập thị trường công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy còn những khó khăn hạn chế, nhưng tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước đang từng bước được tăng cường, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng – an ninh của Việt Nam.
Trong những năm qua, khoa học – kỹ thuật và nghệ thuật quân sự Việt Nam được quan tâm phát triển, tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và chiến thuật để đối phó có hiệu quả với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Việt Nam chú trọng kế thừa và phát huy nghệ thuật chiến tranh nhân dân cả trong nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật… đáp ứng các điều kiện chiến tranh hiện đại, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của con người và vũ khí trong chống chiến tranh xâm lược. Khoa học – kỹ thuật quân sự Việt Nam phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu trước mắt về trang bị vũ khí của lực lượng vũ trang nhân dân đồng thời từng bước nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ, các loại khí tài mới đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai. Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế thu hút, sử dụng nhân tài, phát huy mọi tiềm lực khoa học cả trong và ngoài nước cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Xây dựng tiềm lực quân sự là khả năng về vật chất và tinh thần có thể huy động để tạo thành sức mạnh phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong cả thời bình và thời chiến. Tiềm lực quân sự là nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế và tiềm lực khoa học và công nghệ. Tiềm lực quân sự không chỉ thể hiện ở khả năng duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang mà còn biểu hiện ở nguồn dự trữ về sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ quân sự.
Nhà nước Việt Nam xây dựng tiềm lực quân sự theo kế hoạch chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Năng lực chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang thể hiện ở tổ chức, biên chế, trang bị, cơ sở bảo đảm hậu cần, nghệ thuật quân sự và khoa học – kỹ thuật thường xuyên được quan tâm duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Tiềm lực quân sự bao gồm cả hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí, trang bị trong đó con người là yếu tố quyết định. Việt Nam có tiềm lực quân sự mạnh một phần nhờ nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Nhà nước Việt Nam quan tâm xây dựng đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII đã xác định rõ tiêu chuẩn chung của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; có trình độ chính trị, khoa học quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Luật cũng đã điều chỉnh kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan nhằm tiết kiệm nhân lực trong đào tạo, sử dụng, phát huy những kiến thức, kinh nghiệm của sĩ quan, nhất là sĩ quan chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ khoa học có trình độ cao mà vẫn giữ được tính đặc thù của lao động quân sự. Luật cũng điều chỉnh chính sách đối với sĩ quan, xác định quân đội là “ngành lao động đặc biệt” làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI đã giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 24 tháng xuống 18 tháng. Quy định này tạo khả năng tăng số lượt thanh niên tham gia quân đội. Các thanh niên sau khi phục vụ quân đội sẽ là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng động viên bổ sung cho lực lượng thường trực khi cần.
Tiềm lực quân sự còn thể hiện ở khả năng động viên công nghiệp, nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ công cộng khác để đáp ứng yêu cầu quốc phòng. Xây dựng tiềm lực quân sự được gắn chặt với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá tư tưởng… là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Nhà nước Việt Nam chủ trương gắn việc xây dựng tiềm lực quân sự với việc xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ, coi đó là yêu cầu tất yếu trong xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, bảo đảm khả năng huy động tạo thành sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
TT-Nguồn Cổng TTĐT BQP